Quỹ thời gian giống như tất cả mọi người, nhưng Hoàng Thị Kim Dung đang vừa là một nhà đầu tư mạo hiểm năng động, đồng thời cũng là người viết blog bền bỉ mỗi ngày. Trong khi vai trò nhà đầu tư mạo hiểm được Dung xem như con đường sự nghiệp, vai trò người viết lại đến từ động lực sâu thẳm bên trong của chị.
Không cần một ai thúc ép, Dung vừa đạt cột mốc 100 ngày viết blog liên tục nhằm chia sẻ những giá trị được tích luỹ trong công việc đầu tư mạo hiểm của mình với những người quan tâm đến hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Năm 2019, Dung bắt đầu viết blog, cùng với thời điểm chị bước chân vào nghề đầu tư mạo hiểm. Nguồn cảm hứng của Dung đến từ những “tiền bối” trong ngành. Ở các quốc gia phát triển, nhà đầu tư mạo hiểm thành công thường có trang blog của riêng mình. Dung đã học hỏi được từ đó rất nhiều, chị cho biết.
Dung sinh ra ở Hà Nội. Năm 2012, chị giành học bổng toàn phần của Chính phủ Nhật Bản. Tên của chị trong tiếng Nhật là Zun. Khi đặt hai từ Zun cạnh nhau, nó có nghĩa là luôn ổn định, kiên trì tiến về phía trước. Đó cũng là tên chị đặt cho blog của mình: zunzunstartups.
Đã không ít người đặt câu hỏi với Dung vì sao chị lại viết. Câu hỏi đó xuất hiện nhiều tới mức, chị viết luôn một bài giải thích lý do. Nhiều câu hỏi khác về lĩnh vực khởi nghiệp được chị xử lý với công thức tương tự. Mỗi khi đối mặt với một câu hỏi lặp lại, hoặc câu hỏi thú vị, chị sẽ trả lời bằng một bài viết. Có lần một nhà sáng lập bình luận bài đăng của Dung trên Facebook, chị trả lời bằng bài viết blog ngay ngày hôm sau.
Nếu ai đã từng ngồi viết, dù ít hay nhiều, có thể bạn sẽ đồng ý rằng viết là một hành trình đau đớn. Trong thời buổi video ngắn lên ngôi, đâu đâu cũng bắt gặp Tiktoker, để tìm được người viết lại càng hiếm.
Dung đã nếm trải qua những vị đắng của việc viết lách: “sự nhàm chán của ngồi viết hàng giờ”, “sự mệt mỏi khi phải ngồi lâu”, “sự đánh đổi thời gian cho những hoạt động ý nghĩa khác bên ngoài”, “sự tự ti khi chưa có đủ kiến thức, trải nghiệm đưa ra góc nhìn riêng”… Đó là những cú đánh mạnh mẽ khiến Dung không thể duy trì hoạt động viết đều đặn trong những ngày đầu.
Để tiếp tục, Dung cần động lực đủ lớn. Khi trò chuyện với người đàn anh của mình tại Genesia Ventures – anh Takahiro Suzuki, chị nhận ra: “Theo thời gian, viết lách là việc học hỏi và duy trì học hỏi tốt nhất”. Các bài viết chính là đầu ra của quá trình Dung học hỏi và trải nghiệm trong ngành đầu tư mạo hiểm.
Mặt khác, viết hàng ngày tạo ra môi trường tuyệt vời cho việc rèn luyện các đức tính bền bỉ, kỷ luật, sức mạnh nội tại – những đức tính cần có của một nhà đầu tư mạo hiểm. Càng viết nhiều, Dung càng nhận ra những điểm tương đồng giữa việc viết và việc đầu tư vào các công ty giai đoạn sớm.
“Tôi bị ám ảnh với việc luôn phải tối ưu thời gian”, Dung chia sẻ với người viết tại văn phòng Genesia Ventures Việt Nam, nằm trong không gian làm việc chung trên tầng 18 Vincom Đồng Khởi. Thi thoảng, Dung mời những người bạn sáng lập của mình đến văn phòng trò chuyện, nơi có tầm nhìn rộng rãi để quan sát khu vực trung tâm TP HCM. Với chị, trải nghiệm vừa trò chuyện vừa ngắm cảnh hoàng hôn ở đây mang lại nhiều nguồn cảm hứng.
Dù rất bận rộn với công việc hàng ngày, Dung vẫn muốn tối ưu thời gian hơn nữa. Không chỉ thời gian của bản thân, chị càng không muốn thời gian của những người làm việc cùng mình bị lãng phí. Dung luôn tìm cách để hiểu được những khó khăn của nhà sáng lập và đồng cảm với họ. Chính vì thế, chị cố gắng tạo cho mình trạng thái bận rộn giống vậy. “Tôi tin những người làm startup luôn muốn tối ưu nguồn lực và thời gian”, nhà đầu tư mạo hiểm chia sẻ. Điều đó đúng với cả việc chị viết blog mỗi ngày.
Thời gian đầu, Dung dành khoảng 4 tiếng mỗi cuối tuần cho việc viết bài, chưa tính thời gian nghiên cứu và thu nạp thông tin. Đầu ra là bài viết khiến người đọc tốn tới 15 phút để tiêu thụ. Dần dần, chị nhận ra cách làm như vậy không hiệu quả. Dung chuyển sang thói quen viết ngắn mỗi ngày, theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Chị gói gọn thời gian viết trong khoảng 30 phút trước khi đi ngủ và 30 phút sau khi thức dậy.
Đương nhiên, việc đi vào quỹ đạo không thể xảy ra trong một sớm một chiều, cần có sự điều chỉnh dần dần. “Trong startup cũng vậy, không bao giờ có chuyện bạn tìm được sản phẩm phù hợp với thị trường luôn, cần phải liên tục điều chỉnh trong quá trình vận hành”, Dung nói.
Giám đốc quốc gia quỹ Genesia Ventures Việt Nam tự so sánh hành trình tối ưu viết của mình với hành trình của một startup từ giai đoạn sớm. Bằng cách tối ưu công việc viết, Dung nói rằng mình có thể đồng cảm được với khó khăn của nhà sáng lập, hiểu được trạng thái luôn muốn tối ưu sản phẩm mỗi ngày của họ.
Có những ngày, Dung dành 9 tiếng đồng hồ chỉ để họp với các công ty trong danh mục đầu tư của Genesia Ventures. Chị tìm cách sắp xếp để có lịch làm việc tối ưu nhất cho các nhà sáng lập. Và chính bởi công việc đồng hành với startup mỗi ngày, ý tưởng viết của chị tuôn ra như suối.
“Sau 5 phút thảo luận với các founder là tôi đã có đề tài mới”, Dung nói. Chị chia sẻ thêm rằng bản thân cảm thấy rất vui khi trở thành đối tác thảo luận uy tín với các nhà sáng lập. Nhờ đó, Dung cảm nhận một cách rõ ràng những vấn đề của startup phải đối mặt hàng ngày, xuyên suốt hành trình của một công ty đang lớn dần lên.
Rồi Dung cũng nhận ra rằng, những vấn đề mà chị cùng các nhà sáng lập tìm cách giải quyết tại một startup không chỉ bó hẹp trong quy mô công ty đó. Có nhiều startup khác cũng gặp phải tình trạng tương tự. Điều đó càng cho chị thêm động lực để viết và chia sẻ về những câu chuyện trong thế giới startup.
Tất cả các bài blog được Dung viết đều tuân theo cơ chế: chia sẻ được, nhắc lại được, và mở rộng được. Có nhiều vấn đề mà startup nào cũng phải trải qua trong quá trình phát triển. “Họ có thể tìm đến blog của tôi như một nơi để tham khảo, đôi khi có những thứ để áp dụng”, chị chia sẻ.
Sau cùng, việc viết lách cũng giúp Dung tiết kiệm được nhiều thời gian. Khi ai đó hỏi về một vấn đề đã được Dung viết, chị đơn giản là gửi cho họ những đường dẫn về bài viết của mình. Càng làm điều đó nhiều lần, Dung càng cảm thấy có động lực bởi những gì chị viết đang tạo nhiều giá trị.
Khi bạn có quá nhiều ý tưởng viết mỗi ngày, điều quan trọng bạn cần có kỷ luật để biến ý tưởng trở thành bài viết đều đặn. Dung tự nhận mình vốn không phải là người kỷ luật. Chị bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của đức tính này trong quá trình sống và làm việc ở Nhật.
Việc viết mỗi ngày đòi hỏi tính kỷ luật cao, nhưng cũng là cơ hội để Dung rèn luyện đức tính này. “Quá trình rèn luyện tính kỷ luật sẽ khiến mình không thoải mái trong những ngày đầu, nhưng một khi mọi thứ đi vào khuôn khổ, bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái”, giám đốc Genesia Ventures cho biết.
Bên cạnh kỷ luật, để viết được, Dung nói rằng cần phải luôn đau đáu suy nghĩ về thế giới startup. Chỉ khi luôn nghĩ về nó, chị mới có động lực không ngừng nghiên cứu, cho ra những bài viết về vấn đề của startup.
Cách Dung tư duy về việc viết có nhiều điểm tương đồng với các chị tư duy về đầu tư lĩnh vực khởi nghiệp. Những giá trị Dung có được nhờ việc viết đều đặn và không ngừng hoàn thiện lại tương thích đặc biệt với nghề VC. “Đức tính nào cần thiết trong nghề VC này, tôi sẵn sàng rèn luyện nó”, chị nói. Với Dung, đầu tư mạo hiểm cần nhẫn nại, không có sự dễ dãi, cũng chẳng có đường tắt. Với tư cách là nhà đầu tư, cần đi đủ dài mới có thể gặt hái được quả ngọt. Viết lách cũng tương tự như vậy.
Dung giống như một người bạn của các nhà sáng lập. Cảm giác đó có lẽ đến từ việc chị luôn bền bỉ đồng hành cùng startup trong bất kể giai đoạn nào. Ngay cả khi các công ty lớn hơn, gọi vốn nhiều hơn, tỷ lệ sở hữu của Genesia Ventures bị pha loãng, niềm tin và mức độ thân thiết của các nhà sáng lập với Dung không hề suy giảm, chị cho biết. Dung thảo luận với các nhà sáng lập gần như mỗi ngày. Chị vui khi hiểu được những thách thức và tìm cách để cùng vượt qua với các nhà sáng lập.
Trong các bài viết của Dung, chị luôn gửi gắm thêm thông điệp “keep fighting” đến những người làm việc trong lĩnh vực khởi nghiệp. Với chị, một trong những giá trị quan trọng với nhà sáng lập là được cổ vũ về mặt tinh thần. Dung muốn là người đồng hành cùng những người làm startup không chỉ lúc họ thành công, mà cả khi họ gặp nhiều trắc trở. Đó là điều chị tin chắc mình có thể làm được một cách bền bỉ mà không bao giờ cam kết thái quá.
Tiếp theo, Dung và Genesia Ventures luôn cùng thảo luận với các startup để tìm ra định hướng phát triển bền vững nhất có thể. Kinh nghiệm cùng startup đi từ giai đoạn non trẻ cho đến khi trưởng thành giúp Dung đóng góp được những giá trị tích cực cho các nhà sáng lập. Đôi lúc, chị hỗ trợ các startup mà quỹ của mình đầu tư về mặt kết nối, kinh doanh. Gần đây, Dung được các nhà sáng lập tin tưởng cho cơ hội tham gia xây dựng đội ngũ nhân sự cốt cán.
Theo thời gian, mối liên kết giữa Dung và các nhà sáng lập ngày càng khăng khít. Với chị, nếu chỉ làm việc giống như một nhà đầu tư mạo hiểm bình thường mà không nỗ lực hơn 100%, sẽ chẳng bao giờ là đủ. Trong quá trình làm nghề VC của mình, Dung đã chứng kiến quá nhiều startup thất bại. Chị tin vào luật hấp dẫn trong nghề đầu tư, “khi bản thân tâm huyết, mình sẽ gặp được các nhà sáng lập tâm huyết”.
Khi đầu tư, Dung dành nhiều công sức trong việc chọn nhà sáng lập chuẩn. Đối với đầu tư giai đoạn sớm, yếu tố con người thường được đánh giá chiếm tỷ trọng cao trong việc một khoản đầu tư có thành công hay không. Đầu tư là việc đặt niềm tin. Nhưng sau khi đầu tư, việc làm sao để duy trì niềm tin cũng quan trọng không kém. Với Dung và Genesia Ventures, tinh thần của họ là luôn đồng hành cùng các nhà sáng lập, để nếu họ đi lệch hướng, Dung cùng đội của mình có thể vào hỗ trợ kịp thời.
Lĩnh vực khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối sớm. Nhưng giống như nhiều người khác làm việc trong ngành, Dung tin hệ sinh thái startup sẽ còn trưởng thành hơn nữa. “Việt Nam cần thêm nhiều startup thành công để biến khởi nghiệp trở thành trụ cột của nền kinh tế”, giám đốc quốc gia quỹ Genesia Ventures Việt Nam nói. Đó là niềm tin giúp Dung nuôi dưỡng việc viết và chia sẻ về khởi nghiệp. “Khi nào niềm tin đó vẫn còn mạnh mẽ như hiện nay, tôi vẫn sẽ còn muốn đóng góp thêm. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ dừng việc viết”, Dung chia sẻ.