Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị về tình hình ứng phó và thiệt hại do bão số 3, đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng ba thập kỷ qua trên Biển Đông. Bão số 3, với tên gọi quốc tế Yagi, duy trì cấp siêu bão (cấp 16, giật cấp 17) trong thời gian dài, ngay cả khi đổ bộ vào phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Bão lũ đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho người dân và nhà nước ở những địa phương chịu ảnh hưởng. Ước tính sơ bộ thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra lên tới 40.000 tỷ đồng. Hơn 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu tại các tuyến đê lớn; trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, gãy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và 310.000 cây xanh đô thị bị gãy đổ.
Các chuyên gia dự đoán GDP cả năm có thể giảm 0,15% so với kịch bản tăng trưởng dự kiến từ 6,8 – 7%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05%, và dịch vụ giảm 0,22%.
Doanh nghiệp cần nhiều năm để phục hồi
Tại Quảng Ninh, TP Cẩm Phả ghi nhận 326 hộ nuôi thủy sản bị mất trắng lồng bè, chỉ còn 40 hộ giữ lại được một phần. Tại thị xã Quảng Yên, 800 bè hàu và 1.700 lồng nuôi cá của các hộ nuôi đều bị phá hủy hoàn toàn sau bão.
Ngành du lịch cũng là 1 trong những ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Anh Nguyễn Văn Trường, chủ một nhà hàng hải sản tại Bãi Cháy, cho biết nhà hàng của anh bị hư hại nặng nề, với toàn bộ phần mái và đồ nội thất bị phá hủy. “Để khôi phục hoạt động bình thường như trước đây sẽ mất vài năm,” anh Trường chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Hệ thống 1900 tại Quảng Ninh, cũng cho biết hai khu dịch vụ ăn uống và check-in vốn thu hút đông khách giờ chỉ còn lại đống đổ nát. Doanh nghiệp của anh buộc phải bắt đầu lại từ đầu.
Tại Hải Phòng, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển Bền vững của Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C, cho biết nhiều doanh nghiệp tại đây bị tốc mái nhà xưởng, gián đoạn hoạt động do mất điện và nước. Một số doanh nghiệp cần từ 2-3 tháng để sửa chữa và khôi phục hạ tầng. Những nhà xưởng chịu thiệt hại nặng có thể mất đến cuối năm mới khôi phục được sản xuất.
Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Việt Nam cần rút ra những bài học kinh nghiệm từ đợt bão này. Các biện pháp như xây dựng công trình bền vững hơn và hỗ trợ tài chính nhanh chóng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Ông Lực đề xuất, Việt Nam nên xem xét thành lập một quỹ ứng phó thiên tai khẩn cấp, tương tự các nước khác, để có thể ứng phó kịp thời khi thảm họa xảy ra.
>>Siêu bão Yagi tàn phá nặng nề, Hải Phòng thiệt hại hơn 11.000 tỷ đồng
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/bao-yagi-gay-thiet-hai-den-40-000-ty-dong-158017.html