Cụ thể, theo đại diện Bộ Xây dựng, thời gian qua, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp đã được Bộ này quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, đã hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) giai đoạn 2021-2025; thông qua Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) giai đoạn 2021-2025; Đang thẩm định để phê duyệt và cho ý kiến Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đang xem xét, thẩm định Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HANCORP); Hoàn thành phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm giai đoạn 2021-2025 của HUD; đang thẩm định để phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm giai đoạn 2021-2025 của VICEM.
Cũng theo Bộ Xây dựng, trong việc sắp xếp lại doanh nghiệp, Bộ này thống nhất duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) giai đoạn 2022-2025 đối với VICEM; Thực hiện cổ phần hóa HUD năm 2025, trong đó tỷ lệ vốn do nhà nước nắm giữ sẽ dưới 50% vốn điều lệ.
Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ thoái toàn bộ vốn Nhà nước trong năm 2023 đối với Tổng công ty Viglacera – CTCP; Tổng công ty cổ phần Sông Hồng.
Ngoài ra, theo kế hoạch, Bộ Xây dựng sẽ thoái toàn bộ vốn nhà nước trong giai đoạn 2024-205 tại Tổng công ty Cơ khí Xây dựng; Thoái giảm vốn nhà nước về 51% vốn điều lệ trong giai đoạn 2024-2025 tại Tổng công ty Lắp máy Việt Nam; Chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
Hiện, Bộ Xây dựng cũng đang tiếp tục tập trung rà soát, thực hiện phương án sắp xếp các cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp; xử lý các vướng mắc để thực hiện quyết toán vốn nhà nước bàn giao sang công ty cổ phần đối với Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty VLXD Số 1 (FICO), COMA, LILAMA.