Ngày 8/10, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố báo cáo Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý III/2024, cung cấp góc nhìn toàn cảnh về bối cảnh kinh tế của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.
Theo báo cáo, chỉ số BCI đã tăng từ 45,1 điểm trong quý III/2023 lên 52 điểm trong quý III/2024, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh một năm đầy biến động. So với quý trước, chỉ số này cũng tăng nhẹ từ 51,3 điểm trong quý II/2024. Tuy nhiên, mức niềm tin hiện tại vẫn thấp hơn so với 52,8 điểm ghi nhận vào quý I, cho thấy các thách thức của môi trường kinh tế vĩ mô vẫn còn hiện hữu.
Dù siêu bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho hạ tầng và nông nghiệp tại miền Bắc Việt Nam với tổn thất ước tính 1,63 tỷ USD, gần một nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát (47,4%) vẫn lạc quan về sự cải thiện của tình hình kinh tế trong quý tới. Ngoài ra, triển vọng dài hạn vẫn ở mức tích cực, với 69,3% doanh nghiệp kỳ vọng môi trường kinh doanh sẽ thuận lợi trong vòng 5 năm tới.
Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham, nhận định: “Mặc dù những khó khăn do bão Yagi gây ra, khả năng thích ứng và kiên cường của nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp châu Âu vẫn được thể hiện rõ qua kết quả khảo sát. Kết quả này không chỉ phản ánh qua những con số, mà còn thể hiện một bức tranh rõ ràng về sự phát triển của Việt Nam như một trung tâm kinh doanh chiến lược”.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng, 67% doanh nghiệp châu Âu vẫn đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, bất chấp một số thách thức nhất định. Đối với quý cuối năm, 30% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán triển vọng kinh doanh sẽ tích cực, nhờ vào sự ổn định chính trị, cam kết của chính phủ đối với tăng trưởng kinh doanh, gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và mùa mua sắm cuối năm.
>> Đón loạt ‘đại bàng’ công nghệ cao, thu hút FDI Việt Nam năm 2024 có thể chạm mốc 40 tỷ USD
Tương tự các quý trước, gánh nặng hành chính, quy định chưa rõ ràng và khó khăn trong việc xin giấy phép tiếp tục là ba trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Theo khảo sát, 66% doanh nghiệp hiện sử dụng từ 1-9% nhân viên là người nước ngoài, trong khi 6% doanh nghiệp có trên 20% nhân sự là người nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động Việt Nam, bao gồm thiếu hụt kỹ năng, tỷ lệ nghỉ việc cao và hạn chế trong đào tạo.
Về chuyên gia nước ngoài, quy trình xin visa và giấy phép lao động phức tạp, quy định lao động nghiêm ngặt và chi phí cao là những thách thức chính. Đặc biệt, 1/3 số doanh nghiệp cho biết họ đã gặp khó khăn với hệ thống visa, làm giảm khả năng thu hút chuyên gia quốc tế vào Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đối mặt với những khó khăn liên quan đến quy trình thuế và tuân thủ quy định phòng cháy chữa cháy.
Dù chuyển đổi xanh và số hóa được coi là ưu tiên, vẫn còn nhiều khoảng trống trong việc triển khai các chính sách liên quan. Theo khảo sát, 46,1% doanh nghiệp cho biết đã tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML) vào hoạt động, nhưng hầu hết các dự án vẫn đang ở giai đoạn đầu, cho thấy tiềm năng lớn trong lĩnh vực này.
Giá vé máy bay tăng cũng đã buộc hơn 40% doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch công tác, giảm số lượng chuyến đi hoặc chuyển sang các phương tiện thay thế.
Bất chấp các trở ngại, gần 80% doanh nghiệp cho biết họ đã có từ 1 đến 3 văn phòng hoặc cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Trong số 55% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng, hơn một nửa dự kiến sẽ mở rộng hoạt động, đặc biệt là tại các khu vực như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ.
>> Hà Lan và Lào chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra thế giới
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/chi-so-niem-tin-khoi-sac-doanh-nghiep-chau-au-muon-mo-rong-kinh-doanh-tai-viet-nam-165549.html