Ngày 27/4/2023, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL, mã chứng khoán OIL) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023, thông qua kế hoạch kinh doanh thận trọng, với chỉ tiêu xuất bán kinh doanh dầu thô đạt 9.185 triệu tấn; sản xuất dầu mỡ nhờn đạt 484.000 tấn; kinh doanh xăng dầu là 3,3 triệu m3 tấn, tăng 5% so với kế hoạch năm 2022.
Với giá dầu thô kế hoạch là 70 USD/thùng, doanh thu hợp nhất năm 2023 mục tiêu 50.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất mục tiêu 600 tỷ đồng, tăng 20% so với kế hoạch năm 2022.
Kế hoạch được đưa ra trong môi trường kinh doanh dự báo còn nhiều biến động, nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái, nhu cầu tiêu thụ giảm, lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao, lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá dầu thô Brent theo dự báo của một số tổ chức uy tín dao động ở mức từ 85-100 USD/thùng. Ở trong nước tăng trưởng giảm mạnh.
Năm nay, PVOlL sẽ phát triển thêm 58 cửa hàng xăng dầu, nâng tổng số lên 700 cửa hàng xăng dầu trong hệ thống phân phối. Đặc biệt, Công ty cũng tiếp tục hợp tác với Vinfast trong triển khai các trụ sạc điện cho ô tô tại các cửa hàng xăng dầu PVOIL.
Kết thúc quý 1/2023, tổng doanh thu hợp nhất của PVOIL đạt 19.000 tỷ đồng, thực hiện 38% kế hoạch tổng doanh thu cả năm; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 209 tỷ đồng, bằng 44% kế hoạch cả năm. Trong đó, sản lượng tiêu thụ xăng dầu đạt 1,1 triệu m3 tấn, bằng 34% so với kế hoạch năm và tăng 27% so với cùng kỳ.
Về kết quả năm 2022, PVOIL cho biết 2022 là năm dị thường của thị trường xăng dầu khi 6 tháng đầu năm giá xăng dầu tăng đột biến trong khi 6 tháng cuối năm giảm đột ngột. Tuy nhiên, PVOIL đã ứng phó tốt với những biến động về giá dầu và nguồn cung trên thị trường, kết quả sản lượng đạt mức cao nhất trừ trước đến nay với hơn 4 triệu tấn xăng dầu, tăng 27% so với 2021.
Tương ứng, tổng doanh thu hợp nhất đạt 104.833 tỷ đồng, hoàn thành 233% kế hoạch và tăng trưởng 80% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 912 tỷ đồng, gấp 1,8 lần kế hoạch giao; lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 657 tỷ đồng, gấp 1,6 lần kế hoạch giao.
Nộp ngân sách nhà nước hợp nhất cả năm (không bao gồm số liệu nộp ngân sách của các đơn vị tại nước ngoài cho chính phủ nước sở tại) đạt 6.706 tỷ đồng, hoàn thành 79% kế hoạch năm và bằng 78% so với cùng kỳ (do Nhà nước giảm thuế bảo vệ môi trường).
Năm 2022, PVOIL đã phát triển mới 54 cửa hàng xăng dầu, nâng tổng số cửa hàng xăng dầu trong hệ thống lên 655 cửa hàng; 267 cửa hàng có kết hợp lắp đặt trụ sạc pin xe ô tô điện của Vinfast.
Thảo luận tại Đại hội:
1. Tại sao kế hoạch sản xuất kinh doanh cả năm 2023 khá thận trọng so với năm 2022?
Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương: Tăng trưởng sản lượng kinh doanh xăng dầu rất quan trọng với doanh nghiệp như PVOIL. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh doanh xăng dầu tại thị trường hiện nay, việc tăng trưởng sản lượng phải song hành với đảm bảo hiệu quả kinh doanh. PVOIL không tăng trưởng bằng mọi giá nên PVOIL đã đưa ra con số tăng trưởng sản lượng ở mức thận trọng.
Năm nay, Công ty sẽ tăng mua sản phẩm xăng dầu trong nước. Hiện, 70% nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước đến từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thuộc CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn – BSR (đơn vị thành viên PVN) và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn thuộc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), thực hiện phân phối các sản phẩm thông qua Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn (PVNDB, đơn vị trực thuộc PVN).
Tổng khối lượng xăng dầu PVOIL mua từ BSR và PVNDB chiếm tới 70-80% tổng nguồn hàng đầu vào của PVOIL, đóng một vai trò rất quan trọng giúp PVOIL. Việc mua xăng dầu từ các nhà máy trong nước có nhiều lợi thế hơn so với việc nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam. Cụ thể, phụ phí mua hàng (premium) từ nhà máy lọc dầu trong nước được BSR/PVNDB chào bán trên nguyên tắc phù hợp với thị trường và cạnh tranh với hàng nhập khẩu; khối lượng lô hàng nhận từ các nhà máy lọc dầu trong nước khá nhỏ nên có thể đưa trực tiếp về các kho tiêu thụ và thời gian nhận, đưa hàng về các kho của PVOIL ngắn hơn nhiều so với hàng nhập khẩu.
Trong khi đó, khối lượng của 1 lô hàng nhập khẩu thường lớn và không phải kho nào cũng tiếp nhận được, dẫn đến phát sinh thêm chi phi điều chuyển về các kho tiêu thụ. Do vậy, việc mua hàng từ các nhà máy trong nước giúp tiết giảm chi phí và giảm thiểu rủi ro biến động giá khi Nhà nước ngày càng rút ngắn chu kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước… Dự kiến trong 5 năm tới, PVOIL tiếp tục chú trọng mua xăng dầu sản phẩm từ hai nhà máy lọc dầu trong nước.
2. Hiệu quả của việc hợp tác giữa PVOIL và Vinfast trong phát triển các trụ sạc điện tại các cửa hàng xăng dầu trong hệ thống?
Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương: Xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới từ năng lượng hoá thạch truyền thống sang năng lượng sạch là tất yếu. Vì vậy, việc chủ động hợp tác với Vinfast trong xây trụ điện tại các cửa hàng xăng dầu sẽ mang đến các lợi ích cụ thể trong việc chia sẻ doanh thu trạm sạc, cho thuê diện tích mặt bằng, bảng hiệu quảng cáo…
3. Kế hoạch đưa cổ phiếu OIL lên sàn HoSE ?
Thành viên HĐQT Lê Văn Nghĩa: PVOIl đang nỗ lực đáp ứng các điều kiện chuyển cổ phiếu OIL từ UpCom sang niêm yết trên sàn chứng khoán. Ví dụ, ROE năm 2021 và 2022 đều đạt trên 5% theo quy định và với kế hoạch năm 2023, dự kiến ROE tiếp tục đạt trên 5%. Về điều kiện hết lỗ luỹ kế trên báo cáo sản xuất kinh doanh hợp nhất, đến 31/12/2022, con số này là 185 tỷ đồng. Nếu triển khai thành công kế hoạch sản xuất kinh doanh và tài chính năm 2023, PVOIL sẽ xử lý hết số lỗ luỹ kế.
Với điều kiện thứ ba “không còn điểm ngoại trừ trong BCTC kiểm toán”, PVOIL đang phối hợp chặt chẽ với PVN, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan để xử lý 3 điểm ngoại trừ tồn tại từ trước khi PVOIL chuyển sang CTCP.