Harland & Wolff, công ty đóng tàu 163 tuổi nổi tiếng với việc chế tạo tàu Titanic, vừa tuyên bố mất khả năng thanh toán sau khi không thể huy động thêm nguồn tài chính cần thiết.
Ngày 16/9, Harland & Wolff thông báo sẽ chỉ định một công ty tiếp quản để quản lý hoạt động trong thời gian tới. Đây là phương án tái cấu trúc mà nhiều doanh nghiệp tại Anh lựa chọn khi không thể thanh toán các khoản nợ, và quá trình này khác với việc thanh lý tài sản.
Theo thông tin từ Harland & Wolff, họ đã bị UK Export Finance – cơ quan thuộc chính phủ Anh – từ chối rót 200 triệu bảng (tương đương 264 triệu USD), khiến tình hình tài chính của công ty ngày càng khó khăn. Được biết, Harland & Wolff đã chật vật trong nhiều năm qua, đặc biệt trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ châu Á.
“Tập đoàn đang trải qua giai đoạn rất thách thức do lỗ lũy kế nhiều năm và chưa thể tìm được nguồn tài chính dài hạn. Chúng tôi phải đưa ra các quyết định cực kỳ khó khăn để bảo đảm tương lai các xưởng đóng tàu”, Giám đốc Russell Downs chia sẻ.
>> CEO ngân hàng bị lừa 47 triệu USD đẩy công ty đến bờ vực phá sản
Harland & Wolff cũng thông báo kế hoạch cắt giảm nhân sự tại các bộ phận “không cốt lõi”, đồng thời đang nghiên cứu bán bớt một số mảng kinh doanh và tìm cách huy động thêm vốn.
Công ty cho biết mảng kinh doanh cốt lõi không bị ảnh hưởng và sẽ tiếp tục hoạt động bình thường. Đó là xưởng đóng tàu Belfast, nơi tạo ra tàu Titanic năm 2012, đang đóng 3 tàu chiến cho chính phủ Anh.
Đây không phải là lần đầu tiên Harland & Wolff gặp khó khăn về tài chính. Năm 2019, công ty đã phải tiếp nhận sự can thiệp từ chính phủ Anh để tái cấu trúc. Sau đó, hãng được cứu khi InfraStrata – công ty năng lượng của Anh – đồng ý mua lại.
Năm ngoái, Harland & Wolff đã hoàn thành con tàu đầu tiên tại xưởng Belfast sau hai thập kỷ. Hiện tại, công ty đang tập trung vào việc sửa chữa tàu và phát triển các dự án năng lượng xanh.
Phát ngôn viên chính phủ Anh khẳng định việc một công ty khác tiếp quản Harland & Wolff sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của các xưởng đóng tàu hay các hợp đồng với Bộ Quốc phòng.
“Sau khi đánh giá toàn diện tình hình tài chính, chúng tôi nhận thấy thị trường tự có cách giải quyết vấn đề này. Việc chính phủ tham gia hỗ trợ có nguy cơ lớn gây thất thoát tiền thuế của người dân”, người phát ngôn khẳng định. Dù vậy, chính phủ Anh cam kết sẽ làm việc sát sao với các bên liên quan để giúp Harland & Wolff.
Hiện tại, Harland & Wolff đang có khoảng 1.200 nhân viên làm việc tại bốn xưởng đóng tàu. Theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán được công bố vào hồi tháng 7, công ty đã lỗ gần 24,8 triệu bảng trong năm ngoái, giảm một nửa so với năm 2022.
>> Không có gì ngoài tiền, tỷ phú Úc vung tài sản quyết đóng tàu Titanic II
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/cong-ty-dong-chiec-tau-noi-tieng-titanic-tuyen-bo-mat-kha-nang-thanh-toan-158690.html