Sau khi trải qua năm 2022 cực kỳ khó khăn, thị trường chứng khoán đã khởi sắc trở lại trong năm 2023. Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối năm 2023 tại 1.130 điểm, tăng 12,2% so với cuối năm 2022.
Tuy nhiên, theo thống kê, tổng tài sản của 10 người giàu nhất sàn chứng khoán năm nay lại tiếp tục giảm so với năm ngoái, từ khoảng 290 nghìn tỷ đồng xuống còn 259 nghìn tỷ đồng. So với năm ngoái, top 10 năm nay có 2 sự thay đổi khi bà Phạm Thu Hương và ông Hồ Xuân Năng nhường vị trí cho ông Trương Gia Bình và ông Nguyễn Văn Đạt.
Dưới đây là 10 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2023
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng duy trì vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, ông Vượng có năm thứ 2 liên tiếp là người mất nhiều tiền nhất. Trong năm qua, tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã giảm khoảng 21.900 tỷ đồng, xuống còn 92.800 tỷ đồng trong bối cảnh giá cổ phiếu VIC đi xuống.
Bên cạnh đó, lượng cổ phiếu VIC mà ông Vượng nắm giữ cũng giảm gần 51 triệu đơn vị sau khi ông Vượng dùng số cổ phiếu này để góp vốn thành lập hãng taxi điện GSM. Sự thành lập GSM đã giải quyết nhiều bài toán cho VinFast, như quảng bá xe điện tới người dân, tạo doanh thu, đồng thời góp phần thay đổi diện mạo thị trường taxi.
Sự kiện đáng chú ý nhất năm qua là VinFast của ông Vượng đã chính thức niêm yết thành công trên sàn Nasdaq Mỹ với định giá thời điểm hiện tại khoảng 20 tỷ USD.
Giá cổ phiếu HPG của Hòa Phát năm qua đã tăng gấp rưỡi, qua đó đưa tỷ phú Trần Đình Long trở lại vị trí số 2 trên bảng xếp hạng người giàu với khối tài sản gần 42.000 tỷ đồng.
Trong năm qua, dù thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự khởi sắc, nhưng tiêu thụ thép của Hòa Phát cho thấy những dấu hiệu tăng dần về cuối năm. Sau 11 tháng, công ty đã bán được 6 triệu tấn thép thô và sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 5,96 triệu tấn.
Hiện tại, Hòa Phát của ông Long đang tập trung triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 tại Quảng Ngãi với công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm. Dự kiến khi dự án hoàn thành vào đầu năm 2025, năng lực sản xuất thép thô hàng năm của Hòa Phát sẽ đạt trên 14 triệu tấn, tương đương top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.
Tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo gần như không biến động trong năm 2023, vẫn ở mức gần 28.000 tỷ đồng.
Trong năm qua, ngành hàng không đã hồi phục mạnh trở lại, đặc biệt là thị trường quốc tế. Thống kê cho thấy Việt Nam đón 23,7 triệu lượt khách quốc tế sau 9 tháng, tăng trưởng gần 267%. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 11,5 triệu lượt khách, trong đó riêng Vietjet đóng góp hơn 51% với 5,9 triệu lượt khách.
Trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam, Vietjet đã ký kết thỏa thuận với Boeing về kế hoạch giao 200 tàu bay 737 MAX trị giá 25 tỷ USD trong 5 năm tới và thỏa thuận tài trợ tàu bay với tổng giá trị 550 triệu USD với Tập đoàn Carlyle.
Từ vị trí số 2 năm ngoái, tài sản ông Đỗ Anh Tuấn năm nay giảm khoảng 6.500 tỷ đồng, tụt xuống vị trí thứ 4. Tài sản ông Tuấn giảm chủ yếu do giá cổ phiếu KSF năm qua giảm 42% và giá cổ phiếu SSH giảm gần 10%.
Tài sản 2 tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang giảm tương ứng 7.600 tỷ đồng và 7.900 tỷ đồng trong năm 2023. Dù cổ phiếu TCB của Techcombank năm qua tăng giá, nhưng cổ phiếu MSN của Masan lại mất tới 28% giá trị. Việc tài sản giảm đã khiến ông Nguyễn Đăng Quang không còn nằm trong danh sách các tỷ phú đô la của Forbes, trong khi ông Hồ Hùng Anh vẫn được ghi nhận sở hữu khoảng 1,3 tỷ USD.
Theo báo cáo của Masan, công ty WinCommerce đã đạt biên EBIT hòa vốn trong Q3/2023 và trên đà gặt hái lợi nhuận trong thời gian tới, lần đầu tiên sau giai đoạn Covid-19. Masan vẫn tiếp tục mở rộng các siêu thị mini (WinMart+) và siêu thị (WinMart), đồng thời đang trong quá trình cải tạo các cửa hàng để cải thiện doanh thu.
Tài sản ông Bùi Thành Nhơn tăng trở lại khoảng 2.000 tỷ đồng trong năm 2023 và giữ nguyên vị trí người giàu thứ 7.
Năm 2023, Novaland nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các bộ, ban, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Công ty cũng có nhiều nỗ lực trong việc tái cấu trúc tài chính như mua lại trái phiếu trước hạn, gia hạn nợ trái phiếu, tìm nhà đầu tư chiến lược để phát hành cổ phiếu…
Về kết quả kinh doanh, chỉ trong nửa đầu năm 2023 Novaland ghi nhận lỗ gần 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên trong quý 3 công ty đã có lãi trở lại.
Tương tự với mức tăng của chồng là tỷ phú Trần Đình Long, tài sản của bà Vũ Thị Hiền năm 2023 tăng thêm 3.500 tỷ đồng, qua đó tăng 1 bậc trên bảng xếp hạng. Trong năm, ông Long và bà Hiền đã chuyển nhượng khoảng 43 triệu cổ phiếu ‘lẻ’ cho con trai là Trần Vũ Minh, để giữ lại số cổ phiếu ‘tròn’. Theo đó, ông Long hiện sở hữu 1,5 tỷ cổ phiếu HPG còn bà Hiền sở hữu 400 triệu cổ phiếu.
Ông Trương Gia Bình từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam ngay khi tập đoàn FPT lên sàn chứng khoán, và góp mặt trong top 10 cho đến năm 2008. Những năm sau đó, FPT phần nào sa sút và tài sản của ông Bình cũng tăng chậm hơn so với các tỷ phú khác.
Trải qua 14 năm, Chủ tịch Tập đoàn FPT đã trở lại top 10 với khối tài sản hơn 8.500 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023.
Giá cổ phiếu FPT khởi sắc nhờ kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng 2 chữ số cả về doanh thu và lợi nhuận những năm gần đây sau khi quay về ‘lõi’ công nghệ. Mới đây nhất, FPT công bố đã đạt dấu mốc 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài trong năm 2023. Lợi nhuận sau thuế của cả tập đoàn đạt gần 7.300 tỷ đồng sau 11 tháng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ.
Xét về tỷ lệ biến động tài sản, ông Nguyễn Văn Đạt Chủ tịch Phát Đạt là người có tài sản tăng mạnh nhất top 10, với mức tăng hơn 100%. Sau chuỗi ngày bị bán tháo cuối năm 2022, cổ phiếu PDR đã hồi phục mạnh trong năm 2023.
Từng ngập trong nợ nần, cổ phiếu liên tục bị bán giải chấp nhưng chỉ sau 1 năm, Phát Đạt vừa công bố đã xóa sạch nợ trái phiếu. Đây là điều ấn tượng bởi hầu hết các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường không mấy ai làm được việc này.
Nguồn tin: https://cafef.vn/10-nguoi-giau-nhat-san-chung-khoan-2023-chu-tich-fpt-tro-lai-sau-14-nam-co-1-nguoi-tai-san-tang-gap-doi-188231229170921765.chn