Ngày 25-4, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết lực lượng QLTT TP Hà Nội vừa phối hợp với đơn vị chức năng trên địa bàn kiểm tra, phát hiện và thu giữ gần 9.400 hộp kem sữa đặc do nước ngoài sản xuất quá hạn sử dụng, dùng để sản xuất kem.
Cụ thể, số hàng hoá trên được phát hiện tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10 (ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) do bà Phạm Thị Ngạn làm Giám đốc.
Thời điểm kiểm tra chiều 25-4, ngoài 9.400 hộp kem sữa đặc (gần 10 tấn), lực lượng chức năng còn phát hiện 30.000 cây kem thành phẩm trên bao bì ghi “Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10”.
Làm việc với lực lượng chức năng, bà Phạm Thị Ngạn thừa nhận số hàng 9.400 hộp kem sữa đặc nêu trên trên được bà mua về để làm nguyên liệu sản xuất kem.
Thông tin trên đã khiến nhiều người bàn tán và lo ngại vì kem Tràng Tiền là một sản phẩm rất quen thuộc với người tiêu dùng, đặc biệt ở khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, do thương hiệu kem Tràng Tiền quá nổi tiếng nên trên thị trường tràn ngập những sản phẩm kem mang tên Tràng Tiền khiến người tiêu dùng bối rối.
Kem Tràng Tiền thành lập năm 1958. Tên gọi cũng chính là nơi đầu tiên kem được bán và sản xuất – phố “Tràng Tiền”. Từ đó tới nay, qua bao thăng trầm cùng sự phát triển của thời đại, Kem Tràng Tiền vẫn đang tồn tại và tiếp tục phát triển tại số 35 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Với những người không thể đến trực tiếp địa chỉ 35 Tràng Tiền có thể mua kem Tràng Tiền từ các đại lý, cửa hàng trong cả nước. Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm kem sử dụng nhãn hiệu “Tràng Tiền” na ná nhau, dễ gây nhầm lẫn như Tràng Tiền số 1, kem Tràng Tiền số 10, kem Tràng Tiền Plaza, Kem 35 của CTCP Tràng Tiền Tràng Tiền 35,…
Những sản phẩm này đến từ nhiều doanh nghiệp khác nhau với đặc điểm chung là có các dòng kem quen thuộc như đậu xanh, sữa dừa, ốc quế,… nhưng đều không phải là sản phẩm ở cùng địa chỉ 35 Tràng Tiền.
Kem Tràng Tiền chính gốc chỉ có một và hiện đang được sở hữu và kinh doanh bởi Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền theo ĐKKD số 0104156185 bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp ngày 10/09/2009.
Quay lại thông tin về vụ việc bắt giữ lô nguyên liệu quá hạn, đối với 30.000 cây kem thành phẩm, Giám đốc Công ty Kem Tràng Tiền số 10 cho biết vừa sản xuất trong ngày và dùng nguyên liệu từ lô kem sữa hết hạn sử dụng trên. Theo chủ cơ sở, kem thành phẩm sẽ được bán ra thị trường với giá 1.800 đồng /cây kem.
Trong khi đó, nếu so sánh, một cây kem sữa dừa của Kem Tràng Tiền “chính gốc” được niêm yết trên webiste có giá 12.000 đồng /sản phẩm, tức đắt gấp gần 7 lần kem Tràng Tiền số 10 nói trên. Mức giá bán và chênh lệch này tương tự với kem que đậu xanh, khoai môn, cốm,…
Sự nổi tiếng của thương hiệu Kem Tràng Tiền đi kèm với tình cảnh cạnh tranh từ quá nhiều sản phẩm “na ná” trên thị trường, trong khi bao bì cũ khá đơn giản và dễ gây nhầm lẫn, nên vào cuối tháng 5 năm 2020, sau hơn 60 năm dài phát triển, Kem Tràng Tiền đã có một diện mạo hoàn toàn mới đi kèm với một slogan thể hiện đúng nhất tinh thần của thương hiệu này: “Hương vị vượt thời gian”.
Logo mới của Kem Tràng Tiền với hình ảnh nổi bật là cây kem que, xung quanh là hình ảnh cách điệu từ mái vòm của tòa nhà Kem Tràng Tiền cùng dòng chữ “Kem Tràng Tiền since 1958”.
Bao bì được làm từ giấy kraft, có mã QR và dấu đóng thương hiệu độc quyền.