Chiều ngày 9/8 tại Hà Nội, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) đã phối hợp với Tập đoàn Cadence, Tập đoàn FPT (Mã CK: FPT), và tổ chức Tresemi (Mỹ) tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn”, kết hợp với lễ bế giảng chương trình đào tạo thiết kế vi mạch.
Tại buổi tọa đàm, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo cơ hội việc làm cho nhân lực trong ngành bán dẫn. Cơ hội trong ngành rất nhiều, với riêng FPT, ông Bình cho biết, bao nhiêu nhân sự ngành bán dẫn đào tạo ra, FPT có thể nhận hết, thậm chí chưa đủ cho nhu cầu của doanh nghiệp.
“Khi tôi gặp gỡ doanh nghiệp Nhật Bản, họ có nhiều việc muốn giao cho chúng ta. Việc của chúng ta là phải học nhiều để vươn lên”, ông Bình chia sẻ.
Theo ông Bình, nước ta đã quyết tâm đào tạo 50.000 nhân lực ngành bán dẫn, trong đó FPT nhận với Thủ tướng là đào tạo 10.000 nhân lực ngành bán dẫn.
Tập đoàn đã đầu tư vào hệ thống giáo dục từ bậc phổ thông đến cao đẳng và đại học, đồng thời hợp tác với các đối tác từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ để tìm mọi cách mở rộng cơ hội đào tạo trong ngành bán dẫn.
Ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, cũng nhận định rằng sự tham gia của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nhân lực ngành bán dẫn là rất cần thiết. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn giúp học viên sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.
“Mô hình hợp tác như hiện nay giữa NIC và Đại học Quốc gia TP.HCM, FPT và các trường đào tạo, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp cần được nhân rộng”, ông Quân nói.
Theo Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ đào tạo ít nhất 50.000 kỹ sư và cử nhân phục vụ cho tất cả các công đoạn trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn.
Cụ thể, nhân lực Việt Nam có thể tham gia sâu vào quy trình thiết kế vi mạch bán dẫn hiện đại, làm chủ một phần công nghệ trong công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch, và từng bước nắm bắt công nghệ sản xuất bán dẫn.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực ngành bán dẫn là con số tính toán an toàn. “Chúng ta triển khai tốt và có điều kiện thì phải làm hơn thế, về lâu dài phải phấn đấu đào tạo hàng triệu nhân lực ngành bán dẫn”, ông Dũng nói.
Ngoài chuẩn bị nguồn nhân lực, ông Dũng cũng nhấn mạnh, phải chuẩn bị các chính sách để thu hút đầu tư, hình thành hệ sinh thái cho ngành bán dẫn.
“Chúng tôi đang xây dựng chính sách thể hiện qua quỹ hỗ trợ đầu tư; đang ở giai đoạn cuối, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Dự kiến trong tháng 8 có thể phê duyệt các chính sách để khuyến khích thu hút đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn, hình thành hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam”, Bộ trưởng KH-ĐT thông tin thêm.
>>FPT bắt tay doanh nghiệp tài chính hàng đầu Đài Loan, tạo bước ngoặt cho ngành bán dẫn Việt Nam
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/ong-truong-gia-binh-bao-nhieu-nhan-su-nganh-ban-dan-tot-nghiep-fpt-co-the-nhan-het-150388.html