Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết đang lấy ý kiến từ các sở, ban ngành liên quan để sớm trình UBND tỉnh về đề xuất của CTCP Đô thị biển – siêu du thuyền Lạc Việt Palmer Johnson, liên quan đến việc đầu tư và khảo sát địa điểm cho dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng – siêu du thuyền Lạc Việt Palmer Johnson Đề Gi.
Đây là dự án được CTCP Đô thị biển – siêu du thuyền Lạc Việt Palmer Johnson, doanh nghiệp thành lập vào tháng 10/2024, mới được 4 tháng tuổi, đề xuất thực hiện. Công ty có trụ sở tại thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát.
>> Tỷ phú thế giới muốn ‘rót tiền’ làm siêu dự án du lịch, nghỉ dưỡng 105.000 tỷ tại Bình Định
Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng – siêu du thuyền Lạc Việt Palmer Johnson Đề Gi có tổng diện tích khoảng 4.360ha, bao gồm toàn bộ phần mặt nước đầm Đề Gi (khoảng 1.570ha), một phần diện tích các xã Cát Minh và Cát Khánh (thuộc huyện Phù Cát), một phần các xã Mỹ Thành, Mỹ Chánh, Mỹ Cát (thuộc huyện Phù Mỹ) và đảo Hòn Trâu (xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn). Tổng vốn đầu tư của dự án được công bố lên đến 105.750 tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD).
Trong đó, 30% vốn góp đến từ nhà đầu tư, tương đương khoảng 31.725 tỷ đồng, 50% là vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng, tương ứng 52.875 tỷ đồng, phần còn lại được huy động từ các đối tác chiến lược. Thời gian triển khai dự kiến kéo dài 60 tháng kể từ khi được cấp phép và thời hạn hoạt động của dự án lên tới 70 năm.
Theo giới thiệu từ phía CTCP Đô thị biển – siêu du thuyền Lạc Việt Palmer Johnson, dự án không chỉ mang tầm quốc tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn của tỉnh Bình Định.
Dự án hướng đến việc thu hút giới siêu giàu và người có thu nhập cao từ nhiều quốc gia, qua đó nâng tầm thương hiệu du lịch cao cấp cho địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội và phát triển hạ tầng đồng bộ. Ngoài các lợi ích kinh tế, dự án còn được kỳ vọng sẽ biến Bình Định thành một trung tâm du lịch, tài chính và văn hóa quốc tế trong tương lai.
Dự án bao gồm nhiều hạng mục đầu tư quy mô lớn với các dịch vụ và tiện ích cao cấp dành riêng cho giới thượng lưu. Đáng chú ý nhất là khu vực bến siêu du thuyền, được thiết kế với cầu tàu và hai bến đỗ cho từ 50 đến 100 du thuyền cỡ lớn. Đi kèm là trung tâm dịch vụ bao gồm các nhà hàng cao cấp, quầy bar sang trọng, trung tâm thương mại với những thương hiệu thời trang hàng đầu, showroom siêu xe, spa và phòng gym hiện đại. Khu biệt thự nổi được thiết kế theo công nghệ tiên tiến, tích hợp các yếu tố thiên nhiên, mỗi căn biệt thự đều có bến thuyền riêng, sân tắm nắng và hồ bơi riêng biệt.
>> 3 cảng biển top đầu Việt Nam được ‘nâng cấp’ để đón các siêu du thuyền
Bên cạnh đó, dự án còn bao gồm khu biệt thự núi nằm trên triền đồi, mang phong cách kiến trúc kết hợp giữa hiện đại và thiên nhiên hoang sơ. Mỗi biệt thự tại đây có tầm nhìn bao quát toàn cảnh đầm nước và núi non hùng vĩ. Khu vui chơi thể thao dưới nước sẽ cung cấp các hoạt động giải trí như chèo thuyền kayak, lặn biển, khám phá thiên nhiên và nhà hàng nổi.
Dự án còn phát triển cụm khách sạn quốc tế 6 sao với quy mô 1.500 phòng, các căn biệt thự nghỉ dưỡng sang trọng nằm trên mỏm Vũng Bồi, cùng với khu sân golf tiêu chuẩn quốc tế có diện tích 200 ha và khả năng tổ chức các giải đấu đẳng cấp.
Đảo Hòn Trâu, một phần của dự án, sẽ được xây dựng thành khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất với các biệt thự giới hạn và bến siêu du thuyền riêng.
Ngoài ra, dự án sẽ có khu tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật và hội nghị quốc tế chất lượng cao, cũng như khu nghỉ dưỡng hưu trí dành riêng cho người cao tuổi với đầy đủ tiện ích sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe và giải trí.
Khu vực cảnh quan đồi núi sẽ được phát triển thành không gian xanh với các con đường đi bộ, vườn thiên nhiên và các hoạt động như leo núi, đạp xe, thưởng ngoạn phong cảnh.
Một điểm nhấn khác của dự án là khu du lịch cộng đồng, nơi bảo tồn các làng chài hiện hữu và phát triển các hoạt động du lịch dựa trên nét văn hóa địa phương đặc sắc, góp phần gìn giữ giá trị truyền thống.
Theo doanh nghiệp, dự án này sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm mới, cải thiện đời sống người dân, đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại Bình Định.
Ngày 16/1, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn, đã tiếp và làm việc với các đại diện từ Quỹ đầu tư Finance Suisse (trụ sở tại Zurich, Thụy Sĩ), Công ty Palmer Johnson (Monaco) và Tập đoàn Lạc Việt.
Ông Roland Staub, Chủ tịch Quỹ đầu tư Finance Suisse, và ông Timur Mohamed, Chủ tịch Công ty Palmer Johnson, đã tiến hành khảo sát thực địa tại các khu vực tiềm năng ven biển trước khi làm việc chính thức với lãnh đạo tỉnh.
Cuộc khảo sát tập trung vào đánh giá các tiềm năng phát triển du lịch cao cấp, trong đó đặc biệt chú trọng đến các khu vực có cảnh quan thiên nhiên đa dạng và đẹp mắt.
Kết thúc buổi làm việc, hai bên đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác lâu dài và xúc tiến đầu tư. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khẳng định vị thế của Bình Định trên bản đồ các điểm đến sang trọng toàn cầu.
Đồng thời, sự hợp tác này cũng mở ra cơ hội lớn cho tỉnh trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược, phát triển kinh tế bền vững và xây dựng thương hiệu du lịch quốc tế trong tương lai gần.
>> 4 thị xã dự kiến ‘nâng cấp’ lên thành phố trong năm nay
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/bat-ngo-voi-doanh-nghiep-muon-lam-du-an-nghi-duong-sieu-du-thuyen-4-5-ty-usd-tai-binh-dinh-197156.html