Năm 2022, chủ sở hữu chuỗi lẩu nướng GoGi House, Manwah, Kichi Kichi, Vuvuzela… – Golden Gate ghi nhận một năm kinh doanh tăng trưởng kỷ lục cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
Cụ thể, Golden Gate ghi nhận doanh thu thuần đạt
6.965 tỷ đồng
(tương đương thu về hơn
19 tỷ đồng
mỗi ngày), gấp đôi năm 2021. Trừ đi các loại chi phí, ông lớn ngành F&B đạt
719 tỷ đồng
lợi nhuận trước thuế.
Tương ứng cứ mỗi 100 đồng doanh thu – không tính thuế giá trị gia tăng (VAT) – thì Golden Gate thu về 10,3 đồng lợi nhuận.
Trong 90 đồng chi phí, chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí nguyên vật liệu, với 36,7 đồng. Khoản mục lớn thứ 2 là chi phí liên quan đến nhân công, chiếm 22,1 đồng. Năm 2022, Golden Gate đã trả chi phí nhân công 1.543 tỷ, cao nhất từ khi hoạt động.
Khoản mục theo sau là chi phí thuê & sửa mặt bằng, chiếm 14 đồng. Trong đó bao gồm chi phí thuê cửa hàng, phân bổ chi phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, chi phí khấu hao và hao mòn tài sản cố định,…
Khác với nhiều doanh nghiệp F&B, chi phí quảng cáo mà Golden Gate bỏ ra nhìn chung không đáng kể. Tổng các loại chi phí còn lại như quảng cáo, chi phí dịch vụ mua ngoài, phân bổ lợi thế thương mại, phân bổ chi phí nhượng quyền lần đầu… chiếm 16 đồng.
Trong 10,3 đồng lợi nhuận, Golden Gate phải trích ra 0,8 đồng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn lại là 9,5 đồng lãi sau thuế.
Tính đến cuối tháng 12/2022, Golden Gate sở hữu 22 thương hiệu, gần 400 nhà hàng tại hơn 40 tỉnh, thành phố, phục vụ 18 triệu lượt khách mỗi năm.
Bên cạnh vận hành các chuỗi Gogi House, Kichi kichi, Manwah, Hutong, Sumo BBQ, K-Pub, Vuvuzela…, hồi tháng 2, Golden Gate đã xin ý kiến cổ đông để bổ sung ngành nghề kinh doanh như bán lẻ nhiều loại mặt hàng trong cửa hàng tiện lợi (minimarket), bán lẻ thực phẩm qua website và điện thoại.