Kết thúc ngày 8/3, thị trường chứng khoán đã chứng kiến phiên giảm mạnh nhất từ đầu năm 2024 khi VN-Index giảm 22,11 điểm còn 1.247,35 điểm. Tuy nhiên, trong ngày thị trường đỏ lửa cổ phiếu MCH của CTCP Masan Consumer tiếp tục duy trì đà thăng hoa của mình khi tăng 5,09% lên mức giá 144.500 đồng/cp.
Đây đã là phiên tăng thứ 16 liên tiếp của cổ phiếu này trong thời gian gần đây. Thị giá của MCH đã tăng 66% kể từ đầu năm và tăng gần 90% trong nửa năm đã qua.
Với mức giá 144.500 đồng/cp, vốn hóa thị trường của Masan Consumer cũng đã có lần đầu vượt mốc 100.000 tỷ khi đạt 103.680 tỷ đồng. Giá trị của doanh nghiệp này đã tăng đến 41.200 tỷ kể từ đầu năm. Thậm chí, mức vốn hóa hiện tại của Masan Consumer còn vượt một loạt ông lớn trên sàn như Sabeco, Becamex IDC, Thế Giới Di Động, Vincom Retail, HDBank, Seabank…
Đà tăng của cổ phiếu MCH được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh tích cực. Năm 2023, Masan Consumer thiết lập mức lợi nhuận kỷ lục mới khi ghi nhận mức lãi sau thuế 7.195 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm 2022. EPS năm 2023 đạt 9.888 đồng/cp, tăng mạnh so với EPS năm 2022 là 7.612 đồng/cp.
Đặc biệt, biên lợi nhuận gộp của Masan Consumer lần đầu tiên tiến lên mức gần 50%. Cụ thể, lợi nhuận gộp quý 4 đạt 4.017 tỷ, biên lợi nhuận gộp 47,29%, tăng đáng kể từ mức 41,48% trong quý 4/2022.
Theo chứng khoán Bản Việt (BVSC), nếu loại trừ tác động của việc chuyển MSN Jinju cho Masan MeatLife, doanh thu của MCH tăng trưởng đến 9% so với năm trước, BVSC đánh giá đây là con số cực kỳ ấn tượng trong bối cảnh chi tiêu thắt chặt khi niềm tin tiêu dùng ở mức thấp do ảnh hưởng của điều kiện kinh tế vĩ mô không thuận lợi.
Các dòng hàng Gia vị, Thực phẩm tiện lợi và Chăm sóc gia đình hưởng lợi nhờ xu hướng tiêu dùng nhiều hơn tại nhà, trong khi Đồ uống và Bia ghi nhận tăng trưởng kém do sự cắt giảm chi tiêu ăn uống và giải trí bên ngoài. Doanh thu từ các sản phẩm mới tăng 39% so với năm trước, đóng góp 4,4% tổng doanh thu năm 2023.
Chiến lược “Go Global” của công ty cũng ghi nhận mốc thành tích đáng khích lệ với doanh thu vượt ngưỡng 1.000 tỷ trong năm 2023. Các sản phẩm thương hiệu Chin-su hiện đang được xuất khẩu đi các thị trường phát triển như Mỹ, Canada, Úc, Châu Âu và Nhật Bản. Đặc biệt, tương ớt Chin-su đang là một trong những sản phẩm bán chạy nhất trên nền tảng Amazon.
Theo Masan, tăng trưởng vượt trội của biên lợi nhuận gộp là thành quả của việc có mức giá bán cao được củng cố bởi thương hiệu mạnh, danh mục sản phẩm có biên lợi nhuận cao, khả năng đảm bảo chi phí nguyên vật liệu thấp, và kế hoạch cung cầu được tối ưu hóa để cải thiện chi phí chuyển đổi sản xuất.
Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào tháng 4/2023, ông Trương Công Thắng – Tổng giám đốc Masan Consumer – cho biết mục tiêu của Masan trong 5 năm tới (2023 -2027) là đạt doanh thu 80.000 – 100.000 tỷ đồng, trong đó 85% từ nội địa và 15% xuất khẩu.
Nguồn tin: https://cafef.vn/co-phieu-tang-66-tu-dau-nam-them-mot-cong-ty-duoi-truong-ty-phu-nguyen-dang-quang-co-gia-tri-tren-100000-ty-vuot-sabeco-the-gioi-di-dong-va-mot-loat-ngan-hang-188240311000034998.chn