Kỳ lạ cá mọc lông ở Mỹ
Vào năm 2017, một số trang tin như Gazette, Vintage News đăng tải thông tin một người đàn ông ở Mỹ đã câu được một con cá mình đầy lông lá sống ở hồ Michigan vùng Wisconsin. Điểm kỳ lạ là con cá này trừ phần đầu ra thì toàn bộ cơ thể đều mọc lông trắng như thỏ.
Trước đó, vào thế kỉ 17, một người dân di cư từ Scotland sang Mỹ đã từng viết trong thư: “Miền đất mới này có rất nhiều con cá mọc lông trên thân”. Sau đó, nội dung bức thư này được nhiều người biết đến và họ đã đặt tên cho loài cá lông lá này là Fur Bearing Trout.
Ngay sau khi thông tin này xuất hiện, nhiều giả thuyết đã được đưa ra tranh luận. Nhiều người cho rằng do thời tiết ở Bắc Mỹ quá lạnh nên cá hồi phát triển thêm bộ lông dầy để giữ cho nhiệt độ. Một số khác thì cho rằng do chính phủ cho rắc một số hóa chất để phục hồi lượng tảo và rêu trong các hồ nước dẫn đến việc cá hồi bị mọc lông trên cơ thể. Cũng có người lại cho rằng, một số loài vi khuẩn và nấm mốc phát triển trong cơ thể loài cá hồi và phát triển ra ngoài giống như lông mao trên cơ thể.
Tuy nhiên, hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác khiến cho những con cá này mọc lông.
Loài cá có lông độc đáo ở Việt Nam
Trên thực tế, một loài cá ở Việt Nam có lông như động vật. Đó là loài bò biển. Theo báo An ninh thủ đô, bò biển, còn gọi là cá cúi, cá nàng tiên hay dugon (Dugong dugon) là một loài vật độc đáo và quý hiếm sinh sống ở các vùng cận duyên biển nhiệt đới.
Ở Việt Nam có 2 khu vực phù hợp để bò biển sinh sống là vùng biển Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và vùng biển Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Ở trên thế giới, bò biển phân bố ở các vùng ven biển cận duyên nhiệt đới và bán nhiệt đới từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, bao trùm 37 quốc gia. Eo biển Torres ở châu Úc là địa bàn tập trung đông đảo nhất, với hơn 10.000 con bò biển sinh sống.
Bò biển có tên khoa học là Dugong Dugon, thuộc họ Cá cúi (Dugongidae), bộ Hải ngưu (Sirenia) mà ngày nay chỉ còn bốn loài sinh tồn trên thế giới.
Theo Người đưa tin, bò biển có thân hình con thoi. Tuy sống dưới nước, sở hữu chiếc đuôi giống cá heo, nhưng chúng lại không có vây lưng. Ðuôi dạng vây nằm ngang, chi trước có hình mái chèo, dùng để chuyển hướng khi bơi và cũng dùng để “bồng” con cho bú giống như người. Vì vậy, trước đây chúng còn được gọi là người cá. Nhiều nhà khoa học tin rằng bò biển chính là nguyên mẫu của nàng tiên cá, mỹ nhân ngư trong truyền thuyết.
Bò biển trưởng thành có thể dài tới 3 mét và nặng khoảng 600 – 700kg. Chúng có hai răng cửa, ba răng tiền hàm và ba răng hàm ở mỗi bên của hàm trên, và ba răng cửa, một răng nanh, ba răng tiền hàm và ba răng hàm ở mỗi bên của hàm dưới.
Chúng thường bơi ở tầng nước sâu từ 2 đến 10 mét nhưng không thể lặn trong nước quá lâu. Cứ 1-2 phút chúng lại ngoi lên vài giây để thở và thường phát ra âm thanh nghe giống như tiếng hú.
Thông tin từ VTC News, bò biển có thời gian mang thai lên đến 13 tháng 10 ngày, mỗi lần hạ sinh một con. Con 18 tháng mới ngừng bú. Vì thời gian nuôi con khá lâu, tốc độ sinh sản của cá cúi khá thấp. Trung bình thì 2,5 đến 7 năm cá cúi mới đẻ một lứa.
Mang thân hình to lớn, cồng kềnh, thoạt nhìn rất dữ tợn, nhưng bò biển lại là loài chuyên ăn thực vật. Chúng sở hữu lớp mỡ rất dày, lại có thêm một lớp lông ngắn thưa thớt bên ngoài nên có thể cảm nhận môi trường xung quanh rất tốt.
Thị lực của bò biển rất kém, nhưng khứu giác của nó rất nhạy bén. Môi rất dày, lởm chởm râu cứng. Chúng thường dùng môi ngoạm lấy rong biển ở dưới đáy biển để ăn. Con đực đôi khi mọc răng dài tương tự như ngà. Chúng có hàm răng rộng và bằng phẳng, thích hợp cho việc ăn tảo.
Tuy nhiên vì thức ăn là thực vật thường kém chất bổ nên loài cá cúi có hệ thống tiêu hóa rất dài (45m) để hấp thụ tối đa các chất dinh dưỡng. Dạ dày của chúng giống dạ dày của loài bò trên cạn. Các nhà khoa học cho rằng, điều này chứng tỏ xuất xứ xa xưa của cá cúi là động vật ăn cỏ trên cạn. Sau đó vì lí do nào đó mà di chuyển xuống biển sinh sống.
Khu Bảo tồn thiên nhiên biển Phú Quốc dẫn nguồn từ kết quả điều tra của Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF), Việt Nam còn khoảng 100 con bò biển. Trong đó, vùng biển Côn Đảo có khoảng 10 con, còn lại là ở vùng biển Phú Quốc.
Bò biển được xếp ở mức cực kỳ nguy cấp, đe dọa tuyệt chủng trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Do di chuyển chậm chạp và thân hình to lớn, loài bò biển thường dễ bị mắc vào lưới đánh cá của ngư dân. Bên cạnh đó, cá cúi cũng bị săn bắt để lấy thịt, da làm thức ăn và răng làm thuốc chữa bệnh hoặc đồ trang sức.
Ngoài ra, sự bùng nổ của du lịch và nhất là việc khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt (dùng thuốc nổ, chất độc), nạo vét kênh rạch, xây dựng các bến cá cầu cảng và nhất là việc xả thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp làm môi trường biển bị ô nhiễm cũng là nguyên nhân suy giảm loài bò biển… Thêm vào đó, diện tích cỏ biển thu hẹp dần, lá cỏ biển luôn bị lớp trầm tích, tảo và động vật phủ bám khiến cỏ biển quang hợp kém và suy thoái đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quần thể bò biển.
Cuối năm 2015, Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới đã phối hợp với Khu bảo tồn biển Phú Quốc tổ chức ngày hội bảo vệ bò biển nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ loài động vật biển quý hiếm này.
Nguồn tin: https://genk.vn/doc-la-loai-ca-co-long-nhu-dong-vat-viet-nam-chi-2-noi-tim-thay-so-luong-chua-toi-100-con-20240406112143464.chn