Nhận được câu hỏi “Lương tháng 13 có phải là đặc sản của Việt Nam?”, ông Đỗ Cao Bảo – Thành viên HĐQT FPT – mới đây đã có những chia sẻ đa chiều về nguồn gốc lương tháng 13 ở Việt Nam, các thông lệ áp dụng trên thế giới, cũng như mối quan hệ giữa khoản lương này với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng tôi xin trích lược chia sẻ của ông Bảo dưới đây.
————————————————————————————————————-
Khái niệm lương tháng 13 ở Việt Nam xuất hiện từ thời bao cấp. Thời ấy, kinh tế khó khăn, lương của cán bộ, công chức lẫn lao động trong doanh nghiệp đều không đủ sống. Vì thế, tất cả cơ quan, doanh nghiệp đều tổ chức làm kinh tế kế hoạch 3, thường do công đoàn đứng ra.
Toàn bộ số tiền kiếm được từ kế hoạch 3 này để vào một quỹ. Đến hết năm, quỹ ấy sẽ được mang ra chia để lấy tiền cho mọi người tiêu Tết. Số tiền kế hoạch 3 này được gọi là tháng lương thứ 13 (thực ra nhiều hay ít nó phụ thuộc vào số tiền kiếm được của mỗi cơ quan, có thể ít hơn một tháng lương và cũng có thể bằng vài tháng lương).
Lương tháng 13 là gì?
Lương tháng 13 là khoản thanh toán bổ sung được trả cho nhân viên, thường (nhưng không phải luôn luôn) vào cuối năm. Đó không phải là phần thưởng Giáng sinh hay Tết mà thường gắn liền với sự thành công của nhân viên hoặc của toàn bộ doanh nghiệp. Nhưng nó cũng nằm ngoài mức lương bình thường của nhân viên, thông thường nó tương đương với một tháng lương.
Có bắt buộc phải trả lương tháng 13?
Ở một số quốc gia, lương tháng 13 là phúc lợi bắt buộc. Ở một số quốc gia khác, luật pháp tuy không bắt buộc, nhưng đây là khoản mà người lao động mong đợi vào dịp Giáng sinh hoặc dịp Tết. Các quốc gia còn lại thì không có khái niệm lương tháng 13.
Trên thế giới, lương tháng 13 là bắt buộc ở 8 quốc gia (5 quốc gia châu Âu và 3 quốc gia châu Á) và là thông lệ ở hơn 30 quốc gia (11 quốc gia châu Âu, 16 quốc gia Mỹ Latin và 8 quốc gia châu Á) (*).
Ở Mỹ, không có khái niệm lương tháng 13, bởi lương của người lao động được tính theo năm và trả theo tuần, 2 tuần, nửa tháng hoặc một tháng trả một lần. Nếu lương trả theo tuần thì lấy lương cả năm chia cho 52, trả theo 2 tuần thì chia cho 26, trả theo nửa tháng thì chia cho 24, còn trả theo tháng thì chia cho 12. Kiểu thanh toán lương theo năm thế này, có nhiều quốc gia khác cũng trả tương tự.
Riêng trong doanh nghiệp của các quốc gia theo kinh tế thị trường, hiện cách trả lương thưởng cho người lao động phổ biến nhất là theo năng suất lao động và theo đóng góp của từng nhân viên và theo kết quả kinh doanh của cả doanh nghiệp, trong đó thường có 2 nhóm:
– Nhóm 1: Lương 12 tháng và thưởng. Tiền thưởng dựa vào điểm chấm theo các chỉ số của cá nhân (có doanh nghiệp thì theo A, B, C, D; có doanh nghiệp thì theo điểm số trên thang điểm 10, 100), số tiền thưởng của mỗi cá nhân được tính theo chỉ số của cá nhân họ, kết quả hoặc là số tháng lương (1, 2, 3 tháng lương) hoặc là số tiền cụ thể.
– Nhóm 2: Tổng thu nhập theo công thức khoán, khoán theo sản phẩm làm ra, theo doanh số, theo lợi nhuận hoặc theo các chỉ số khác mà doanh nghiệp đang có ưu tiên (kiểu như số khách hàng mới, số hợp đồng ký mới…). Theo công thức khoán này đôi khi có thể thu nhập của nhân viên kinh doanh còn lớn hơn cả thu nhập của giám đốc. Nhóm này chia thu nhập ra 2 phần lương và thưởng, trong đó lương là khoản tối thiểu đủ để người lao động duy trì cuộc sống hàng ngày.
Theo cách trả này thì nếu doanh nghiệp kinh doanh lỗ hoặc kết quả năm của cá nhân thấp hơn nhiều chỉ tiêu được giao thì tiền thưởng của nhân viên thường bằng không. Ngược lại nếu doanh nghiệp có lợi nhuận lớn thì tiền thưởng của những người có đóng góp lớn sẽ rất nhiều, có thể còn lớn hơn cả 12 tháng lương.
Thời gian chi trả tiền thưởng cũng theo kỳ: tháng, quý hoặc năm. Nếu trả theo năm thì thường theo truyền thống và phong tục, nên thường gắn liền với các ngày lễ tôn giáo hoặc văn hóa.
Ví dụ: Ở nhiều nước phương Tây, thì vào dịp trước Giáng sinh; ở các nước theo lịch mặt trăng thì vào dịp trước Tết Nguyên đán; còn ở Ả Rập Saudi, thì vào dịp lễ Eid al-Fitr. Có lẽ vì thế mà truyền thông Việt Nam hay gọi thành thưởng Tết.
(*) Trên thế giới, lương tháng 13 là bắt buộc ở 8 quốc gia (5 quốc gia châu Âu và 3 quốc gia châu Á) và là thông lệ ở hơn 30 quốc gia (11 quốc gia châu Âu: Austria, Belgium, Croatia, Czech, Finland, France, Germany, Luxembourg, Netherlands, Slovakia, Switzerland; 16 quốc gia Mỹ Latin: Argentina, Bolivia, Brazil, Colombia, Costa Rica, Ecuador, El Salvador, Guatemala, Honduras, Panama, Paraguay, Peru, Nicaragua, Uruguay, Venezuela; và 8 quốc gia châu Á: China, Taiwan, Hong Kong, Israel, Vietnam, Malaysia, Nepal, Saudi Arabia, UAE).
Nguồn tin: https://cafef.vn/ong-do-cao-bao-phan-tich-ve-luong-thang-13-co-phai-dac-san-cua-viet-nam-thong-le-ra-sao-doanh-nghiep-lo-thi-tra-the-nao-188231227163516183.chn