Hôm nay, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Tam (44 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo) về tội “Trốn thuế”, theo khoản 3 điều 200 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, ông Tam bị cơ quan điều tra cáo buộc đã chỉ đạo ông Phạm Xuân Tình (đại diện pháp luật, Tổng Giám đốc Công ty Asanzo) ký kết các hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH đầu tư thương mại Việt Tài, Công ty TNHH đầu tư sản xuất An Thiên, Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu Trần Thoàn, sau đó không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán liên quan đến doanh thu bán hàng cho Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo.
Ngoài ra, ông Tam còn bị cáo buộc sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế nhằm mục đích trốn số tiền thuế phải nộp gần 15,8 tỷ đồng.
Asanzo là cái tên gây “bão” một thời, khi mà thương hiệu này gần như sánh vai với các hãng tivi ngoại khác có mặt tại thị trường Việt Nam. Công ty được thành lập vào cuối 2013. Sáu năm sau đó, năm 2019, Asanzo chỉ xếp sau các ông lớn Samsung, LG và Sony về thị phần.
Ở thời điểm đó, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường GfK, thị phần của Asanzo trên thị trường tivi Việt Nam chiếm khoảng 16%, trong khi ông lớn LG chiếm 17%, Sony 25% và Samsung 35%.
Còn theo số liệu Asanzo cung cấp, năm 2016, số tivi mà công ty này bán được là 500.000 chiếc, chiếm 15% thị phần. Đến năm 2017, hãng cho biết bán được khoảng 710.000 cái. Năm 2017, Asanzo đạt tổng doanh thu 4.629 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với 2016, trong đó, doanh thu bán hàng tivi chiếm nhiều nhất với 4.200 tỷ đồng.
Trong một bài viết trên trang web công ty vào năm 2021, Asanzo từng có kế hoạch IPO “nhằm huy động nguồn lực từ xã hội để bổ sung vốn, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và mở rộng cả về quy mô lẫn số lượng sản phẩm”. Đồng thời, mong muốn “trở thành tập đoàn điện tử công nghệ hàng đầu Việt Nam và xuất khẩu ra khu vực châu Á”..
Tivi Asanzo có giá rất rẻ, có thể thấp hơn 30-40% với nhiều mẫu cùng loại trên thị trường. Sản phẩm của doanh nghiệp này được bán chủ yếu bán tại thị trường nông thôn, chiếm 70%. Bên cạnh đó, Asanzo còn bán cho các nhà nghỉ, khách sạn hay nhà hàng,… là nơi mà tivi không cần thiết phải sử dụng loại quá xịn.
Theo thông tin trên trang Asanzo, trong thời gian đầu ông Tam chọn cách đặt linh kiện nước ngoài và thiết kế lắp ráp lại và lược bỏ hoàn toàn những chức năng không cần thiết. Từ đó, tivi Asanzo có giá thành rẻ và phù hợp với nhu cầu số đông.
Chiếc tivi Asanzo 25 inch đời thứ 2 có giá chưa tới 2 triệu nhanh chóng được đón nhận. Nhiều sản phẩm phù hợp với đặc điểm với từng miền như miền Tây là tivi chạy bằng ắc quy, miền Trung là bo mạch chống ăn mòn hơi nước biển, miền Bắc là hình thức na ná tivi ngoại.
Đến chiều 23/6, trang web bán hàng của Asanzo vẫn hoạt động. Các sản phẩm được bán theo danh mục tivi, điện tử, điện lạnh, điện gia dụng và đèn LED. Trong đó, sản phẩm mới của doanh nghiệp là Android TV 43inch được treo ở vị trí dễ nhìn nhất, có giá gần 7 triệu đồng.
Các thông tin phần “Tin tức” đã ngưng cập nhật từ ngày 28/7/2023. Tuy nhiên, mục “Tuyển dụng” có bài viết mới nhất vào ngày 22/3/2024 để tuyển nhân viên bán hàng một số tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ và miền Tây.
Asanzo lùm xùm liên quan đến nguồn gốc sản phẩm
Ông Tam từng tham gia Shark Tank mùa 3 (2019), được gọi là “Shark” Tam. Tuy nhiên có lùm xùm về nguồn gốc của tivi Asanzo. BTC Shark Tank đã phát thông báo thay đổi Hội đồng Đầu tư. Theo đó, ông Phạm Văn Tam không tiếp tục tham gia chương trình với vai trò là nhà đầu tư khách mời.
Cùng năm 2019, Cục Thuế TP HCM quyết định chuyển hồ sơ Công ty Asanzo đến Công an TP HCM do có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan thuế cũng đã ra quyết định tổng cộng số thuế truy thu và phạt của Công ty Asanzo lên tới 68,57 tỷ đồng. Theo kết luận thanh tra thuế, từ năm 2016 đến tháng 7/2019, Công ty Asanzo đã vi phạm hàng loạt quy định về thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, hóa đơn, doanh nghiệp không nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đến tháng 8/2020, kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT – Bộ Công an (C03) gửi Tổng cục Hải quan kết luận, C03 đề nghị Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện việc kiểm tra sau thông quan đối với Công ty Asanzo và các công ty liên quan nhập khẩu các lô hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo và linh phụ kiện hàng hóa để sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo. Nếu có dấu hiệu tội phạm “buôn lậu” hoặc “trốn thuế”, chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (PC03) để điều tra theo thẩm quyền.
Đầu năm 2024, Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư – Cục Hải quan TP HCM quyết định dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo do nợ hơn 48 tỷ đồng tiền thuế, có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 24/1/2024.
Nguồn tin: https://cafef.vn/hang-tivi-cua-shark-tam-tung-co-thoi-hoang-kim-nhu-the-nao-ban-hon-700000-chiec-thu-4600-ty-nam-188240623185328635.chn