Cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) trở thành “tâm điểm” sau 2 phiên bị bán mạnh.
Vốn hoá đã “bốc hơi” 30.000 tỷ (~1,3 tỷ USD)
Phiên 1/11, mặc dù thị trường chung hồi phục hơn 10 điểm, mã MWG vẫn chịu lực bán mạnh từ đầu phiên và nỗ lực bắt đáy của nhà đầu tư chưa thể khiến tình thế đảo chiều. Kết phiên, MWG giảm sàn rơi về mức giá 35.100 đồng/cp, thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Đây cũng là phiên giảm sàn thứ hai liên tiếp của MWG.
Động thái này diễn ra sau khi Công ty công bố BCTC quý 3/2023. Mặc dù tăng trưởng do với quý trước nhưng nếu so với cùng kỳ, MWG giảm 96% lợi nhuận sau thuế, còn 39 tỷ đồng.
Áp lực chi phí cho cuộc chiến hạ giá mà MWG là người phát động đã “ăn mòn” lợi nhuận của công ty này.
Trước đó, MWG cũng nằm trong đà điều chỉnh kể từ đầu tháng 9/2023. Từ vùng giá 55.000 đồng, tính đến nay cổ phiếu này đã giảm tới 36%. Tương ứng, giá trị vốn hóa thị trường “bốc hơi” gần 30.000 tỷ đồng (khoảng 1,2 tỷ USD).
Từng là cổ phiếu được loạt quỹ ngoại “săn đón”, MWG đang đối mặt với sự thoái lui hàng loạt. Tính trong vòng 1 tháng qua, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 24 triệu cổ phiếu MWG, tương đương giá trị bán ròng lên đến hơn 1.100 tỷ đồng.
Trong đó, có Dragon Capital – cổ đông lớn của MWG – đã liên tục thoái vốn kể từ cuối năm 2022. Giao dịch gần đây nhất là vào đầu tháng 4 năm nay, Dragon Capital bán ra 1 triệu cổ phiếu MWG, giảm sở hữu từ 117,2 triệu đơn vị (tỷ lệ 8,008%) xuống còn 116,2 triệu đơn vị (tỷ lệ 7,94%).
Ngoài ra, nhóm quỹ ngoại liên quan đến Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd cũng đã bán MWG nhiều lần. Gần đây nhất, ngày 28/8 nhóm này đã bán hơn 2,1 triệu cổ phiếu MWG, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 6,02% xuống còn 5,88%. Trong vòng 8 tháng đầu năm, nhóm quỹ ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 33 triệu cổ phiếu MWG.
Ông Nguyễn Đức Tài: “Mua cổ phiếu MWG và quên đi”
Trong những ngày này, cổ đông nhắc lại câu chuyện được Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài kể tại ĐHĐCĐ tháng 4/2022. Khi nhiều cổ đông đặt dấu hỏi về triển vọng của Bách Hóa Xanh sau những scandal từ giai đoạn đại dịch, ông Tài nói: ”Tôi nhớ lúc MWG vừa lên sàn có một bạn nữ bên Mekong, hỏi tôi em có tiền giờ em làm gì? Tôi nói đùa thôi, mua cổ phiếu MWG và quên đi, đừng để ý đến nó. Chắc chắn khi con em 18 tuổi nó sẽ có 100 tỷ để khởi nghiệp. Lúc đó MWG lên sàn vào năm 2014. Tôi nói bỏ 1 tỷ duy nhất thôi, mua cổ phiếu MWG và cất rồi quên nó luôn”.
2022 cũng là năm quan trọng khi MWG bắt đầu manh nha kế hoạch IPO Bách Hoá Xanh, cũng như dừng mở rộng để rà soát, hoàn thiện lại nền tảng sau sự cố truyền thông giai đoạn đại dịch.
Thực tế, trong thời gian từ 2014 đến ĐHCĐ 2022, MWG đã tăng gần 8 lần (theo giá điều chỉnh).
Khi vị Chủ tịch chia sẻ lại câu chuyện 18 năm về trước, cổ đông hiểu rằng đây là lời cam kết của ông Tài trong việc tái cấu trúc và hoàn thiện Bách Hoá Xanh, đưa chuỗi bách hoá thành công như Thế giới Di động và Điện Máy Xanh?
9 tháng đạt chưa đến 2% kế hoạch lợi nhuận
Song, tình hình thị trường đang thách thức chiến lược của MWG. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu MWG giảm 15,5% xuống mức gần 87.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm đến gần 97%, xuống còn 78 tỷ đồng và mới thực hiện vỏn vẹn chưa đến 2% mục tiêu cả năm 2023 đề ra.
Trong đó, MWG đang gánh khoản lỗ hơn 1.100 tỷ đồng từ hai chuỗi Bách Hoá Xanh và An Khang.