Sức mua hàng điện máy, công nghệ đã sụt giảm từ cuối năm ngoái và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.
Đồng loạt lỗ
Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III/2023 đạt gần 39 tỉ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2023, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt 78 tỉ đồng, giảm đến gần 97% so với cùng kỳ và mới thực hiện chưa đến 2% mục tiêu cả năm. Riêng quý III/2023, tổng doanh thu từ bán máy tính, điện thoại, hàng điện lạnh của Thế Giới Di Động đạt 20.800 tỉ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ và giảm 4% so với quý II.
Hệ thống bán lẻ điện máy Thế Giới Di Động tiếp tục theo đuổi chiến lược giá rẻ để kích thích sức mua, bù đắp việc giảm biên độ lợi nhuận
Báo cáo của Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT cho thấy doanh thu quý III/2023 của chuỗi FPT Shop đạt 4.104 tỉ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ sức nóng ngay từ ngày đầu mở bán iPhone 15 và bổ sung sản phẩm điện gia dụng vào các cửa hàng. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của chuỗi FPT Shop chỉ đạt 12.222 tỉ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ do thị trường nhìn chung chưa phục hồi.
Tương tự, Công ty CP Thế Giới Số ghi nhận doanh thu thuần quý III/2023 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng doanh thu mảng điện thoại giảm đến 26%, doanh thu mảng thiết bị điện gia dụng giảm 20%. Lũy kế 9 tháng, doanh thu giảm 22% và lợi nhuận giảm 48% so với cùng kỳ.
Với CellphoneS, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống, cho biết nhiều tháng qua, tình hình kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, không có lợi nhuận. Nhiều chuỗi bán lẻ quy mô lớn khác tại TP HCM cũng thừa nhận từ đầu năm đến nay, do sức mua quá yếu nên phải giảm giá hầu hết sản phẩm, kéo theo giảm biên lợi nhuận. Thậm chí, nhiều mặt hàng điện máy như tivi, máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt… phải bán thấp hơn giá nhập.
Cuộc chiến giá rẻ
Trước khi bước vào cuộc chiến về giá, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động, từng cảnh báo các đối thủ “sẽ nghe thấy tiếng rên xiết trong thời gian tới và kéo dài”.
Tuy xác nhận cuộc chiến giá rẻ khiến lợi nhuận mất đi nhưng ông Tài cho rằng doanh nghiệp có thể kéo khách hàng quay trở lại, từ đó tăng thị phần. Do đó, doanh nghiệp này khẳng định tiếp tục theo đuổi chiến lược giá rẻ.
Theo ông Nguyễn Lạc Huy, CellphoneS khó có thể đứng ngoài cuộc chiến giá rẻ. Trong quý II/2023, quý đầu tiên của cuộc chiến này, CellphoneS đã chịu không ít tổn thất khi doanh số giảm tới 20% so với quý trước và không có lợi nhuận.
Để ứng phó, CellphoneS tập trung duy trì hiệu quả của hệ thống hơn 100 cửa hàng, bảo đảm quy mô có thể xoay chuyển nhanh. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ trong quản trị cũng giúp CellphoneS thích ứng nhanh, giảm chi phí mà vẫn có thể tăng cường trải nghiệm mua sắm cho khách hàng.
Bên cạnh đó, CellphoneS cũng nhanh chóng bổ sung một số nhóm sản phẩm mới như điện gia dụng, chăm sóc sức khỏe – sắc đẹp… để tăng doanh số của các cửa hàng.
Ông Lạc Huy nhìn nhận sẽ có giới hạn nhất định về thời gian và quy mô của cuộc chiến giá rẻ. Thực tế cho thấy sau 6 tháng lao vào cuộc chiến này, đã có dấu hiệu rõ ràng về tổn thất lớn của các “đại gia” bán lẻ khi chi phí vận hành lớn mà hiệu suất lại giảm. Bước sang quý IV/2023, một số nhà bán lẻ đã bắt đầu đóng cửa khá nhiều cửa hàng, dự báo xu hướng này tiếp diễn tới đầu năm 2024. “Cuộc chiến về giá chưa dừng ngay nhưng một số nhóm mặt hàng sẽ tăng giá trở lại để giữ lợi nhuận” – ông Huy nhận định.
Trong khi đó, hệ thống Di Động Việt tỏ ra không ngán cuộc chiến về giá. Bà Phùng Phương, đại diện Di Động Việt, khẳng định hệ thống vẫn “đang hít thở đều, vận động nhanh” và rút ngắn khoảng cách với những ông lớn trong ngành. Một trong những lý do giúp hệ thống này sống khỏe trong lúc các ông lớn lao đao là bởi thế mạnh về giá cùng nhiều chính sách bán hàng, hậu mãi vượt trội.
Theo tính toán của các trung tâm, siêu thị điện máy tại TP HCM, số lượng hàng tồn kho hiện khá lớn – ước tính mỗi dòng hàng tồn khoảng 400.000 – 800.000 sản phẩm. Các trung tâm, siêu thị dự báo cuộc chiến giá rẻ để giải phóng hàng tồn sẽ còn kéo dài đến năm 2025.