Báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vừa công bố cho thấy, TMĐT nước trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Nếu như năm 2018, doanh thu TMĐT B2C Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019 đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD). Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020, và 16,4 tỷ USD năm 2022.
Đến năm 2023, con số này đã đạt 20,5 tỷ USD, tỷ trọng doanh thu TMĐT B2C chiếm khoảng 7,8 – 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
TMĐT B2C Việt Nam vượt mốc 20 tỷ USD trong năm 2023
Theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce), có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop), tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.
Tính đến tháng 12/2023 theo Statista, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.
Trong sự bùng nổ ấy, có nhiều hình thức mua sắm mới được phát triển mạnh mẽ, điển hình là xu hướng livestream (bán hàng phát trực tiếp) và bán hàng đa kênh đã đem lại doanh thu khổng lồ cho các nhà bán hàng chuyên nghiệp.
Có nhiều yếu tố thúc đẩy TMĐT tăng tốc: Thế hệ tiêu dùng mới Gen X, Gen Y và đặc biệt Gen Z trỗi dậy, dân số trẻ, số lượng người dùng điện thoại thông minh và Internet cao… Trong số đó, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi cũng là một trong số tác nhân thúc đẩy TMĐT mạnh mẽ.
Nghiên cứu mới nhất từ Visa cho thấy 56% người dùng Việt tham dự khảo sát đang ít mang theo tiền mặt hơn so với năm trước, thể hiện sự chủ động nắm bắt các công nghệ tài chính mới của người tiêu dùng. Đặc biệt, người dùng trẻ Gen X và Gen Y hiện đóng vai trò như thế hệ tiên phong thúc đẩy đà tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt, với 89% người tham gia khảo sát đã tiếp cận thành công các phương thức thanh toán kỹ thuật số trong đời sống hàng ngày.
Cũng theo Visa, bán lẻ là một trong những mảng thanh toán không tiền mặt phổ biến nhất. Hiện, Việt Nam góp mặt trong Top đầu những thị trường Đông Nam Á đón nhận đông đảo lượt người dùng mới sử dụng ví điện tử như một phương thức thanh toán yêu thích, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tài chính số. Báo cáo cũng cho thấy cứ 5 người thì có ít nhất 4 người tiêu dùng Việt sử dụng ví điện tử thường xuyên, trong đó phần lớn là thế hệ người dùng Gen X và nhóm tiêu dùng hạng sang.
Chia sẻ tại sự kiện mới đây tại Tp.HCM, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao – cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp phải biết tăng hiệu quả bán hàng qua các công cụ số.
“Thời gian qua, một nhóm những bạn chuyên đi khảo sát thị trường tiêu dùng trẻ cho biết, ngày nay khi được hỏi ‘Muốn gì? Quan tâm gì?’ thì đa số khách hàng trả lời là tìm kiếm sự tiện lợi, nhanh chóng”, bà Hạnh cho hay.
Theo bà, người tiêu dùng đang giành sự quan tâm đặc biệt cho mua sắm trực tuyến và các công cụ số. Chính điều này cũng lý giải cho việc “chốt đơn” trên nền tảng TikTok hay Facebook ngày càng rầm rộ thời gian qua.
Trong nhóm các doanh nghiệp của Hiệp hội, có đơn vị đã bỏ hẳn phương thức trước đây như tổ chức sự kiện TVC trên truyền hình (rất tốn tiền), để chuyển sang đầu tư kênh bán hàng thông qua mạng xã hội, TikTok hoặc qua sàn TMĐT. Thậm chí, doanh nghiệp còn mời luôn một ekip đầu não dạy cho họ biết cách làm TikTok Shop như thế nào.
“Có một thực tế hiện nay, nhà bán hàng không ai dám bỏ qua TikTok Shop”, đại diện Hiệp hội nhấn mạnh. Hiện nay, cạnh tranh bằng giá là cuộc đua xuống đáy, bên cạnh chất lượng phải đáng tiền thì hình thức tiếp cận khách hàng mới là 1 trong 2 yếu tố then chốt.
Nguồn tin: https://cafef.vn/205-ty-usd-doanh-thu-dua-tmdt-viet-nam-tang-truong-nhanh-nhat-the-gioi-nha-ban-hang-khong-ai-dam-bo-qua-tiktok-shop-188240329080630517.chn