Ngày từ ngày 2/8, thị trường chứng khoán đã tiếp tục chứng kiến một phiên giao dịch đỏ lửa khi thị trường tiếp tục giảm hơn 16 điểm về vùng 1.210 điểm. Trong phiên trước đó, VN-Index đã giảm đến hơn 21 điểm và từ đầu tuần cho đến nay mức giảm ghi nhận là khoảng 36 điểm.
Giữa bối cảnh đó, cổ phiếu KSV của tổng công ty Khoáng sản TKV (Vimico) đã tiếp tục tăng trần 10% phiên thứ 4 liên tiếp, đạt mức giá 52.500 đồng/cp. Như vậy, chỉ trong vòng một tuần thị giá của KSV đã tăng gần 46%. Thanh khoản cũng tăng vọt từ vài nghìn đơn vị mỗi phiên lên vài trăm nghìn.
Cổ phiếu KSV tăng ‘phi mã’ sau khi Vimico công bố kết quả kinh doanh đột biến trong quý 2/2024. Cụ thể, trong quý vừa qua công ty này ghi nhận doanh thu 3.432 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán của doanh nghiệp này bất ngờ giảm gần 15% giúp lợi nhuận gộp gấp 4,4 lần lên mức 832 tỷ đồng.
Cùng với việc chi phí tài chính giảm một nửa, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của Vimico đạt gần 493 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ 24 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lãi kỷ lục của công ty này trong một quý.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vimico mang về 6.583 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 566 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 757% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của công ty này đạt mức 10.482 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với số đầu năm. Trong đó, gần một nửa là tài sản cố định, ở mức 4.463 tỷ đồng. Hàng tồn kho là 2.896 tỷ đồng.
Vimico tiền thân là Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam, được thành lập vào năm 2005. Doanh nghiệp này là công ty con của Vinacomin. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, như đất hiếm, vàng bạc, kẽm đồng, nhôm… Công ty hiện dẫn đầu cả nước về khai thác và chế biến đồng, với thế mạnh là sở hữu quyền khai thác tại mỏ đồng lớn nhất Việt Nam – mỏ Sin Quyền.
Ngoài ra, Vimico còn đang quản lý và khai thác mỏ Đông Pao – mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất cả nước. Mỏ đất hiếm Đông Pao có diện tích gần 133 ha, thuộc địa bàn xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, với tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn, chiếm hơn một nửa trữ lượng đất hiếm của cả nước. Các nguồn đất hiếm còn lại được phân bố chủ yếu ở Nậm Xe (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Bái.
Nguồn tin: https://cafef.vn/bat-chap-vn-index-giam-36-diem-tu-dau-tuan-co-phieu-cua-mot-dn-nha-nuoc-so-huu-nhieu-mo-khoang-san-lai-tang-46-sau-khi-bao-lai-ky-luc-188240802112639446.chn