Ông Mạc Quốc Anh – Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cung cấp con số này trong cuộc phỏng vấn về tình trạng của doanh nghiệp và đề xuất các chính sách hỗ trợ.
Tại phiên họp tháng 5/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được đã bán, thậm chí bán bằng nửa giá trị thực cũng bán. Trong quan sát của ông thì tình trạng này có đúng như vậy?
Thực tế đúng như Bộ trưởng đã chia sẻ.
Khảo sát trong Hiệp hội của chúng tôi, có đến 50% các doanh nghiệp đã phải bán đi một nửa tài sản của mình, chủ yếu là hàng tồn kho, với giá thấp hơn giá trị thực từ 30-40%. Họ phải bán để có nguồn vốn duy trì hoạt động và buộc phải bán rẻ vì thị trường không cho phép bán ở giá mà họ mong muốn nữa. Mà đó là các doanh nghiệp có thể bán được tài sản, nhiều DN còn không thể bán được vì không có người mua.
Một yếu tố khiến cho doanh nghiệp phải bán rẻ tài sản còn đến từ việc thị trường chứng khoán lao dốc từ đầu năm 2022 khi các sai phạm về giao dịch chứng khoán và trái phiếu bị xử lý. Dù là doanh nghiệp tốt, giá trị của họ cũng bị kéo xuống. Họ bán tài sản để lấy tiền nhưng lúc này giá trị doanh nghiệp trên thị trường niêm yết chỉ còn một nửa, nên tài sản của họ cũng bị mua rẻ.
Khó khăn của doanh nghiệp càng nặng hơn khi quý cuối năm 2022, lãi suất tăng mạnh làm chi phí lãi vay ăn mòn hết lợi nhuận của doanh nghiệp. Nhưng có muốn vay mới cũng rất khó khi mà phương án kinh doanh của họ đều bị ngân hàng đánh giá là không khả thi.
Sau giai đoạn khó khăn nhất, hiện giờ hầu hết doanh nghiệp ở trạng thái cầm cự, tìm kiếm những ngành nghề mới, thị trường ngách và cố gắng hành động một cách linh hoạt.
Nhóm ngành nào đang khó khăn nhất và nhóm ngành nào đỡ khó hơn, thưa ông?
Từ cuối năm 2022 thì tất cả thị trường gần như đóng băng hết, đặc biệt là dệt may và da giày. Ở thời điểm đó, đơn hàng của nhóm này sụt giảm từ 40 – 55% và hầu như không có đơn hàng mới bởi vì các thị trường Châu Âu, Mỹ không ký tiếp.
Ví dụ với ngành dệt may, trước đây, với mỗi sản phẩm gia công có thể lãi từ 1-2USD nhưng bây giờ lãi rất mỏng, thậm chí không có đơn hàng mà làm. Qua các cuộc nói chuyện, doanh nghiệp cho biết người tiêu dùng Âu Mỹ giờ đã hạn chế tối đa nhu cầu quần áo, giày dép. Tuy nhiên, các lĩnh vực như y tế, thực phẩm vẫn còn nhu cầu bởi vì nó là thiết yếu.
Ông có thể chia sẻ về một số trường hợp phải bán tài sản giá rẻ không?
Tôi có biết một doanh nghiệp trong ngành gỗ, đã hoạt động 20 năm với nhà máy, xưởng và lực lượng công nhân rất lớn. Nhưng vừa qua họ phải bán rẻ tài sản, dù không đến mức bán hết nhưng đó đều là những tâm huyết và giá trị thương hiệu của họ.
Tôi thấy họ rất đau xót nhưng đó là hành động buộc phải làm để sống được cho đến khi có cơ hội mới phía trước.
Tâm lý các doanh nghiệp hiện nay là thiếu nguồn tiền, không vay được, hay là không thấy triển vọng kinh doanh để mà vay tiền mở rộng?
Có vài trường hợp.
Trường hợp thứ nhất, với doanh nghiệp vẫn có thị trường, có đơn hàng, có khách hàng, có nhà đầu tư thì vẫn tiếp tục vay. Bởi vì đối với họ thì thách thức, khó khăn của người khác lại là cơ hội để chiếm lĩnh thị trường. Những doanh nghiệp ấy – như tôi theo dõi – họ có quỹ trích lập dự phòng rủi ro hàng năm rất cao. Mỗi năm, họ thường trích 3-4% lợi nhuận để làm quỹ dự phòng. Trong giai đoạn thị trường phát triển, họ dùng tiền đó để đầu tư. Khị thị trường khó khăn, lại dùng phần đó để bù đắp chi phí.
Trường hợp thứ hai, doanh nghiệp đã mất thị trường. Khi đã mất thị trường thì phương án kinh doanh bị đánh giá là không khả thi, ngân hàng rất khó để cho vay dù DN có tài sản đảm bảo, thậm chí có 1 đơn vị nào đó đứng ra bảo lãnh.
Trường hợp thứ ba, doanh nghiệp vẫn vay làm vốn lưu động, trang trải các chi phí thường xuyên để giữ thị trường mà họ đang có – dù thị trường bị thu hẹp. DN ở trường hợp này có lẽ cần “xoay” nhiều cách, như mở rộng sang lĩnh vực khác để bù đắp vào việc hụt doanh thu từ mảng kinh doanh cốt lõi.
Còn lại những trường hợp mất thị trường mà cũng không có tài sản đảm bảo hết rồi, nợ xấu, nhảy nhóm nợ… thì nhìn chung là sắp giải thể, phá sản.
Một trường hợp nữa mà tôi để ý thấy hiện nay là những DN không muốn vay. Nếu đi vay, chi phí tài chính cao quá, ăn hết cả lợi nhuận. Họ bảo là “Thôi, vay làm gì nữa, cứ đợi lúc nào thị trường khả thi hơn,tức là đi vay với lãi suất trên 10% mà có khả năng tạo lợi nhuận thì hẵng vay”.
Doanh nghiệp có tiền để trích lập dự phòng rủi ro và bây giờ đang sống bằng tiền này là nhóm nào?
Đó là nhóm doanh nghiệp liên quan đến công nghệ. Đặc biệt trong 2 năm Covid, lợi nhuận nhóm DN công nghệ rất tốt. Bây giờ thị trường đi xuống, cạnh tranh hơn, nhưng họ vẫn có tiền.
Thậm chí dệt may và da giày cũng vẫn còn tiền dự trữ. Những ngành này không có lợi nhuận cao nhưng họ làm rất chắc. Ngành dược phẩm – tôi đánh giá là bài bản trong khâu quản trị, quản lý rủi ro.
Cuối năm trước, đầu năm nay, rất nhiều tổ chức cũng như lãnh đạo doanh nghiệp dự báo rằng nền kinh tế yếu trong nửa đầu năm 2023 và phục hồi trong quý 3, quý 4 năm nay. Ông nghĩ sao? Nếu nhiều người cùng chung dự báo như vậy, có khi nào việc đổ vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được đồng loạt kích hoạt trong 2 quý cuối năm hay không?
Tôi thấy khó.
Về mặt kỳ vọng, ai cũng mong muốn nền kinh tế sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay bởi vì thị trường đã giảm quá sâu rồi. Thế nhưng chúng ta thấy, đã sắp hết quý 2 nhưng chưa có tín hiệu khả quan.
Nếu như đầu năm nhiều người dự báo là phục hồi trong 2 quý cuối năm thì đến giờ, qua trao đổi, các DN dự báo đáy của thị trường sẽ rơi vào một nhịp nữa, khoảng tháng 6/2024. Sau đó, đầu năm 2025 sẽ phục hồi.
Cái khó cho dự báo phục hồi vào 2 quý cuối năm nay còn nằm ở việc các chính sách hỗ trợ như giảm thuế giá trị gia tăng hay tăng lương đến tháng 7 mới áp dụng. Theo tôi, nếu những chính sách đó đưa ra vào nhịp tháng 3 thì chúng ta mới có hy vọng là thị trường nội địa phục hồi từ tháng 7 trở đi. Bởi vì muốn kích cầu thì phải kích từ sớm, kích từ xa, kích đúng vào dịp nghỉ lễ, mua sắm như 30/4 – 1/5 chứ tháng 7 không rơi vào nhịp mua sắm nào cả.
Tại sao là tháng 3? Bởi vì vừa hết dịp Noel, vừa hết Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm tháng 1, tháng 2 đã đi xuống.
Tôi cũng đã đề xuất, việc giảm thuế nên xin ý kiến ở cấp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn nếu đưa vào dịp Quốc hội mỗi năm họp 2 lần, thì sẽ không thể nhanh và quyết sớm được trong khi đây là những quyết định sát sườn hàng ngày.
Vậy theo ông, khi các chính sách áp dụng từ tháng 7 thì thời điểm nào có thể thấy được hiệu quả?
Bộ trưởng Bộ Tài chính nói chỉ giảm một số loại thuế, phí đến 31/12/2023. Mà một chính sách chỉ có hiệu lực trong 6 tháng thì nói thật là rất khó đem lại hiệu quả đối với doanh nghiệp.
Chu kỳ vay vốn ngắn hạn của doanh nghiệp là 1 năm, trung hạn là 3 năm và dài hạn là 5 năm vì bài toán chiến lược cho hoạt động kinh doanh phải nằm trong các mốc thời gian như vậy.
Thế thì một chính sách chỉ áp dụng trong 6 tháng, không khớp với bài toán kinh doanh của doanh nghiệp, họ không thể tận dụng chính sách để đưa ra kế hoạch kinh doanh mới. Khảo sát của tôi trong 10 năm qua cho thấy rằng, khi chính sách hỗ trợ ở trong quãng ngắn thì hiệu quả đối với doanh nghiệp cũng rất thấp.
Nên chăng Bộ công bố chính sách theo lộ trình, ví dụ cho thuế giá trị gia tăng là giảm 4% trong vòng 6 tháng (từ 10% xuống 6%), 6 tháng sau, giảm 2% (10% xuống 8%). Như thế, doanh nghiệp toán được rằng, thời điểm này là nhập hàng để có nguồn nguyên liệu giá thấp, thời điểm này là sản xuất, bán hàng vào thời điểm này và các hoạt động như sale, về marketing, về truyền thông…
Ngân hàng nhà nước đã có động thái cắt giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay. Ông cho rằng sẽ có những tác động như thế nào đến các doanh nghiệp?
Với doanh nghiệp, được giảm lãi suất mang ý nghĩa quan trọng. Khi NHNN giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay cũng kỳ vọng sẽ giảm. Việc này có thể tạo ra một số tác động.
Thứ nhất, doanh nghiệp mạnh dạn vay khi lãi suất đã được giảm.
Thứ hai, thời điểm hạ lãi suất đúng vào thời điểm DN rất cần vốn để phục hồi, để duy trì.
Thứ ba, DN giảm chi phí tài chính. Với họ, lãi suất chỉ giảm từ 0,5 -1% đã là cực kỳ quan trọng.
Thứ tư, nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, bởi vì khi DN huy động vốn, họ có thể đảm bảo yếu tố thanh khoản ở trong chuỗi cung ứng, không nợ đọng với các nhà cung cấp hay nợ lương người lao động…
Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh sức cầu yếu như hiện nay, việc giảm lãi suất chưa tác động nhiều đến sức khỏe doanh nghiệp khi mà thị trường không có, đầu ra và đơn hàng chưa có thì doanh nghiệp cũng không biết vay tiền để làm gì. Ông có đồng tình?
Dĩ nhiên ở một mặt nào đó, khi tổng cầu giảm mạnh thì những người vay lẫn người cho vay đều bất lợi. Người đi vay để sản xuất nhưng không bán được hàng. Người cho vay không thu hồi được gốc và lãi.
Nhưng ý kiến này chỉ nằm ở một số các ngành, các lĩnh vực khác nhau chứ không đúng cho tất cả thị trường.
Như tôi đã chia sẻ, có những DN ở trong những ngành vẫn có thể phát triển, hay để duy trì hoạt động, họ vẫn muốn vay dù thời điểm này, việc mở rộng là khá khó khăn.
Dù sao đi nữa, câu chuyện thị trường là của thị trường, nhưng mỗi doanh nghiệp đều phải tự linh hoạt. Ví dụ trước đây họ vay để đầu tư vào sản phẩm thuộc phân khúc cao, thì bây giờ họ có thể phải chuyển xuống phân khúc thấp để phù hợp với nhu cầu thị trường hiện tại. Với một phương án kinh doanh khả thi hơn, ngân hàng sẽ đánh giá tốt hơn và cho vay được.
Trong các chính sách kích cầu, bên cạnh giảm thuế GTGT, tăng lương… ông cho rằng nên có chính sách gì khác?
Tôi cho rằng cần có chính sách hỗ trợ về thuế đất, đặc biệt ở các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, ở các nhà xưởng. Một là giảm, hai là giãn thời kì nộp.
Một đề xuất khác trong bối cảnh chúng ta đã ký kết rất nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương, đó là Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên có chính sách hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu, những mặt hàng truyền thống, mặt hàng chủ lực của các doanh nghiệp Việt Nam để mình tăng sự liên kết chuỗi.
Bên cạnh đó, phải tiếp tục rà soát, kiểm tra các thủ tục hành chính không để cản trở hoạt động kinh doanh.
Cảm ơn ông về những chia sẻ này!