Ngày 11/11, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (13/11/1993 – 13/11/2023) và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Tại buổi lễ long trọng này, một điểm nhấn đáng xúc động là những lời tri ân của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển dành cho những đóng góp, cống hiến của các bậc tiền bối từng làm việc tại Ngân hàng.
Trong đó, chủ tịch Đỗ Quang Hiển đặc biệt “ôn lại quá khứ” về một người bạn, người thầy của ông và sau này trở thành Giám đốc khối Nhân sự của SHB.
“Anh Huy là một người bạn cùng học đại học, khoa vật lý đại học tổng hợp Hà Nội. Anh Huy học trên tôi một khóa, hai anh em chơi thân với nhau. Sau khi ra trường, tôi về Viện công nghệ quốc gia, anh Huy về bên công ty XNK điện tử Viettronimex. Anh Huy vừa là người bạn, vừa là người thầy dạy tôi về kinh doanh xuất nhập khẩu.
Anh Đặng Xuân Cự là người thầy của tôi về khoa học công nghệ, còn anh Huy chính là người thầy của tôi về kinh doanh xuất nhập khẩu. Mãi mãi không bao giờ quên”, Chủ tịch SHB nhấn mạnh.
Ông Đỗ Quang Hiển còn kể lại kỷ niệm, trong nhiều năm, cứ mỗi cuối giờ chiều, ông và ông Huy ra hàng bia hơi vỉa hè, kể cả những ngày mưa gió rét căm căm.
“Vừa là tình bạn, rất thiêng liêng, tôi vừa học được rất nhiều về xuất nhập khẩu khi ngồi với anh Huy”, ông Hiển giải thích.
Đến năm 1993, thành lập công ty TNHH T&T nhập khẩu rất nhiều hàng điện tử điện lạnh, gần như số 1 Việt Nam về điện tử điện lạnh lúc đó, sau đó đến sản xuất xe máy, do đó lĩnh vực xuất nhập khẩu rất quan trọng.
Sau khi nghỉ ở công ty nhà nước, ông Huy về đảm nhiệm vị trí Giám đốc khối nhân sự của Ngân hàng SHB.
Ngoài ông Huy, Chủ tịch SHB dành những lời giới thiệu về ông Hùng và tiến sĩ Đặng Xuân Cự.
“Trước đây khi tôi tham gia vào NH Nông thôn nhân ái, sau đó mời anh Hùng về tham gia cùng tôi từ những ngày đầu tiên của ngân hàng SHB. Trước khi về SHB, anh Hùng là Phó giám đốc ở ngân hàng Hàng hải. Anh Hùng cùng tôi và một vài bạn nữa là những người đầu tiên ngồi thảo viết điều lệ, quy chế nhân sự, tài chính, quy định, quy trình của ngân hàng”, ông Đỗ Quang Hiển kể lại.
Về phần Phó Giáo sư, tiến sĩ Đặng Xuân Cự, đây là một người Sếp cũ của ông Hiển thời ông còn làm ở Viện công nghệ.
“Khi anh Đặng Xuân Cự nghỉ hưu, tôi có mời anh Cự đến SHB cố vấn về công nghệ. Là một nhà khoa học tâm huyết, đức độ, anh vẫn cống hiến và đã cố vấn về công nghệ thông tin cho ngân hàng SHB một thời gian dài”, ông Hiển nói.
“Văn hóa của SHB, chúng ta mãi mãi, không những 30 năm mà còn tiếp 30 năm và hàng trăm năm nữa, văn hóa, lịch sử, chữ Tâm của con người SHB không bao giờ được quên những người đi trước, những người đã có công đóng góp cho chúng ta có ngày hôm nay” Chủ tịch Hiển xúc động chia sẻ.
SHB (tiền thân là Ngân hàng nông thôn Nhơn Ái) được thành lập vào ngày 13/11/1993 tại Cần Thơ với tổng vốn điều lệ ban đầu là 400 triệu đồng, tổng tài sản 1 tỷ đồng.
Với chiến lược phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, SHB đã tăng trưởng vượt bậc trong hoạt động kinh doanh. SHB đã xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh với vốn điều lệ đạt 36.194 tỷ đồng – tăng gấp hơn 90.000 lần so với khi thành lập; tổng tài sản đạt gần 596.000 tỷ đồng; gần 11.000 cán bộ nhân viên đang làm việc tại 569 điểm giao dịch trong và ngoài nước; phục vụ hơn 5 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và kết nối tới hơn 500 ngân hàng đại lý trên khắp các châu lục.
SHB cũng vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (2 lần), Huân chương Lao động hạng Ba cùng rất nhiều phần thưởng cao quý khác danh cho các tập thể và cá nhân tại SHB; các tổ chức uy tín trong nước, quốc tế đánh giá cao, vinh danh SHB ở nhiều giải thưởng. Cá nhân Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Ngoài Ngân hàng SHB, tên tuổi của doanh nhân Đỗ Quang Hiển gắn với tập đoàn T&T. Khởi đầu là một trong những doanh nghiệp tư nhân sớm nhất của Việt Nam, T&T ngày nay là một doanh nghiệp đa ngành với tổng tài sản 45.000 tỷ đồng, 200 công ty thành viên trực thuộc và liên doanh liên kết, 80.000 cán bộ nhân viên, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài là 80 triệu USD.