Từ vụ việc Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai bị Công ty CP Lilama 45.3 hay Công ty CP Công nghiệp Tân Tạo (Tân Tạo) bị Công ty TNHH Quốc Linh mở thủ tục phá sản, thông tin công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán (HoSE) và cả hai công ty đều phản ứng, không đồng tình với lý do riêng. Luật sư cũng cho rằng cần có quy định rõ hơn về việc xác định chủ nợ trong việc mở thủ tục phá sản.
Đức Long Gia Lai cho rằng việc gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nhằm mục đích tạo áp lực, gây mất uy tín, làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm, đời sống người lao động… Công ty này đã cung cấp cho TAND tỉnh Gia Lai các báo cáo tài chính năm 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023 với tài sản trên 10.000 tỉ đồng, nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho đối tác, khách hàng…. Số nợ của Lilama 45.3 chỉ khoảng trên 10 tỉ đồng là rất nhỏ so với tổng tài sản của tập đoàn.
Trụ sợ Đức Long Gia Lai (Ảnh Hoàng Thanh)
Công ty này cho rằng đã rất thiện chí, tìm mọi biện pháp để thương thảo với Lilama 45.3 nhằm thanh toán nợ, trả nợ dần nhưng chưa được. Vì vậy, việc TAND tỉnh Gia Lai ra quyết định mở thủ tục phá sản là không đúng quy định pháp luật.
Vào đầu năm 2018, Công ty CP Công nghiệp Tân Tạo (Tân Tạo – ITA) đã bị TAND TP HCM công bố quyết định mở thủ tục phá sản theo yêu cầu của Công ty TNHH TM DV XD Quốc Linh (Công ty Quốc Linh). Thời điểm đầu năm 2023, bà Phan Thị Hiệp, Tổng giám đốc Tân Tạo, đã phản đối quyết định mở thủ tục phá sản này vì cho rằng bất hợp lý. Bởi lẽ yêu cầu này dựa trên các bản án sơ thẩm của TAND huyện Đức Hòa (Long An); bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Long An. Tân Tạo còn cho rằng hồ sơ vụ án có nhiều tài liệu chưa đúng, đồng thời khẳng định: “Tân Tạo hoàn toàn không có quan hệ kinh tế, không tranh chấp với Công ty Quốc Linh”.
Luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết bản thân đã nhìn thấy bất cập tại một vài trường hợp liên quan đến mở thủ tục phá sản không phải tự nguyện của doanh nghiệp. Theo Luật sư Trần Đình Dũng, từ những vụ việc xảy ra như của Đức Long Gia Lai, hay Tân Tạo cho thấy cần xem lại trước hết là khái niệm chủ nợ. Cụ thể, phải xác định đúng chủ nợ là người (doanh nghiệp) được tòa án tuyên là chủ nợ, phải có hiệu lực. Như vậy, trước khi xác định chủ nợ thì buộc phải kiện ra tòa, phải có bản án có hiệu lực pháp luật.
“Tôi cho rằng với những trường hợp này Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cần ban hành nghị quyết, hướng dẫn rõ nếu không xác nhận nợ 2 bên, không có bản án của tòa xác nhận chủ nợ thì không thụ lý đơn mở thủ tục phá sản. Vì đây là việc rất dễ gây mất uy tín cho doanh nghiệp nếu thông tin được lan truyền ra, đặc biệt với các doanh nghiệp bắt buộc phải yêu cầu công bố thông tin đại chúng” – luật sư Trần Đình Dũng phân tích.
Theo luật sư Dũng, để làm rõ sự việc, nếu biết sớm doanh nghiệp nên khiếu nại từ giai đoạn thụ lý… đây là khiếu nại chính đáng bảo vệ quyền lợi cho mình. Ngoài ra, hiện nay có bất cập là chưa có định chế buộc tòa án bồi thường thiệt hại có liên quan đến nội dung này.