Hàng tồn kho bốc hơi hơn 650 tỷ đồng chưa rõ nguyên nhân, kiểm toán từ chối đưa ý kiến
Sau quãng thời gian dài chờ đợi, đến ngày 21/11/2023, cổ đông của CTCP Công nghiệp Ngũ Kim Fortress Việt Nam (OTC: FTV) đã tiếp cận được BCTC kiểm toán năm 2022 với khoản lỗ ròng gần 24 tỷ đồng.
Song, kiểm toán lại từ chối đưa ra ý kiến vì một số các nguyên nhân, trong đó nổi bật lên là vấn đề “bốc hơi” hơn 650,39 tỷ đồng hàng tồn kho chưa rõ nguyên nhân.
Theo ý kiến của kiểm toán, Ban TGĐ của Công ty đã ghi nhận khoản chênh lệch thiếu thuần khi thực hiện kiểm kê hàng tồn kho với giá trị là 650,39 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến ngày lập BC kiểm toán, Công ty chưa xác định được nguyên nhân, thời điểm cũng như ảnh hưởng của các nghĩa vụ liên quan do thiếu hụt hàng tồn kho nêu trên.
Dựa trên những thông tin hiện có, kiểm toán cho biết, họ không thể xác định hoặc kiểm tra bằng các thủ tục thay thế với số dư tài khoản hàng tồn kho cũng như số dư và khả năng thu hồi của số dư tài sản thiếu chờ xử lý được ghi nhận trên BCTC hợp nhất ngày 31/12/2022 với số tiền lần lượt là 283,13 tỷ đồng và 650,39 tỷ đồng cũng như các điều chỉnh, nếu có, đối với số dư hàng tồn kho của các năm trước.
Ngoài ra, một số hàng tồn kho bị khách hàng huỷ đơn đặt hàng trong năm 2022 và chưa có phương án tiêu thụ thay thế với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022 cũng chưa được trích lập dự phòng.
Bên cạnh đó, công ty đã phát sinh khoản lỗ thuần trên BCTC hợp nhất năm 2022 và 2021 lần lượt là 23,8 tỷ đồng và 33 tỷ đồng. Nếu số dư tài sản thiếu chờ xử lý tại ngày 31/12/2022 với giá trị 650,39 tỷ đồng như được trình bày ở trên không thể thu hồi được thì tài sản ngắn hạn của công ty sẽ giảm một khoản tương ứng và Nợ ngắn hạn sẽ vượt Tổng TS ngắn hạn một khoản là 197,5 tỷ đồng; lỗ luỹ kế là 357,5 tỷ đồng.
Kiểm toán không thu thập được cam kết về hỗ trợ tài chính cho công ty từ các cổ đông lớn, do đó, không thể xác định được tính hợp lý của việc sử dụng giả định hoạt động liên tục khi lập BCTC này.
Do tầm quan trọng của các vấn đề nêu trên, kiểm toán không thể thu thập được bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán và do đó từ chối đưa ra ý kiến.
CTCP mẹ Ngũ kim Formasa đã hoàn tất thoái vốn năm 2022
Công ty TNHH Công nghiệp Ngũ Kim Formosa được thành lập năm 14/07/2010, trụ sở chính đặt tại Lô B8+B9+B10, Khu CN Phúc Khánh, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình, Việt Nam.
Công ty mẹ của công ty là CTCP hữu hạn Công nghiệp Ngũ kim Formosa có trụ sở chính tại Đài Loan (Trung Quốc) và một số cổ đông cá nhân quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Việt Nam.
26/10/2015, công ty thay đổi Đăng kí kinh doanh, tăng vốn điều lệ lên 99,95 tỷ đồng, trong đó công ty Ngũ kim Formosa giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 39,28% so với 70,74% trước đó.
Đến tháng 4/2016, công ty có sự tham gia của chủ sở hữu mới là Công ty CP tập đoàn Emblem Holding với tỷ lệ sở hữu 59,2%.
Chỉ 3 tháng sau, công ty nâng vốn điều lệ từ 99,95 tỷ đồng lên 142,59 tỷ đồng (tương đương hơn 7 triệu USD). Lúc này 2 chủ sở hữu lớn là CT Ngũ kim Formosa sở hữu 57,4% và Emblem Holding sở hữu 41,49%.
Năm 2016, công ty chuyển đổi mô hình loại hình hoạt động từ Công ty TNHH sang CTCP sau đó đổi tên thành tên gọi CTCP Công nghiệp Ngũ Kim Fortress Việt Nam. Theo thông tin trên website, công ty cho biết việc đổi tên nhằm phân biệt với công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thuộc tập đoàn Nhựa Formosa).
Năm 2017, công ty liên tục mở rộng quy mô với việc tăng VĐL và vốn đầu tư dự án, đồng thời triển khai xây dựng nhà máy thứ 2 với số vốn 6,5 triệu USD.
Sau thêm 2 lần tăng vốn thì đến cuối 2022, vốn điều lệ của Ngũ Kim Fortress là 268 tỷ đồng với chi tiết các cổ đông góp vốn như nội dung được trích từ BCTC kiểm toán dưới đây:
Đáng chú ý, trong kỳ, 2 cổ đông lớn của Công ty là CTCP Hữu Hạn công nghiệp Ngũ kim Formosa và Công ty Emblem Holding Group đã hoàn tất việc thoái vốn tại Ngũ Kim Fortress. Trước thời điểm thoái vốn, Ngũ Kim Formosa là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 30,55% sở hữu của công ty.
Ngũ Kim Fortress có ngành nghề kinh doanh chính là mua bán, gia công, chế tạo kinh doanh các dụng cụ, phụ kiện làm vườn; mua bán chế tạo các sản phẩm ngũ kim; chế tạo, kinh doanh máy móc; xử lý nhiệt, gia công nhiệt; sản xuất đồ chơi bằng gỗ…
Theo thông tin trên BCTC kiểm toán 2022, công ty có 3 dự án sản xuất tại Việt Nam bao gồm: Dự án gốc chế tạo dụng cụ làm vườn, Dự án mở rộng chế tạo dụng cụ làm vườn (lỗ), dự án mở rộng 2 sản xuất đồ chơi bằng gỗ đã ngừng hoạt động.