Ngày 28/3, CTCP Công nghệ số SSI (SSI Digital) đã tổ chức diễn đàn Tài sản số tại Hà Nội. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI Digital và cũng là Chủ tịch của CTCP Chứng khoán SSI (mã chứng khoán: SSI) đã có lần đầu chia sẻ về sự quan tâm của mình đến tài sản số.
Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Duy Hưng, bản thân ông là một “dân tài chính thuần tuy” nên ông nghĩ tài sản số là một thứ mới, dành cho thế hệ trẻ và chưa dành sự quan tâm đến lĩnh vực này. Tuy nhiên trong một chuyến thăm lên Khu công nghệ cao Hòa Lạc, một vị lãnh đạo tại đây đã nói với ông rằng thời điểm hiện tại Việt Nam rất cần một định chế tài chính hỗ trợ những doanh nghiệp, những người trẻ có mong muốn phát triển trong lĩnh vực công nghệ, các start-up blockchain.
“Nhận được lời mời như vậy nhưng tôi vẫn không hiểu sao mình lại nhận lời ngay lập tức. Sau đó nhận lời rồi thì mình phải làm”, ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ. Chủ tịch của SSI Digital cho biết Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cung cấp cho ông và các cộng sự một mảnh đất đẹp và kèm cặp đội ngũ của ông xây dựng một trung tâm công nghệ.
“Loay hoay cả năm thì chúng tôi đã hoàn thành được trung tâm công nghệ đầu tiên. Đối với chúng tôi việc xây dựng nên một trung tâm như vậy thì rất dễ nhưng làm thế nào để nó tồn tại và phát triển bền vững thì lại là một điều vô cùng khó”, ông Nguyễn Duy Hưng bộc bạch.
Vị Chủ tịch của SSi Digital cho biết cho đến một ngày ông đã tìm được những người cộng sự của mình. Đó là ông Mai Huy Tuần – CEO của SSI Digital hiện tại và ông Nguyễn Trung Trang – CPO của SSI Digital. Đây là những người đang có một cộng đồng quan tâm đã bỏ rất nhiều tiền vào đầu tư tài sản số.
Đó là nguồn cơn cho việc SSI Digital ra đời. Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Hưng khẳng định SSI Digital sẽ hoạt động độc lập với Chứng khoán SSI – một định chế tài chính thuần túy đã gắn bó 24 năm với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Việt Nam đang là nước đứng thứ 3 thế giới về giao dịch tài sản số. Tuy nhiên, vấn đề lớn hiện nay là Việt Nam chưa có những cơ sở pháp lý công nhận tài sản số. Ông cho rằng chúng ta cần có những đề xuất lên Chính phủ hợp pháp hóa tài sản số như một giao dịch dân sự. Từ đó, Việt Nam có thể chính thức tạo ra những sàn giao dịch tài sản số để việc mua bán, chuyển nhượng diễn ra minh bạch.
“Hôm nay chúng ta có mặt tại đây để nói về nhau về những cơ hội về đầu tư tài sản số và những rủi ro mà tài sản số mang lại. Đó là những rủi ro về pháp lý, rủi ro về cơ chế gọi vốn và rủi ro của việc lừa đảo. Thị trường càng nhiều cơ hội thì càng nhiều lừa đảo. Khi thị trường đã không biết đâu là vàng, đâu là thau thì những người ít kiến thức sẽ càng khó quyết định sử dụng tiền và tài sản của mình. Dù là tiền của ai thì nếu bị mất thì đâu đó cũng sẽ bị thất thoát ra khỏi Việt Nam”, ông Nguyễn Duy Hưng khẳng định.
Ông Nguyễn Duy Hưng cũng chia sẻ tại hội nghị lần này ông cũng không khẳng định mình có thể làm được gì nhiều. Ông và những người quan tâm đến tài sản số còn rất nhiều mối bận tâm như công nghệ, luật pháp… Ông cũng mong muốn Việt Nam sớm có cơ sở pháp lý về tài sản số để mọi người có thể tham gia trao đổi, mua bán một cách hợp pháp. Ngoài ra, việc có khung pháp lý rõ ràng cũng có thể giúp Việt Nam trở thành nơi các start – up có thể tìm đến nương tựa và huy động vốn. Từ đó có thể khuyến khích những nhà đầu tư ở thế hệ trước như ông có thể hỗ trợ cho các start – up nhiều hơn nữa
Theo tìm hiểu, SSI Digital được thành lập vào năm 2022, tập trung vào việc nghiên cứu phát triển công nghệ cao, ứng dụng trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, chuyển đổi số doanh nghiệp. Doanh nghiệp này mong muốn đẩy mạnh xây dựng nề kinh tế số, nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ. Hiện ông Nguyễn Duy Hưng đang làm Chủ tịch HĐQT của công ty này.
Nguồn tin: https://cafef.vn/chu-tich-cong-ty-chung-khoan-lon-nhat-viet-nam-lan-san-sang-linh-vuc-tai-san-so-voi-du-an-ssi-digital-mong-som-co-khung-phap-ly-de-thi-truong-phat-trien-188240328172937826.chn