CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (Osco, tên cũ là Nosco, mã chứng khoán: NOS) vừa công bố BCTC quý II với doanh thu 29,3 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp lỗ gộp 37,7 tỷ đồng.
Các chi phí của của doanh nghiệp trong quý vừa rồi đều giảm. Tuy vậy, Osco vẫn báo lỗ 65 tỷ đồng trong quý II, giảm nhẹ so với khoản lỗ 100 tỷ đồng của năm trước.
Lũy kế 6 tháng, Osco ghi nhận doanh thu 72,5 tỷ đồng, giảm 64% so với thực hiện năm trước. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp lỗ ròng 127 tỷ đồng, tăng hơn 1 tỷ đồng so với khoản lỗ năm ngoái.
Trên thực tế, Osco đã liên tục báo lỗ hàng trăm tỷ đồng trong 12 năm kể từ năm 2011 đến nay.
Tại thời điểm 30/6, số lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên đến hơn 4.897 tỷ đồng. Vốn điều lệ chỉ ở mức 200,5 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm 4.638 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn của doanh nghiệp được tài trợ bằng nợ vay.
Nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 5.221 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính là 2.956 tỷ đồng. Trong đó, 74% số nợ là nợ vay dài hạn.
Tổng tài sản của doanh nghiệp là 583 tỷ đồng, trong đó phần lớn tài sản là tài sản cố định với mức 423 tỷ đồng. Lượng tiền mặt của doanh nghiệp là khoảng 7 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có 104 tỷ đồng nợ xấu.
Osco tiền thân là công ty Vận tải Thủy Bắc, thuộc Cục Đường sông Việt Nam. Doanh nghiệp được thành lập năm 1993 trên cơ sở chuyển đổi tổ chức Văn phòng Tổng công ty Vận tải sông I. Ngành nghề kinh doanh: vận tải hàng hóa, xăng dầu, container bằng đường biển, đường sông, đường bộ; vận tải hành khách…
Hiện nay, cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này là tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, mã chứng khoán: MVN) khi nắm giữ 49% vốn. Cổ phiếu của Osco đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch từ năm 2015 do lỗ nhiều năm liên tiếp. Mỗi cổ phiếu NOS hiện giờ chỉ có giá 900 đồng, không đủ mua một chiếc kẹo cao su.
Nguồn cơn cho gánh nặng nợ và lỗ lớn của Vận tải Phương Đông gánh khoản nợ lớn do trước đây công ty chi hàng nghìn tỷ đồng để mua những con tàu chở hàng như tàu Nosco Victory; tàu Nosco Glory; tàu Hồng Lĩnh; tàu Ngọc Sơn; tàu Eastern Sun; tàu Eastern Star …
Để có tiền mua các con tàu trên, Vận tải Phương Đông đã huy động vốn từ một số ngân hàng và dùng chính những con tàu này làm tài sản thế chấp. Đến nay, một số con tàu đã bị cưỡng chế, bán đấu giá.