Mặc dù tốn kém nguồn lực khổng lồ và dường như chỉ dành cho những “gã nhà giàu” nhưng Việt Nam đang ngày càng có thêm những startup dấn thân vào cuộc chơi xe điện – phương tiện được đánh giá là sẽ thay đổi tương lai ngành ô tô. Mới đây, trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 6, một startup xe điện mới có tên Carbaba cũng diện kiến các “cá mập” để huy động vốn đầu tư.
Theo giới thiệu, chiếc xe điện ba bánh thân hẹp có mức chiếm dụng mặt đường tương đương một chiếc xe máy, có buồng lái kín, hệ thống điều hòa nhiệt độ. Xe được trang bị cơ chế cân bằng chủ động để khắc phục nhược điểm lớn nhất của các chiếc xe thân hẹp nói chung là dễ bị lật khi vào cua. Chiếc xe ba bánh này có thể di chuyển 200 km trên một lần sạc với phiên bản pin gắn liền thân xe hoặc 150 km với phiên bản pin có thể tháo rời. Giá bán dự kiến là 100 triệu đồng.
Đến thời điểm hiện tại, chiếc xe đã hoàn thiện hệ thống lái, hệ thống treo và cân bằng, đang tiếp tục hoàn thiện khung vỏ và các tiện ích bên trong xe. Xe Carbaba đã có thời gian chạy thử 6 tháng.
Dù đi theo “sóng” xe điện nhưng hai nhà sáng Nguyễn Tuấn Anh và Trần Quyết Tiến đều nhận về những lời nhận xét, đánh giá không mấy tích cực từ dàn “cá mập”.
Shark Bình từ chối deal mà không cần hỏi thêm câu nào vì cho rằng đây là một mô hình “viển vông”. Shark Hùng Anh và Shark Louis cũng quyết định không đầu tư vì cho rằng không khả thi, sản phẩm không có lợi thế cạnh tranh đột phá và “không ai đem tiền cho bạn xây ước mơ”.
Trong khi đó, Shark Lâm cho biết đây là lần thứ hai cô tiếp xúc với Carbaba.
Lần đầu tiên, cách đây khá lâu, Shark Lâm nhận được một bức thư từ nhà sáng lập. ”Thời điểm đó bản thử nghiệm xe còn chưa ra đời. Bây giờ đã là một bước tiến khá tốt rồi. Tôi nhận được bức thư và cảm thấy xúc động về câu chuyện của bạn. Tôi đem đi hỏi người khác, nếu bây giờ có 100 triệu thì họ sẽ mua chiếc xe này hay xe SH. Hỏi 10 người thì cả 10 người đều nói không mua chiếc xe của các bạn.
Việc mình nghĩ như thế nào không quan trọng bằng việc khách hàng nghĩ thế nào. Đó mới là điều quyết định mô hình kinh doanh có kiếm ra tiền hay không.
Bạn là người có niềm đam mê và năng lực, nhưng năng lực phải đặt đúng chỗ và đúng thị trường ” , Shark Lâm bày tỏ.
Theo Shark Lâm, ngành xe điện là cuộc chơi quá tốn nguồn vốn. Nữ “cá mập” duy nhất của chương trình gửi lời khuyên tới hai nhà sáng lập Carbaba để chuẩn bị trước tâm lý cho con đường phía trước.
“Sau khi có phiên bản hoàn thiện để chuẩn bị thương mại hoá, bạn sẽ gặp vấn đề rất lớn về dòng vốn. Người ta mua chiếc xe có sẵn chứ không ai ứng trước tiền cho bạn. Nếu bạn muốn bạn vẫn có thể làm, nhưng nên có cái nhìn thực tế, sâu sát với thị trường hơn” , Shark Tuệ Lâm nói.
Trên thực tế, trước Carbaba, vào năm 2019, Shark Tank đã từng chào đón một startup xe điện mô tô có tên Dat Bike. Nhà sáng lập Nguyễn Bá Cảnh Sơn cũng bị các “cá mập” vùi dập không thương tiếc.
“Anh chẳng thấy em có cơ hội gì cả. So với xe của ông lớn có mạng lưới phân phối, giá thành rẻ hơn của em nhiều. Anh không cổ vũ xe máy chạy xăng nhưng với một mức giá như vậy, người dân có thể mua một xe máy chạy xăng và tiện ích hơn”, Shark Bình nhận định startup này đang tạo ra một sản phẩm mà chưa chắc người tiêu dùng đã cần, có cũng được không có cũng được.
Một số “cá mập” khác cho rằng thế giới có thể mất đi một kỹ sư công nghệ giỏi khi nhà sáng lập Nguyễn Cá Bảnh Sơn kinh doanh Dat Bike.
Dẫu vậy, đến thời điểm hiện tại, Dat Bike là một trong những startup xe điện nổi bật nhất trên thị trường Việt Nam. Công ty này đã cho ra mắt 3 dòng xe, trong đó Weaver++ là dòng mới nhất, có giá 66 triệu đồng, được giới thiệu vào cuối năm 2022.
Cũng vào cuối năm 2022, startup xe máy điện Việt Nam công bố gọi vốn thành công thêm 8 triệu USD, nâng tổng số vốn đã huy động lên 16,5 triệu USD. Định giá Dat Bike theo đó chạm mốc 32 triệu USD , theo ước tính của Venture Cap Insights. Dat Bike tự tin đặt mục tiêu doanh số tăng gấp 10 lần/năm và có kế hoạch mở rộng sang Indonesia.
Trong tháng 10/2023, Dat Bike cũng cho ra mắt một dòng xe hoàn toàn mới, được cho là có hình dáng thân thiện, gần gũi hơn với đông đảo khách hàng.
Tuy nhiên, thách thức lớn với các Dat Bike và các startup xe điện nói chung là rào cản tâm lý của khách hàng về thời gian sạc, sự thuận tiện và độ an toàn của pin. Hiện tại, chỉ có VinFast là hãng xe điện sở hữu hệ thống trạm sạc khắp các tỉnh thành trên cả nước.