Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023, doanh thu thuần của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer Holdings – mã CK: MCH) đạt 7.233 tỷ đồng trong quý 3 và đạt 19.748 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, lần lượt tăng 2% và tăng 4% so với cùng kỳ.
Masan cho biết, ngành hàng Gia vị, Thực phẩm tiện lợi và HPC (Sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình) ghi nhận tăng trưởng cao lần lượt là 21,0%, 8,3% và 39,4% trong 9 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ. Trong quý 3/2023, các ngành hàng này đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu lần lượt là 16,6%, 10,8% và 24,5% so với cùng kỳ.
MCH đạt biên lợi nhuận gộp 45,4% trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng 420 điểm cơ bản so với 41,2% của 9 tháng đầu năm 2022. Trong quý 3/2023, biên lợi nhuận gộp ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử là 46,6% giúp thúc đẩy lợi nhuận sau thuế tăng 29,7% trong quý 3. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của MCH đạt 4.888 tỷ đồng, tăng 33,2% so với cùng kỳ.
Theo Masan, tăng trưởng vượt trội của biên lợi nhuận gộp là thành quả của việc có mức giá bán cao được củng cố bởi thương hiệu mạnh, danh mục sản phẩm có biên lợi nhuận cao, khả năng đảm bảo chi phí nguyên vật liệu thấp, và kế hoạch cung cầu được tối ưu hóa để cải thiện chi phí chuyển đổi sản xuất.
Trong báo cáo thường niên năm 2022 của Masan Consumer Holdings, công ty cho biết, MCH áp dụng chiến lược tập trung vào các cơ hội đầu tư có thể mang lại biên lợi nhuận gộp hơn 30%, tạo điều kiện cho công ty xây dựng thương hiệu mạnh và tạo ra những sản phẩm đột phá mang lại giá trị cho người tiêu dùng.
Masan Consumer hiện đang là công ty dẫn đầu thị trường trong các lĩnh vực hoạt động với các thương hiệu mạnh. Masan Consumer chọn cách tự phát triển hoặc mua lại các thương hiệu mạnh được khách hàng tin dùng, nhờ đó, các sản phẩm gia vị và cà phê của công ty đều là những sản phẩm dẫn đầu các thị trường. Trong khi đó, với ngành hàng mì ăn liền, Masan Consumer chiếm vị trí số một trong phân khúc cao cấp. Ngành kinh doanh đồ uống của công ty đang tăng trưởng nhanh nhờ vào thương hiệu mạnh trong phân khúc nước tăng lực.
Các thương hiệu chủ chốt của Masan Consumer gồm Chin-Su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, Ponnie, Heo Cao Bồi, Vinacafe’, Wake-Up, Wake-Up 247, Compact Cherry, Vĩnh Hảo, Vivant, Lemona và Quang Hanh, … trong đó có nhiều thương hiệu nhiều năm liền được bình chọn là nhãn hàng phát triển nhanh nhất và được nhiều người tiêu dùng Việt tin dùng nhất.
Tính đến cuối năm 2022, 5 thương hiệu của Masan Consumer gồm Chin-Su, Omachi, Kokomi, Nam Ngư và Wake-Up 247 đã đạt doanh thu trên 2.000 tỷ đồng.
Năm 2023, Masan Consumer tiếp tục chiến lược cao cấp hóa các ngành hàng chính qua việc giới thiệu các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng như lẩu tự sôi Omachi, Phở Story, nước mắm Nam Ngư tỏi ớt Lý Sơn.
Trong đó, lẩu tự sôi Omachi đã có màn ra mắt trong cuộc họp đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của Tập đoàn Masan. Sản phẩm này không cần nước nóng, bếp gas, không cần đồ khô, chỉ cần đổ nước lọc vào gói sản phẩm, trong thời gian 5-10 phút nồi lẩu sẽ “tự sôi”. Ông Trương Công Thắng – Chủ tịch HĐQT The CrownX cũng tiết lộ sản phẩm này đã nhận được đơn đặt hàng xuất sang Nhật Bản.
Phở Story là sản phẩm đã có màn chạm ngõ tại thị trường Hàn Quốc trước đó. Điểm đặc biệt của Phở Story đó là công thức được Chin-su tinh chỉnh để đảm bảo hợp khẩu vị người tiêu dùng ở từng thị trường, tại Việt Nam, Chin-su sẽ ra mắt Phở Story với công thức gia truyền đặc trưng đến từ Phở Thìn Bờ Hồ.
Còn Nam Ngư Ớt Tỏi Lý Sơn là sản phẩm sử dụng 100% tỏi từ Đảo Lý Sơn nhằm mang đến cho hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam cơ hội thưởng thức những món ngon kết hợp với đặc sản ở nhiều vùng miền trên đất nước. Ngoài ra, với chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu, Nam Ngư cũng mở rộng cơ hội quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu tỏi Lý Sơn tới người dân cả nước và ra thị trường quốc tế.