Tại buổi Gặp mặt nhà đầu tư tại Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất vào ngày 26/3, ông Nguyễn Việt Thắng – Tổng giám đốc của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) đã xác nhận việc doanh nghiệp này nộp đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc.
Tại Việt Nam, ngoài Hòa Phát thì chỉ có Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là cũng sản xuất HRC. Hiện tổng công suất thiết kế sản xuất HRC của 2 đơn vị này khoảng 8,2 triệu tấn/năm. Trong trường hợp cả Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chạy tối đa công suất và chỉ bán nội địa, không xuất khẩu thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ HRC tại Việt Nam.
Báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam tháng 12/2023 cũng cho thấy, sản lượng thép cán nóng Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán nội địa trong năm 2023 chỉ đạt 3,4 triệu tấn, được phân bổ cho các công ty sản xuất tôn mạ và ống thép. Vậy, cung trong nước chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Hiện nay, các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép phải nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác nhau để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.
Trước việc cả 2 đơn vị sản xuất được HRC có động thái nộp đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá, nhóm các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ, ống thép là Hoa Sen Group, Thép Nam Kim, Thép TVP, Tôn Đông Á, Tôn Phương Nam, Tôn Pomina và Thép Vina One đã có kiến nghị phản biện gửi các cơ quan chức năng.
Kiến nghị của nhóm các doanh nghiệp này cho biết HRC là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác.
Bất kỳ diễn biến bất lợi nào xảy ra với nguồn nguyên liệu HRC cũng có thể gây ra ảnh hưởng cực kỳ trầm trọng đến toàn ngành thép. Số liệu thống kê từ dữ liệu hải quan cho thấy mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 7-8 triệu tấn HRC trên tổng nhu cầu của thị trường vào khoảng 10-13 triệu tấn/năm.
Hiệu quả sử dụng công suất của Hòa Phát đã đạt gần đỉnh 97% trong năm 2023 và Formosa Hà Tĩnh đạt hiệu quả công suất khá tốt là 73%. Với công suất thiết kế hiện chỉ ở mức 8,2 triệu tấn/năm thì giả định Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chạy tối đa công suất và chỉ bán nội địa không xuất khẩu thì cung vẫn không đáp ứng được cầu và phải nhập khẩu.
Nhóm doanh nghiệp thép nhận định với việc là 2 đơn vị nắm giữ tới 80% thị phần ngành HRC nội địa – chỉ còn khoảng 20% còn lại được cung cấp bởi các công ty thương mại nhập khẩu HRC – thì Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh hiện có thể ấn định giá bán, ấn định khối lượng mua tối đa cho các khách hàng, hoàn toàn không có chuyện các doanh nghiệp được mua theo nhu cầu thực tế. Do đó nếu thuế chống bán phá giá với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc được áp dụng, HRC từ Trung Quốc sẽ không thể nhập khẩu vào Việt Nam được nữa, dẫn đến việc 2 doanh nghiệp độc quyền nguồn cung HRC tại Việt Nam.
Nguồn tin: https://cafef.vn/cung-cau-thi-truong-thep-cuon-can-nong-viet-nam-dang-ra-sao-truoc-de-xuat-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-cua-hoa-phat-188240327171559738.chn