Bộ giao thông đề xuất chi 2.280 tỷ giải cứu dự án BOT Xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả
Theo Báo Đấu Thầu, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có tờ trình Chính phủ đề xuất giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Trong đó đề xuất Nhà nước bố trí 2.280 tỷ đồng vốn nhà nước để thay thế cơ chế hoàn vốn cho Dự án BOT Xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (hạng mục đầu tư mở rộng hầm Hải Vân, có tổng mức đầu tư đã kiểm toán, quyết toán là 18.811 tỷ đồng).
Bộ đề xuất điều chỉnh cơ chế hỗ trợ của Nhà nước từ nguồn thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan sang hỗ trợ bằng vốn nhà nước đối với Dự án. Theo đó, Nhà nước cần bố trí khoảng 2.280 tỷ đồng để thay thế cơ chế hoàn vốn cho Dự án. Dự kiến thời gian thu phí hoàn vốn cho Dự án khoảng 28 năm 4 tháng. Tuyến cao tốc La Sơn – Túy Loan sẽ nghiên cứu phương án thu phí nộp ngân sách nhà nước.
Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả – Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 21.612 tỷ đồng. Dự án được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP); trong đó, phần vốn nhà nước tham gia vào dự án là 5.048 tỷ đồng, chiếm 23,35% tổng vốn đầu tư. Còn lại 16.564 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư.
Đến nay, toàn bộ các công trình thuộc Dự án đã được nhà đầu tư triển khai thi công hoàn thành theo đúng cam kết tại hợp đồng, đảm bảo an toàn, chất lượng.
Tuy nhiên, Dự án gặp khó khăn do chậm bố trí 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước; cơ chế trạm thu phí tại trạm La Sơn-Túy Loan chưa được giải quyết dứt điểm, đã ảnh hưởng đến nguồn kinh phí vận hành, bảo trì các công trình hầm và phương án trả nợ ngân hàng theo hợp đồng đã ký kết.
Đại diện Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, số tiền 1.180 tỷ đồng hơn 5 năm qua chưa được giải ngân gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư.
“Từ năm 2017-2023, dự án phát sinh lãi vay do chưa được giải ngân nguồn vốn 1.180 tỷ đồng là 628 tỷ đồng. Từ năm 2024 trở đi với lãi suất nhận nợ ngân hàng 10,5%/năm thì mỗi năm lãi vay sẽ phát sinh thêm 125 tỷ đồng”, đại diện nhà đầu tư chia sẻ.
Bên cạnh đó, doanh thu hoàn vốn dự án còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không còn 2 trạm thu phí La Sơn-Túy Loan và Nam Hải Vân. Do vậy, từ năm 2018 – 2023, dự án thất thu khoảng 485 tỷ đồng và dự kiến từ năm 2024-2045, dự án sẽ thất thu khoảng 9.574 tỷ đồng.
Chủ đầu tư là ai?
Công ty CP Đầu tư Đèo Cả là công ty thành viên của CTCP Tập đoàn Đèo Cả, thành lập từ năm 2010. Sau dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, Công ty tiếp tục được Chính phủ giao tiếp nhiệm vụ mở rộng nâng cấp hầm Hải Vân 2, tiếp nhận Dự án Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn…, và nhiều dự án về công trình giao thông trọng điểm khác.
CTCP Tập đoàn Đèo Cả xuất phát điểm từ Xí nghiệp sản xuất xây dựng, xây lắp điện Hải Thạch được ra đời vào những năm 1985 tại Phú Yên. Quá trình phát triển của tập đoàn gắn liền với Chủ tịch Hồ Minh Hoàng.
Năm 2009, Hải Thạch đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi “lấn sân” sang một địa hạt mới – thực hiện công trình hầm đường bộ Đèo Cả với vai trò là nhà đầu tư và nhà thầu thi công các hạng mục chính. Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục chứng minh năng lực của mình bằng những công trình cụ thể như dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, dự án đầu tư xây dựng công trình hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia, QL1A, tỉnh Thừa Thiên – Huế, …
Theo giới thiệu trên website, Tập đoàn Đèo Cả có 20 công ty thành viên với gần 6.000 lao động. Năm 2022, giá trị sản lượng thi công dự án của Đèo Cả đứng thứ 3 trong các nhà thầu giao thôngvới 3.980 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất của Tập đoàn đã tăng trưởng liên tục 3 năm với tỷ lệ trung bình 36%/năm. Năm 2022, doanh thu Đèo Cả đạt 4.184 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 419 tỷ đồng.
Chia sẻ tại Hội nghị “Tiềm năng và cơ hội đầu tư hạ tầng giao thông theo mô hình PPP++”mới đây, Tập đoàn Đèo Cả cho biết năm 2024 dự kiến đầu tư, xây dựng 300km đường cao tốc, đường vành đai với tổng mức đầu tư hơn 82.000 tỷ đồng. Một số dự án tiêu biểu như cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, Tân Phú – Bảo Lộc, Tp.HCM – Chơn Thành, Vành đai 4, Tp.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận (giai đoạn 2)…
Được biết, mô hình PPP++ là giải pháp Đèo Cả đưa ra để huy động vốn cho dự án. Thông qua việc đa dạng hoá nguồn vốn huy động để tăng hiệu quả huy động, giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Nguồn tin: https://cafef.vn/chu-dau-tu-du-an-bot-duoc-bo-giao-thong-de-xuat-chinh-phu-chi-2280-ty-giai-cuu-la-ai-188240322070412995.chn