Trên thực tế, ở bang New South Wales (NSW) thuộc phía đông nam nước Úc, ước tính có khoảng 17.432 con ngựa hoang đang sống lang thang tại vườn quốc gia Kosciuszko rộng tới 6.734 km2.
Để giảm số lượng ngựa hoang xuống còn 3.000 con vào tháng 6/2027 theo luật định, chính quyền bang New South Wales đang lên kế hoạch tiến hành một cuộc xử bắn đàn ngựa hoang từ trực thăng.
Sở dĩ chính quyền địa phương lên kế hoạch tiêu diệt 14.000 con ngựa hoang vì đây được cho là loài vật xâm hại ở Úc với tổng số lượng lên tới 400.000 cá thể trên khắp cả nước. Loài vật xâm hại này được cho là có dòng dõi từ ngựa do những người định cư châu Âu mang tới Úc.
Theo bà Maggie J. Watson, giảng viên cao cấp về điểu học và động vật học tại ĐH Charles Sturt (Úc), ngựa hoang lần đầu tiên đến Úc vào năm 1788. Sau đó, chúng được ghi nhận lần đầu tại vùng thuộc dãy Alps của Úc vào những năm 1830. Quần thể ngựa hhoang này bị coi là loài gây hại vì chúng bị coi là đối thủ cạnh tranh giành cỏ của cừu và nhiều gia súc.
Theo Hội đồng các loài xâm hại, những con ngựa hoang này tăng nhanh về số lượng và gây ra mối đe dọa cho hệ sinh thái địa phương thông qua việc chúng gặm cỏ, giẫm đạp nền đất và những loài thực vật bản địa, đặc biệt là ở dãy Alps của Úc.
Tại vườn quốc gia Kosciuszko, theo khảo sát của Cơ quan vườn quốc gia và động vật hoang dã New South Wales ước tính, có khoảng 14.501 – 23.535 con ngựa vào năm 2022. Tuy nhiên, con số này có sự thay đổi trong khảo sát năm 2023 là 12.934 – 22.536 con ngựa. Trước đó, theo ghi nhận của khảo sát, chỉ có khoảng 6.000 con ngựa hoang ở trong vườn quốc gia này vào năm 2016.
Biện pháp khả thi nhất để tiêu diệt ngựa hoang
Trong nhiều năm qua, chính quyền bang New South Wales từng sử dụng nhiều biện pháp để làm giảm số lượng ngựa hoang, chẳng hạn như đặt bẫy, chuyển chỗ, gây mê và bắn hạ trên mặt đất. Tuy nhiên, những phương pháp này đều không thành công trong việc làm giảm mạnh số lượng của ngựa hoang. Hơn nữa, việc đặt bẫy cũng được coi là tốn kém và vô nhân đạo, vì những con ngựa bị vận chuyển trên một quãng đường dài và cuối cùng bị đưa vào lò mổ.
Biện pháp chuyển chỗ ở cũng chỉ có hiệu quả đối với một số lượng ít ngựa. Ngược lại, với quần thể ngựa lớn, việc này vừa đòi hỏi nhiều công sức của các tình nguyện viên vừa tốn kém.
Với những hạn chế trên, chính quyền bang New South Wales hy vọng biện pháp bắn súng từ trực thăng sẽ giúp làm giảm đáng kể quần thể ngựa hoang. Sử dụng trực thăng để tiêu diệt hàng nghìn con ngựa hoang là hiệu quả nhất bởi vùng núi nơi chúng sinh sống có ít đường và ít lối đi nên việc đưa người đến bắn là điều gần như bất khả thi.
Mặt khác, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng chính quyền bang New South Wales sẽ không thể đáp ứng được mục tiêu 3.000 con ngựa vào giữa năm 2027 nếu đi theo những cách làm hiện nay mà không tiến hành bắn súng từ trên cao.
Thực tế trong tháng 11 vừa qua, có khoảng 270 con ngựa hoang đã bị bắn trong hai ngày diễn ra chương trình bắn súng từ trên cao. Kết quả này khả quan hơn nhiều so với 99 con ngựa bị dính bẫy năm 2019 – 2020 và 787 con vào năm 2020- 2021.
Trong chương trình bắn súng từ trên cao này, các nhà chức trách sẽ huy động hai chiếc trực thăng, trong đó mỗi chiếc đều có một bác sĩ thú y. Thông cáo của chính quyền bang cũng cho biết thêm, những con ngựa bị trúng đạn chết nhanh chóng và không phải chịu đau đớn nhiều. Ngoài ra, tất cả số ngựa hoang bị bắn đều được các bác sĩ thú ý đánh giá cẩn thẩn.
Ông Jack Gough, giám đốc tại Hội đồng các loài xâm hại, cho biết: “ Không ai muốn chứng kiến động vật bị giết, nhưng thực tế đáng buồn là chúng ta phải lựa chọn giữa việc giảm khẩn cấp số lượng ngựa hoang hoặc chấp nhận hệ sinh thái, môi trường sống nhạy cảm tại vùng núi cao bị phá hủy, khiến cho động vật bản xứ bị suy giảm và tuyệt chủng.
Việc tiêu hủy những con ngựa hoang bằng các tay súng được huấn luyện bài bản là cách khả thi duy nhất để làm giảm số lượng ngựa, cứu vườn quốc gia và các loài động vật bản xứ đang sống ở đó ”.
Kế hoạch tiêu diệt 14.000 con ngựa hoang bằng cách bắn súng từ trên cao cũng phần lớn nhận được sự ủng hộ của người dân địa phương.