Ngày 24/04, CTCP Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2022.
Thực tế, buổi “Đại đại hội” hôm nay được tổ chức chung cho 3 doanh nghiệp là Masan Consumer (MCH), Masan Group (MSN) và Masan Meatlife (MML). Tính đến 9 giờ, số cổ phần tham dự của Masan Consumer là 689 triệu cổ phần, tương đương 96,2%; của Masan Group là 1,2 tỷ cổ phần tương đương 87,5% và của Masan Meatlife là gần 320 triệu cổ phần, tương đương 97,7%.
Ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT của Masan Group nói lời mở đầu: “Doanh nghiệp của chúng ta chỉ có một con đường – con đường tạo ra những giá trị tốt nhất, tuyệt vời nhất cho người tiêu dùng. Cách chúng ta làm cũng luôn tràn đầy cảm hứng, cảm xúc, tình yêu với những việc chúng ta làm. Hôm nay, với chủ đề Consumer of things – Kết nối vạn nhu cầu, đây là cột mốc mới trong chặng đường không thay đổi của Masan: Hành trình dõi theo người tiêu dùng” – Ông Quang nói.
Ông Danny Le – TGĐ của Masan Group chia sẻ những con số đáng chú ý về chương trình Hội viên của Tập đoàn này.
“Chương trình Hội viên của WIN không chỉ là tích điểm như mô hình truyền thống mà qua đó, chúng ta có dữ liệu về hành vi để hiểu về người tiêu dùng, để cung cấp các chương trình khuyến mại, giảm giá mặt hàng phù hợp được cá nhân hóa cho họ, kết hợp với Techcombank để thanh toán tiện lơi hơn.” – Ông Danny Lê nói.
Theo số liệu công bố, chương trình này đã đạt được 4 triệu hội viên đăng ký với 2 triệu hội viên hoạt động hàng tháng. Chi phí thu hút khách hàng chỉ 3-5 USD so với con số 15 USD của các nền tảng khác. Tần suất quay lại hàng tháng đã tăng 3,3x so với 2,2x vào tháng 1, giá trị trung bình 165.000 VND/đơn.
Doanh thu cho MeatDeali đến từ hội viên là 87%, Wineco là 70%. Các Hội viên cũng đem lại 5% tăng trưởng doanh thu cho sản phẩm của Masan Consumer. Theo số liệu của TGĐ Masan Group, đơn hàng MeatDeli tăng trưởng 37% so với tháng 1/2023, đơn hàng cho WinEco tăng trưởng 19% so với tháng 1/2023 và tăng 2,5 lần cho doanh thu của giỏ sản phẩm WIN.
Đáng chú ý, chương trình Hội viên cũng chính là cánh cổng tiếp cận sản phẩm dịch vụ tài chính. Cửa hàng Winmart mở số lượng tài khoản tương đương một chi nhánh ngân hàng, với gần 2.000 tài khoản Techcombank được mở mới mỗi ngày tại hệ thống Winmart, 100.000 tài khoản Techcombank mở mới trong 6 tháng, trong 2 tuần thí điểm phát hành 100 thẻ tín dụng.
Năm 2023, Masan Group lên kế hoạch doanh thu 90.000 – 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18-31% so với thực hiện trong năm 2022. Lợi nhuận kế hoạch dao động trong khoảng 4.000 – 5.000 tỷ đồng. So với con số thực hiện năm 2022 là 4.754 tỷ đồng, theo kịch bản cao nhất MSN dự kiến chỉ tăng trưởng nhẹ 5% về lợi nhuận.
Kế hoạch được Masan đề ra trong bối cảnh thị trường bán lẻ đối mặt với khó khăn nhu cầu giảm sút, người dân thắt chặt chi tiêu. Công ty cũng đang trong quá trình đầu tư, hướng đến việc trở thành hệ sinh thái bán lẻ số đầu tiên tại Việt Nam.
Trong báo cáo thường niên, Masan khẳng định, là một tập đoàn kinh doanh tập trung vào hàng tiêu dùng thiết yếu, Masan tạo ra dòng tiền ổn định và là một trong số ít các doanh nghiệp quy mô lớn nhận được sự tin tưởng của các tổ chức tài chính. Tập đoàn này đã chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn để thanh toán các trái phiếu bằng VND đến kỳ đáo hạn trong năm 2023 – năm mà thị trường vốn tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường trái phiếu dự kiến sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn.
Tập đoàn đã giải ngân thành công toàn bộ khoản vay hợp vốn trị giá 600 triệu USD vào Quý 4/2022 và đã ký các thỏa thuận huy động gói tín dụng hợp vốn lên đến 650 triệu USD vào đầu năm 2023, phần lớn trong số đó đã được bảo lãnh bởi một nhóm các ngân hàng quốc tế hàng đầu.
Các khoản huy động vốn từ nước ngoài đã và đang giúp Masan gia tăng nguồn vốn dài hạn với chi phí thuận lợi hơn. Masan đặt mục tiêu tiếp tục tối ưu hóa bảng cân đối kế toán, giảm chi phí lãi vay và giảm nợ thông qua các hành động chiến lược của công ty.
Ngay trước thềm Đại hội, Masan bổ sung thêm nội dung chào bán cổ phần ưu đãi cổ tức trong khi tờ trình cũ chỉ đưa ra phương án chào cổ phần phổ thông.
Cụ thể, Masan dự kiến chào bán riêng lẻ cổ phần phổ thông và/hoặc cổ phần ưu đãi cổ tức với tổng số lượng cổ phần phát hành dự kiến tối đa là 10% tổng số cổ phần đang lưu hành vào thời điểm chào bán.
Hiện nay, Masan có vốn điều lệ 14.237 tỷ đồng, tương đương 1,42 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Giả sử số cổ phần MSN tại thời điểm chào bán giữ nguyên như hiện nay, Masan sẽ chào bán riêng lẻ thêm tối đa khoảng 142 triệu cổ phiếu.
Đối với cổ phần ưu đãi cổ tức, trong vòng 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành, mức cổ tức cố định là 0%/ Kể từ năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định lên đến 10%/năm, do HĐQT quyết định tỷ lệ chia. Ngoài ra, mỗi cổ phần ưu đãi sẽ được nhận cổ tức với mức bằng với cổ tức chia cho mỗi cổ phần phổ thông (nếu có). Cổ phần ưu đãi không có quyền biểu quyết.
Công ty có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi tại bất kỳ thời điểm nào sau khi tròn một năm kể từ ngày phát hành. Giá mua lại một cổ phần ưu đãi không thấp hơn giá phát hành và không cao hơn 300.000 đồng/cp.
Giá mua lại sẽ được điều chỉnh cho các khoản chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và các khoản phân phối bằng cổ phiếu mà công ty đã trả, cũng như các sự kiện gộp hay chia tách cổ phiếu, chi trả cổ tức bằng tiền và các sự kiện tương tự.
HĐQT cũng xin ý kiến cổ đông về việc phát hành trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế, dự kiến số lượng tối đa là 500 triệu USD. Mục đích huy động vốn từ trái phiếu chuyển đổi dự kiến (i) để thực hiện các chương trình và dự án đầu tư của Công ty (bao gồm mua cổ phần công ty con), (ii) bổ sung vốn lưu động và (iii) cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của Công ty.