Giảm cân luôn là một hành trình đầy thử thách. Đối với nhiều người, đó là sự kết hợp giữa ăn kiêng khắt khe, luyện tập liên tục hoặc dùng thuốc với vô số tác dụng phụ. Nhưng nếu giải pháp nằm sâu trong chính tế bào của chúng ta thì sao?
Các nhà khoa học tại Viện Khoa học Weizmann (Israel) vừa công bố một nghiên cứu mới, cho thấy việc “tắt” một loại protein tên là MTCH2 – biệt danh là Mitch – có thể giúp tăng tốc độ đốt cháy chất béo và carbohydrate, ngăn cơ thể tạo ra tế bào mỡ mới. Trên chuột thí nghiệm, kết quả rất đáng kinh ngạc: dù ăn chế độ nhiều chất béo và không tập luyện, những con chuột thiếu Mitch vẫn giữ vóc dáng thon gọn, thậm chí còn có sức bền và thể lực vượt trội.
Nghiên cứu mới cho thấy hiệu ứng này không chỉ dừng ở chuột. Khi loại bỏ Mitch khỏi tế bào người trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy tốc độ trao đổi chất tăng lên rõ rệt, khả năng tạo năng lượng từ chất dinh dưỡng cũng tăng – đồng nghĩa với việc chất béo được “đốt” nhanh hơn, và ít có cơ hội tích tụ.
Ngoài vai trò trong trao đổi chất, Mitch còn là nhân tố then chốt trong việc duy trì mạng lưới ty thể – “nhà máy năng lượng” của tế bào – cũng như quá trình phân hóa tế bào mỡ từ các tế bào gốc. Khi thiếu Mitch, các tế bào gốc không thể chuyển hóa thành tế bào mỡ, làm giảm khả năng tích trữ chất béo.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cảnh báo không nên quá vội vàng lạc quan. Trong một nghiên cứu trước đó vào năm 2017, việc loại bỏ Mitch được cho là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng não bộ, bao gồm trí nhớ không gian và khả năng học tập, thậm chí liên quan đến Alzheimer. Do đó, việc can thiệp Mitch ở người – nếu có – sẽ cần được đánh giá rất cẩn trọng.
Dù chưa thể áp dụng ngay trong điều trị, phát hiện này vẫn là một bước tiến quan trọng trong việc hiểu rõ hơn cơ chế tích mỡ và béo phì ở cấp độ tế bào. Theo nhóm tác giả, Mitch có thể chính là “người gác cổng” quyết định số phận của chất béo trong cơ thể con người.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí khoa học The EMBO Journal.
Anh Việt
Nguồn tin: https://genk.vn/vi-sao-chi-can-tat-protein-nay-te-bao-nguoi-co-the-mien-nhiem-voi-beo-phi-20250510103747616.chn