Xuất thân là một trẻ mồ côi, một người nông dân quê Hà Tĩnh, anh Chu Văn Nam đã vươn lên trở thành chủ doanh nghiệp tinh dầu Nada Oils với doanh thu hàng chục tỷ đồng một năm khiến các Shark đều trân trọng.
Khác với rất nhiều câu chuyện khởi nghiệp, anh Chu Văn Nam Founder kiêm CEO của Nada Oils “bén duyên” và gây dựng nên doanh nghiệp tinh dầu NADA nhờ đi làm thuê và được chị chủ để lại cho 2 cửa hàng tinh dầu, thế là anh được làm chủ. Không dừng lại, anh bán đi 2 cửa hàng này để tạo ra 1 chuỗi thương hiệu của chính mình “Nada Oils ra đời tháng 12/2017, từ một cửa hàng (quầy, địa điểm bán hàng), theo thời gian đã có hệ thống 74 cửa hàng trải dài 45 tỉnh trên toàn quốc” – anh Nam chia sẻ.
Doanh thu từ 2019 đến 2022 của Nada Oils trung bình đạt 8 tỷ đồng mỗi tháng. Sau đại dịch Covid-19, số lượng quầy giảm còn 36, trong đó 20 quầy thuộc sở hữu của anh Nam và 16 quầy là đại lý hoặc nhượng quyền, tất cả đều có lãi. Nhận thấy mô hình bán trực tiếp không còn hiệu quả, anh Nam đã mở rộng sang mô hình B2B, tập trung vào khách hàng doanh nghiệp như khách sạn, nhà hàng, và spa.
Từ đầu năm đến tháng 8/2024, doanh thu trung bình đạt 3,7 tỷ đồng/tháng cho cả hai kênh, lợi nhuận sau thuế là 12% do chi phí đầu tư cho mô hình B2B. Năm 2023, tổng doanh thu gần 40 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu đạt 27 tỷ đồng, lợi nhuận năm 2024 tính đến tháng 8 là 3 tỷ, dự kiến cả năm đạt 6 tỷ đồng.
Về tỷ suất doanh thu giữa 2 kênh thì B2B đang chiếm 55%. “Em đang muốn dùng chính những quầy này làm kho, trưng bày sản phẩm, quảng cáo, truyền thông. Có cửa hàng thì không phải thuê thêm mặt bằng hay văn phòng, kho bãi. Cửa hàng cũng là nơi bảo hành, bảo trì cho khách hàng một cách nhanh nhất” – anh Nam chia sẻ về chiến lược thực hiện song song 2 kênh.
tiềm năng
>> Shark Minh Beta rót vốn vào Bệnh viện đồ da: Sự tử tế là triết lý kinh doanh, cốt lõi trong mọi hoạt động
Nada Oils mong muốn gọi vốn 8 tỷ đồng cho 20% cổ phần, nguồn vốn nhằm phát triển kênh online D2C, mua máy để tài trợ khách hàng sử dụng và phát triển vùng nguyên liệu.
Shark Nga hỏi về nguồn nguyên liệu và chứng nhận sản phẩm. Startup cho biết hiện tự chủ được 30% nguyên liệu từ hai xưởng ở Đắk Lắk và Đắk Nông, phần còn lại nhập khẩu. Sản phẩm có chứng nhận Quatest 3.
Shark Bình chia sẻ rằng gia đình ông đang dùng sản phẩm của Nada Oils và rất hài lòng. Ông hỏi về cách chăm sóc khách hàng B2B, và Founder cho biết công ty sử dụng phần mềm quản lý, kiểm tra định kỳ 15 ngày một lần. Với các spa, Nada Oils cung cấp máy khuếch tán tinh dầu cho mỗi phòng. Tại trụ sở, máy được đặt ở nhà vệ sinh và thang máy.
Shark Minh Beta hỏi lý do khách hàng chọn Nada Oils, và Founder giải thích rằng công ty tạo ra mùi hương riêng biệt và sản phẩm được chưng cất qua 9 công đoạn, thơm hơn tinh dầu thô. Máy khuếch tán của Nada Oils sử dụng công nghệ Venture Nano, giúp mùi thơm lan tỏa xa hơn. Giá máy là 2.290.000 đồng, cạnh tranh so với các máy khác có giá từ 3-4 triệu đồng.
Shark Bình đặt câu hỏi về đội ngũ chăm sóc khách hàng (CS), và Founder cho biết Nada Oils có 20 nhân viên CS để quản lý 4.000 khách hàng, được phát triển trong 6 tháng, trong đó 97% doanh nghiệp vẫn đặt hàng thường xuyên. Startup có hơn 1 triệu khách hàng lẻ đang sử dụng sản phẩm.
Shark Tillman Schulz sau đó hỏi về đối thủ cạnh tranh, và Founder tự tin cho biết Nada Oils đứng đầu mô hình B2C và thuộc top 2 hoặc 3 trong mảng B2B. Tuy nhiên, Shark Minh Beta cho rằng thị trường không nhỏ như vậy và nhận định các đối tác lớn như Savills hay CBRE thường chọn các nhà cung cấp hương liệu hơn là tinh dầu. Founder giải thích rằng đối thủ cạnh tranh sử dụng hương liệu chứ không phải tinh dầu như Nada Oils.
Shark Bình nhận xét rằng thị trường mùi hương vẫn còn rất nhiều tiềm năng, gọi đây là “đại dương xanh”, và khẳng định rằng ai chăm sóc khách hàng tốt sẽ tăng được thị phần. Shark Tillman Schulz sau đó hỏi lý do startup thuyết phục các Shark đầu tư, và Founder trả lời rằng tinh dầu là đam mê và Việt Nam là mỏ vàng xanh với tiềm năng xuất khẩu cao.
Dù khen ngợi Founder về hành trình khởi nghiệp, Shark Tillman Schulz từ chối đầu tư, cho rằng startup khó có cơ hội xuất khẩu sang các nước phương Tây. Shark Lê Mỹ Nga cũng từ chối đầu tư vì startup chưa chủ động nguồn nguyên liệu, giá thành còn cao, và lĩnh vực này không phù hợp với khẩu vị đầu tư của bà.
Shark Minh Beta bày tỏ sự kính trọng với hành trình khởi nghiệp của Founder nhưng cũng không đầu tư. Shark Nguyễn Phi Vân khen ngợi sự nỗ lực của Founder, gọi anh là hình mẫu cho thanh niên nông thôn Việt Nam.
Shark Bình trân trọng hành trình khởi nghiệp của Founder, xem đó là câu chuyện truyền cảm hứng về sự kiên trì và sáng tạo vượt qua khó khăn. Ông nhận định startup đang thiếu kênh bán hàng trực tiếp đến khách hàng (D2C) và gợi ý chiến lược marketing như livestream, hợp tác với KOLs và các chương trình quảng bá nhắm vào gia đình. Shark Bình đề nghị đầu tư 8 tỷ đồng cho 35% cổ phần, kèm hỗ trợ marketing online và phát triển kênh B2B.
Founder mong muốn giảm tỷ lệ cổ phần vì đã có nhà đầu tư định giá Nada Oils hơn 60 tỷ đồng. Shark Bình cho rằng định giá đó dành cho các nhà đầu tư thuần tài chính chỉ bỏ tiền. Còn ông muốn là một người đồng hành và còn nhiều ý tưởng hay nữa ông muốn làm cùng Founder.
Đã sử dụng mPOS của Shark Bình, Founder cho biết hiểu được các giá trị mà Shark mang lại. Mặc dù cho rằng mức định giá của Shark bị thấp, Founder vẫn đồng ý deal của Shark Bình 8 tỷ đồng cho 35% cổ phần vì Shark Bình có hệ sinh thái bán hàng online mạnh mẽ bên cạnh việc Shark có tư duy về hệ thống tuyệt vời và đã đầu tư nhiều startup thành công.
>> Startup chocolate hương vị đặc trưng Việt Nam được Shark Phi Vân hướng tới mô hình nhượng quyền quy mô toàn cầu
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/cau-be-chan-bo-tao-xay-dung-nen-chuoi-tinh-dau-voi-74-cua-hang-nhan-deal-8-ty-tu-shark-binh-du-cho-rang-dinh-gia-bi-thap-165013.html