Đáng lẽ lên chuyến bay cuối tuần về Hà Nội thăm gia đình, song ông Trần Văn Dai đã dời lại, để gặp gỡ và chia sẻ câu chuyện mới của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG): Câu chuyện liên quan đến mô hình nông nghiệp tuần hoàn 100% mà chính ông và một số cộng sự là người phát minh.
“Làm 2 năm ở HAGL, bầu Đức trả lương nhưng tôi từ chối. Tiền tôi không thiếu. Tại HAGL, tôi cảm thấy vui vì những cái mà xưa nay mình nghiên cứu, sáng chế đã được áp dụng và thành công.
Bầu Đức theo tôi đánh giá là một lãnh đạo rất biết lắng nghe, không dễ gì một ông chủ doanh nghiệp nào được như vậy. Trước kia, tôi từng làm cho một tập đoàn lớn (không tiện nêu tên), cũng là một trong số ít những người Việt Nam làm việc cho đội ngũ dinh dưỡng ở Tập đoàn CP. Nhưng đến nay, vẫn rất ít người tin rằng dân mình có năng lực làm về dinh dưỡng”, ông Dai chia sẻ.
Được biết, ông Trần Văn Dai mệnh danh là “công thần” của HAGL với thành công ở công thức cám với 35-40% từ chuối, giúp HAGL tiết kiệm đáng kể chi phí chăn nuôi, không phụ thuộc vào giá cả thị trường đồng thời ra mắt được thương hiệu thịt riêng Bapi – Heo ăn chuối HAGL.
Hiện, ông Dai đang là người quản lý các cụm chuồng chăn nuôi của HAGL. “Hiếm có ông lãnh đạo nào đi máy bay hạng thương gia, có xe riêng đưa đón nhưng buổi tối thay vì ngủ khách sạn 5 sao, thì lại đi về thẳng chuồng heo”, bầu Đức dí dỏm, cũng là cách ông cho thấy sự sát sao của ông Dai cho mảng chăn nuôi của HAGL.
Trước kia, khi chưa biết dùng chuối để sản xuất thức ăn chăn nuôi, mỗi năm HAGL thải ra hàng trăm tấn chuối khiến Công ty không chỉ mất tiền, mà còn tốn kém trong việc xử lý để không ảnh hưởng đến môi trường. Có người hỏi “Tại sao HAGL không bán ra ngoài?”, ông Dai cho biết bởi số lượng quá lớn mà bán thì không có giá, chưa kể bán kiểu vậy còn ảnh hưởng ngược lại đến sản phẩm chuối HAGL (đạt tiêu chuẩn) đang bán ra thị trường.
Xuất phát từ mục đích làm gì để tận dụng được số chuối này, HAGL đã tìm đến ông Dai và từ đó Heo ăn chuối ra đời. Trong lần chia sẻ đầu tiên tại Tp. Đà Nẵng vào tháng 8 năm ngoái, ông Dai từng cho biết sẽ tiếp nối thành công để cho ra mắt Gà ăn chuối, hay các sản phẩm dinh dưỡng cho cầu thủ từ chuối.
Tuy nhiên, đến nay thí điểm nuôi gà theo HAGL chưa cho hiệu quả như mong đợi, nên Công ty không đẩy mạnh mảng chăn nuôi gà theo công thức cám riêng biệt.
Ngược lại, cũng manh nha từ nghi vấn “Làm sao để giảm được chi phí xử lý và tận dụng được những chất thải chăn nuôi”, HAGL tiếp tục phát minh ra mô hình mới. Theo đó, toàn bộ chất thải từ các cụm chuồng sẽ được HAGL gom lại và tận dụng để làm phân bón.
Thoạt nghe, mô hình này tương tự “vườn ao chuồng” mà xưa nay nông dân Việt Nam hay áp dụng, song không phải vậy. Với “vườn ao chuồng”, chất thải từ chăn nuôi được trữ trong ao, điều này gây ô nhiễm trực tiếp đến môi trường. Còn với HAGL, chất thải sau khi thải ra sẽ được xử lý sinh học, sau đó bón lại cho vườn chuối (thiết kế hiện nay mỗi cụm chăn nuôi gần một vườn chuối).
Hơn thế, HAGL cũng đã có cách xử lý heo chết . “ Xưa HAGL chỉ dừng ở tuần hoàn heo ăn chuối . Và nuôi heo phải có heo chết , trong đó tỷ lệ chết của heo từ 1 ngày tuổi đến khi xuất chuồng (26 ngày tuổi) lên đến 15% , con số này đã là thành công lắm rồi. Trước kia, heo chết sẽ dùng cho cá ăn, nhưng nhiều quá không xử lý nổi và cũng không triệt để, do đó HAGL đã nghiên cứu ra chương trình thuỷ phân . HAGL có mời các chuyên gia vào, và tìm cách thuỷ phân những gì thải b ỏ” , ông Dai cho biết.
Từ chối chia sẻ sâu vì là bí mật kinh doanh, tuy nhiên “công thần” HAGL khẳng định quy trình xử lý gần như an toàn, khi ra thành phẩm thì gia cố thêm và từ đó cho ra phân bón. Công trình có sự tham gia của một Giảng viên Đại học Nông lâm.
Động thái này của HAGL cũng diễn ra trong bối cảnh quy định mới đã cho phép sử dụng lại chất thải đã xử lý từ chăn nuôi (có hiệu lực từ ngày 1/7/2023). Thực tế, việc xử lý heo chết bằng công nghệ thuỷ phân không mới, đã được Israel sử dụng cả thập kỷ qua.
Có thể hiểu nôm na, phân bón bình thường đang sử dụng là đạm, thì phân giờ đây còn có thể dưới dạng axit amin, dễ hấp thu và xịt trực tiếp lên lá. Bên cạnh tận dụng chất thải để cho ra phân bón cho cây chuối, HAGL cũng dùng nhau heo (heo mẹ sau khi sinh) với rất nhiều dinh dưỡng để xử lý, đưa công nghệ vào và cho ra dạng phân bón axit amin, dùng cho cây sầu riêng để tăng năng suất.
Theo ông Dai, phân tưới dạng axit amin không mới, nhưng hiện nay trên thị trường có giá rất đắt đỏ mà không phải đơn vị nào cũng sử dụng được. Còn với HAGL, lợi thế ngược lại từ việc nuôi heo số lượng lớn, tận dụng chất thải cũng lớn và xử lý, từ đó ra được phân bón riêng của Công ty.
Như vậy, HAGL hiện theo bầu Đức có thể nói là nông nghiệp tuần hoàn 100%, tức không một giọt thải ra ngoài. Tận dụng chuối thải từ xuất khẩu để nuôi heo, nay Công ty còn tận dụng được chất thải từ chăn nuôi để chăm bón ngược lại cho chuối . Đây cũng là giai đoạn mà bầu Đức, có thể nói, là tìm được công thức làm nông nghiệp.
“7 năm qua tôi đã trồng chặt nhiều loại nên đương nhiên xã hội người ta nhìn mình với đôi mắt thất bại. Nhưng tôi vẫn quyết tâm làm và đến năm ngoái thì tôi khẳng định, không thể thất bại được nữa. Năm 2022 cực khó nhưng tôi vẫn kiếm được hơn ngàn tỷ lời từ heo, chuối. Năm nay cũng không dở đâu. Từ năm sau, chắc chắn lãi sẽ gấp 3 lần như thế. Quan trọng đến được đoạn này là nông nghiệp sẽ bền vững cực luôn, không nghề nào bền vững bằng đâu. Vì nền tảng có rồi, chỉ thu hoạch thôi”, bầu Đức tự tin nói.