Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng là sự kiện lớn nhất trong năm của ngành Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, Thời báo Ngân hàng, Vụ Thanh toán và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức. Tham dự sự kiện có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; lãnh đạo một số bộ, ngành… Về phía ngành Ngân hàng có sự tham dự của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cùng lãnh đạo các Ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) hàng đầu.
Với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”, sự kiện tập trung khai khai phá những sản phẩm, dịch vụ công nghệ hiện đại liên quan đến sự phát triển của hệ sinh thái số, ngân hàng mở, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp qua dịch vụ tài chính thông minh, xác thực sinh trắc học nhằm đáp ứng triển khai Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ Ngân hàng cũng như Đề án 06.
Tại sự kiện, Thủ tướng cho biết: “Trọng tâm hiện nay đặt ra là đẩy mạnh phát triển kinh tế số, trong đó ngành Ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, có tác động hàng ngày đến hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, mọi mặt hoạt động của người dân, doanh nghiệp”.
Thủ tướng nêu rõ 3 mục tiêu thời gian tới của chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính – sự nghiệp tiếp cận thuận lợi nhất, tốt nhất với các dịch vụ ngân hàng; góp phần tiết giảm chi phí về thời gian, vật chất, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp và bản thân hệ thống ngân hàng; góp phần đắc lực, hiệu quả kiểm soát rủi ro, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu.
Thấu hiểu tầm nhìn của Chính phủ và các bài toán trọng tâm của ngành đặt ra, giới thiệu và trình bày với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các lãnh đạo Bộ ban ngành, ông Trần Đăng Hoà – Chủ tịch FPT IS chia sẻ tại triển lãm: “Trong bối cảnh kinh tế số, với nhiệm vụ quan trọng mà ngành Ngân hàng đặt ra là: Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số, các Tổ chức và Ngân hàng sẽ có một số bài toán lớn”.
Thứ nhất, về vấn đề phòng chống lừa đảo và thực thi Quyết định số 2345/QĐ-NHNN. Hiện nay, 76% tỷ lệ các cuộc lừa đảo hiện nay là nhằm vào lừa đảo tài chính. Với con số 11 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt và sẽ không ngừng tăng trưởng, việc đảm bảo cho các giao dịch được xác thực an toàn, nhanh chóng, hiệu quả là vấn đề tiên quyết.
Thứ hai, về việc đảm bảo tốc độ của nền kinh tế số không ngừng được thúc đẩy. Với tiềm năng kinh tế số dự kiến chiếm 25% GDP vào năm 2030 cùng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 683 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu 8 năm liên tiếp, cần thiết có những nền tảng để các ngân hàng, tổ chức có thể đẩy nhanh tốc độ giao thương, giảm tối đa chi phí thời gian, quy trình và phiền hà cho các doanh nghiệp và các Ngân hàng, ông Hoà khẳng định.
Cụ thể, trong phiên chuyên đề “Giải pháp Kiểm tra, Đối chiếu, Xác thực thông tin sinh trắc học của khách hàng, triển khai quyết định 2345/QĐ-NHNN”, ông Vũ Anh Đức – Phó Giám đốc Trung tâm Nền tảng và Định danh số, FPT IS phân tích: “Hiện nay trên thế giới có nhiều phương thức xác thực sinh trắc học như: Xác thực giọng nói, xác thực vân tay, xác thực mống mắt, xác thực tĩnh mạch bàn tay. Tuy nhiên với việc áp dụng Quyết định 2345 vào ngày 1/7 tới đây thì yếu tố sinh trắc học nào sẽ được lựa chọn? Giải pháp nào phù hợp cho bài toán đó?”.
Chuyên gia FPT IS đề xuất giải pháp xác thực định danh với độ chính xác 100%.
Chuyên gia FPT IS đề xuất Ngân hàng, TCTD lựa chọn dữ liệu sinh trắc học khuôn mặt để áp dụng trong phương thức xác thực định danh. Việc ứng dụng sinh khắc khuôn mặt sẽ giải quyết các vấn đề cốt lõi: Thứ nhất cho phép khai thác dữ liệu trong Chip của CCCD theo Đề án 06, không chỉ làm sạch, cập nhật dữ liệu khách hàng hiện hữu mà hiệu quả chống giả mạo gần như tuyệt đối. Thứ hai đảm bảo quy trình thực hiện tiện lợi và có tốc độ xử lý nhanh hơn. Thứ ba, chi phí đầu tư thiết bị giá rẻ với những thiết bị chỉ cần có camera đơn giản. Cuối cùng giúp dễ dàng tích hợp linh hoạt trên các nền tảng phục vụ các nghiệp vụ khác nhau của Ngân hàng.
Theo đó, FPT IS đang song hành cùng Bộ Công An thúc đẩy mạnh mẽ Đề án 06 trong ngành Tài chính Ngân hàng với hàng triệu giao dịch đã được xác thực trực tiếp với dữ liệu Bộ Công An. FPT.IDCheck là công cụ đắc lực hỗ trợ tổ chức và doanh nghiệp số hóa trải nghiệm xác thực định danh của người dùng trong các dịch vụ tài chính: mở mới tài khoản Ngân hàng, đăng ký vay tiêu dùng, chuyển tiền, rút tiền,… Đến nay, giải pháp được tin chọn sử dụng bởi hơn 20 Ngân hàng, tổ chức tài chính hàng đầu Việt Nam, tiêu biểu: Sacombank, ACB, VIB, TPBank, WooriBank, JACCS, VietCredit…
Trong mục tiêu mở rộng hệ sinh thái Ngân hàng, thúc đẩy giao thương, FPT IS phát triển Hệ sinh thái tài chính số TradeFlat nhằm cung cấp nền tảng giao dịch toàn trình (end-to-end) thống nhất, giải quyết trọn vẹn bài toán tài trợ vốn thương mại. TradeFlat hiện đã hợp tác với các nền tảng quốc gia của Nhật Bản, New Zealand – cam kết giảm tổng thời gian toàn trình từ 7-10 ngày xuống 1-0,5 ngày. TradeFlat có thể kết nối với 15 nền tảng trong khu vực, được kỳ vọng tạo ra đột phá trong quy trình L/C nội địa và quốc tế, tài trợ chuỗi cung ứng và bảo lãnh điện tử nội địa mở ra cơ hội kết nối toàn diện nền kinh tế số Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ bài toán tổng thể trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng, đơn vị đã nghiên cứu và phát triển khung chuyển đổi số bền vững theo 6 bài toán trụ cột: (1) Xây dựng core system đạt chuẩn (FPT. Finex); (2) Hiện đại hoá hạ tầng công nghệ thông tin và (3) Quản trị dữ liệu Ngân hàng trên nền tảng điện toán đám mây FPT Cloud; (4) Tối ưu trải nghiệm khách hàng với giải pháp FPT.AI, Utop; Lendvero; (5) Đảm bảo an toàn bảo mật thông tin tuyệt đối với bộ giải pháp FPT.EagleEye; (6) Tối ưu hoá quản trị vận hành thông qua giải pháp Tự động hóa quy trình nghiệp vụ akaBot, Bộ giải pháp văn phòng không giấy (FPT.eContract, FPT.eSign, FPT.eInvoice,…); Bộ giải pháp chuyển đổi số nhân sự toàn diện FPT HR DX (FPT.eLearning, FPT.iHRP, PeopleX Hiring,…);
Đặc biệt, nhiều giải pháp Made by FPT ứng dụng công nghệ mới giúp tối đa hoá hiệu quả vận hành cùng ngành Ngân hàng. Tiêu biểu như giải pháp tự động hóa bằng robot ảo (RPA) akaBot đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả vận hành, giúp tỷ lệ hoàn vốn (ROI) của các ngân hàng đạt mức 300% chỉ trong 3 năm, đồng thời giúp ngân hàng dần hoàn thiện mục tiêu tối ưu CIR trong dài hạn. Giải pháp FPT.AI giúp các ngân hàng tự động hóa toàn diện các kênh chăm sóc khách hàng, nâng cao năng lực vận hành với sức mạnh của Generative AI (AI tạo sinh). Bên cạnh đó, FPT cung cấp dịch vụ đám mây GPU hiệu năng cao cho phát triển trí tuệ nhân tạo – AI/ML Stack trên nền tảng FPT Cloud. Tận dụng sức mạnh tính toán vượt trội từ GPU H100 đẳng cấp thế giới của NVIDIA, giải pháp giúp các tổ chức tài chính đẩy nhanh tốc độ ứng dụng AI từ đó đạt được những đột phá trong nâng cao năng suất, trải nghiệm khách hàng.
Tương lai, dựa trên kinh nghiệm 30 năm đồng hành chuyển đổi số cùng ngành Tài chính Ngân hàng Việt Nam, kết hợp với lợi thế sẵn có dựa trên hệ sinh thái Made by FPT, đội ngũ chuyên gia đạt chuẩn quốc tế, FPT mong muốn song hành cùng ngành Tài chính – Ngân hàng Việt Nam nói riêng tận dụng sức mạnh công nghệ, kiến tạo sức mạnh phát triển bền vững, không ngừng mở rộng cơ hội kết nối với nền kinh tế số toàn cầu.
Nguồn tin: https://cafef.vn/cong-nghe-tao-don-bay-mo-rong-he-sinh-thai-so-ngan-hang-188240510143744825.chn