Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã ký Tờ trình số 685/TTr-CP, kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Dự án có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (TP. Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), với tổng chiều dài khoảng 1.541km.
Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đầu tư công và đi qua địa phận của 20 tỉnh, thành phố bao gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP. HCM.
Mục tiêu của dự án là xây dựng tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm với tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Tuyến đường sắt sẽ có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Đây là tuyến đường sắt cao tốc chủ yếu phục vụ vận chuyển hành khách, đồng thời có khả năng vận tải hàng hóa khi cần thiết, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng và an ninh.
Dự án dự kiến sử dụng tổng diện tích đất khoảng 10.827ha, trong đó 3.655ha là đất trồng lúa (bao gồm 3.102ha đất lúa nước hai vụ trở lên), 2.567ha đất lâm nghiệp và khoảng 4.605 ha các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai. Số dân phải tái định cư dự kiến là 120.836 người.
Tại Tờ trình số 685, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư bổ sung một số vị trí nhà ga tại các khu đô thị có nhu cầu vận tải lớn trong quá trình vận hành khai thác, dựa trên đề xuất của các địa phương.
>> Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta có đủ điều kiện để huy động 67 tỷ USD cho đường sắt cao tốc Bắc – Nam
Theo VTC News, văn bản giải trình của Bộ Giao thông Vận tải gửi Hội đồng Thẩm định Nhà nước về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam nêu rõ, mỗi ga khách trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đều được quy hoạch không gian phát triển từ 250-300ha, trừ ga Thủ Thiêm.
Các nhà ga hành khách của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ có 3 khu chức năng chính. Khu vực đón, tiễn khách và bãi đỗ xe chiếm diện tích 6-8ha, tương đương với các nhà ga 4 đường ray tại Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Khu dịch vụ thương mại có diện tích từ 10-15ha và khu đô thị dịch vụ chiếm khoảng 250-300ha.
Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, vốn đầu tư công sẽ chỉ được sử dụng cho khu vực đón, tiễn khách, trong khi các khu vực thương mại và phát triển theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng) sẽ được kêu gọi đầu tư từ các địa phương. Quy mô đầu tư phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương và khuyến khích quy hoạch lớn.
Riêng ga Ngọc Hồi tại Hà Nội, là ga đầu mối, được tích hợp với các tuyến đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia, có quy hoạch khoảng 250ha. Ga Thủ Thiêm tại TP. HCM, dự kiến có quy mô khoảng 17ha và tích hợp với các tuyến đường sắt đô thị. Đối với các ga hàng hóa, mỗi ga sẽ có quy mô khoảng 24,5ha.
Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh, trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ sẽ chỉ đạo chủ đầu tư và đơn vị tư vấn rà soát, đề xuất vị trí và quy mô cụ thể của các nhà ga để đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, bao gồm cả các nhà ga trung tâm, quảng trường ga và các công trình kết nối đa phương thức.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho các địa phương có nhà ga hành khách. Với tốc độ thiết kế lên tới 350 km/h, tuyến đường sắt này sẽ giúp kết nối nhanh chóng các địa phương với các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng. Việc di chuyển nhanh hơn không chỉ giúp thu hẹp khoảng cách địa lý mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và lao động, góp phần thúc đẩy giao thương và hợp tác kinh tế.
Các địa phương có nhà ga sẽ thu hút nhiều du khách hơn nhờ khả năng di chuyển thuận lợi. Những chặng đường như Hà Nội – Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang sẽ chỉ mất lần lượt 1,3 giờ, 2,7 giờ và 4,3 giờ, nhanh hơn rất nhiều so với các phương tiện hiện hành như tàu hỏa hoặc xe khách. Đối với một số chặng ngắn, đi tàu thậm chí có thể nhanh hơn cả máy bay khi tính đến thời gian chờ.
Ngoài ra, sự hiện diện của hạ tầng giao thông hiện đại như đường sắt tốc độ cao còn giúp thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế và khu dịch vụ gần nhà ga. Các doanh nghiệp sẽ nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế nhờ sự thuận tiện trong vận tải và logistics.
Giá trị bất động sản xung quanh các nhà ga dự kiến cũng sẽ tăng cao. Khu vực gần các nhà ga có thể trở thành điểm nóng phát triển đô thị và dịch vụ, mang lại nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Cuối cùng, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di chuyển giữa các thành phố và khu vực khác nhau, giảm áp lực dân số cho các thành phố lớn, đồng thời giúp người dân ở các tỉnh xa dễ dàng tiếp cận với các trung tâm kinh tế mà vẫn có thể trở về quê thường xuyên.
Hạ tầng giao thông hiện đại không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp người dân tiếp cận nhanh hơn với các dịch vụ y tế, giáo dục và các tiện ích xã hội khác.
>> Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam 67 tỷ USD: ‘Không tô hồng bức tranh tài chính’
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/bat-ngo-voi-quy-mo-23-ga-hanh-khach-cua-du-an-duong-sat-cao-toc-bac-nam-67-ty-usd-169784.html