Bộ Công Thương vừa chính thức công bố thời gian diễn ra Tuần lễ Thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia từ ngày 27/11 – 3/12/2023.
Đây là sự kiện TMĐT quốc gia lớn nhất trong năm với một loạt hoạt động như Hội nghị Phát triển TMĐT Việt Nam; Sự kiện trực tuyến 60h mua sắm trên các nền tảng trực tuyến tại Việt Nam; Lễ hội trải nghiệm TMĐT và âm nhạc tại Phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội); Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, trải nghiệm đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý thông qua Hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT…
“Ban tổ chức cũng đã chốt thông điệp của năm nay là bảo vệ người tiêu dùng. Trong đó, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, của các nền tảng, các nhà cung cấp… sẽ được bàn thảo tại hội thảo chuyên sâu, từ đấy chúng tôi đưa ra các khuyến nghị. Căn cứ vào các khuyến nghị này, cơ quan quản lý Nhà nước có thể đưa ra các biện pháp phù hợp“, ông Nguyễn Lâm Thanh – đại diện TikTok Việt Nam – chia sẻ.
“Bản thân nền tảng, các nhà cung cấp phải thay đổi chính sách. Người tiêu dùng nếu cảm thấy an toàn, TMĐT sẽ không chỉ phát triển như 10 năm vừa rồi mà còn có bước đột phá hơn nữa”.
Chuỗi các sự kiện trên do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công thương – cùng phối hợp với các Cục/Vụ chức năng, Sở Công Thương các tỉnh, thành địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, các nhãn hàng, doanh nghiệp, sàn TMĐT lớn và các nền tảng hỗ trợ bán hàng như TikTok Shop, Shopee, Lazada, Tiki, VNPAY, ZaloPay, Viettel Post, VnPost, ACCESS TRADE… tổ chức.
Người mua hàng trên các sàn TMĐT đang được bảo vệ thế nào?
Để tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động TMĐT, bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số – cho biết Cục đã triển khai nhiều nhóm giải pháp tổng thể xuyên suốt, bao gồm các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các sàn, ứng dụng, website TMĐT; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc giám sát cũng như quản lý hoạt động TMĐT.
Song song với đó, Cục TMĐT và Kinh tế số đang cùng Tổng cục Quản lý thị trường triển khai Quyết định 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025. Trong đó, phối hợp xây dựng hệ thống dữ liệu cơ sở tập trung để quản lý giám sát các hoạt động TMĐT tại Việt Nam.
Công cụ quản lý thứ hai Cục đang bắt tay xây dựng là triển khai hệ sinh thái số bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT.
“Chúng tôi tin tưởng với việc ứng dụng công nghệ số vào triển khai quản lý, việc quản lý và giám sát hoạt động TMĐT sẽ ngày càng được đẩy mạnh và đảm bảo niềm tin của người tiêu dùng trong TMĐT“, bà Huyền cho biết.
Muốn người tiêu dùng thông minh phải cung cấp cho họ đủ thông tin!
Bà Nguyễn Quỳnh Anh – Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia – Bộ Công thương – cho biết với tư cách là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ bảo vệ người tiêu dùng trước, trong và sau mua hàng trên môi trường TMĐT.
Trong đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội ban hành tháng 6/2023 thay thế cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, với những điểm mới mà bà Quỳnh Anh nhìn nhận là có thể bắt kịp với xu thế tiêu dùng TMĐT như các điều khoản đưa ra yêu cầu trách nhiệm của sàn TMĐT, vai trò của KOLs…
“Chúng ta vẫn trông đợi là người tiêu dùng thông minh, nhưng để có quyết định mua sắm thông minh thì người tiêu dùng phải được cung cấp đủ thông tin. Trong dự thảo nghị định tới đây, chúng tôi sẽ yêu cầu các doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng”.
“Biết rằng người tiêu dùng mua sắm trên TMĐT thường sử dụng smartphone, ipad với màn hình rất nhỏ, nhưng chúng tôi luôn yêu cầu phải có thông tin đầy đủ, phải có dấu hiệu nhận biết để người tiêu dùng nhìn, hiểu rõ là mình đang mua sản phẩm gì, có những điều kiện về giao dịch thanh toán, điều kiện vận chuyển hay hoàn, đổi, trả hàng… như thế nào“, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho hay.