Đi vào vận hành từ cuối năm 2021, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (tuyến 2A) dài 13km, có tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2016, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước và là tổ hợp đường sắt đô thị đầu tiên tại Hà Nội.
Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) là đơn vị quản lý đoàn tàu chạy tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Hanoi Metro chính thức hoạt động từ tháng 6/2015 do Nhà nước nắm giữ 100% vốn.
Theo báo cáo tài chính được công bố, năm 2022, đơn vị này đạt doanh thu 483 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với doanh thu vỏn vẹn 69 tỷ đồng năm ngoái.
Xét về cơ cấu, năm 2022, Hanoi Metro thu về 66 tỷ đồng từ hoạt động cung cấp dịch vụ, chiếm 13,7%, tương ứng bình quân mỗi ngày, tàu Cát Linh – Hà Đông thu về 180 triệu đồng từ bán vé.
Phần còn lại là doanh thu trợ giá, chiếm 86,3% (417 tỷ đồng). Tức, cứ 1 đồng doanh thu thì Hanoi Metro được thêm 6 đồng trợ giá.
Sau khi trừ đi các chi phí thì cả năm, Hanoi Metro lãi trước thuế 97 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 64 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp này ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ nhiều năm liên tục và chỉ mới có doanh thu từ năm 2021 khi tuyến đường đi vào vận hành.
Trong cơ cấu chí phí, khoản mục lớn nhất là chi phí khấu hao với hơn 225 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ một nửa. Ngoài ra, công ty đã trả 99.4 tỷ đồng chi phí nhân công, cao gấp đôi năm ngoái.
Trước đó, Hanoi Metro đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 476 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 17 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành 98,5% kế hoạch doanh thu và vượt gấp gần 6 lần kế hoạch lợi nhuận.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Hanoi Metro đạt 3.016 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ so với năm ngoái. Trong đó đa phần là tài sản dài hạn (hơn 2.500 tỷ đồng). Tài sản ngắn hạn tăng gấp 3,7 lần cùng kỳ lên 456 tỷ đồng nhờ các khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi tăng mạnh.
Hanoi Metro còn khoản nợ phải trả hơn 3.049 tỷ đồng đến cuối năm 2022. Trong đó, công ty nợ người lao động gần 14 tỷ, trong khi năm ngoái chỉ nợ gần 4 tỷ.
Vốn chủ sở hữu vẫn còn âm gần 33 tỷ, giảm mạnh so với mức âm hơn 129 tỷ năm 2021.
Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, Hanoi Metro đặt mục tiêu doanh thu 519 tỷ đồng, mục tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ gần 6 tỷ, rất khiêm tốn so với kết quả thực hiện được năm 2022.
Trong đó, riêng mục tiêu doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt là 73,9 tỷ đồng, tương ứng hơn 14% tổng doanh thu. Sản lượng hành khách trong năm dự kiến đạt 10,67 triệu hành khách, với lượt tàu chở khách là 81.316 lượt.
Các chỉ tiêu tổng hợp nói trên trong năm 2023 của Công ty chỉ xây dựng với tuyến đường sắt 2A Cát Linh – Hà Đông. Với các chỉ tiêu của tuyến số 3.1 Nhổn -Ga Hà Nội (đoạn trên cao), Hanoi Metro sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung theo thực tế triển khai công tác tiếp nhận, vận hành tuyến khi có quyết định bàn giao của UBND thành phố.
Về kế hoạch đầu tư, Hanoi Metro sẽ tiếp tục triển khai đầu tư Dự án ĐSĐT 2A Cát Linh – Hà Đông.
Theo thông tin từ Cục Đường sắt Việt Nam, trong quý I/2023, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông đã vận chuyển được hơn 2,65 triệu lượt hành khách, tăng 262% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến giữa tháng 4/2023, tuyến đường sắt 2A Cát Linh – Hà Đông sau hơn 1 năm đưa vào khai thác thương mại (bắt đầu chờ khách từ 6/11/2021) đã vận chuyển được hơn 3,977 triệu lượt khách, với số lượng luân chuyển tính trên km đạt 32.217.847 hành khách/km (với cự ly đi lại bình quân của hành khách trên tuyến bằng 8,1km).
Riêng trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã vận hành 1.018 lượt tàu với hơn 168.500 lượt hành khách. Tương ứng có hơn 33 nghìn lượt khách đi tàu điện Cát Linh – Hà Đông mỗi ngày dịp nghỉ lễ.
Theo Tổng giám đốc Hanoi Metro, đến nay có khoảng 10.000 hành khách sử dụng vé tháng. Bình quân mỗi ngày, tuyến phục vụ trên 32.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần phục vụ 26.000-28.000 lượt hành khách.