Khi Death Stranding ra mắt lần đầu vào năm 2019, nó nhanh chóng trở thành một trong những tựa game gây tranh cãi nhất trong sự nghiệp của Hideo Kojima. Đối với nhiều người, đây là một game “mô phỏng đi bộ” nhàm chán, khó tiếp cận và tôi là một trong số đó. Những giờ đầu tiên của Death Stranding dài đằng đẵng, làm không ít game thủ cảm thấy bối rối khi mà phần lớn thời gian bạn chỉ… mang vác đồ và đi bộ.
Vậy mà Death Stranding 2: On the Beach đã khiến tôi thay đổi. Bắt đầu hành trình “ship hàng” khi chưa hoàn thành phần 1 và chẳng kỳ vọng gì nhiều từ phần hai. Thật lòng, khi bắt đầu tôi gần như… ngán ngẩm trước viễn cảnh lại phải “đi bộ xuyên lục địa”. Nhưng điều kỳ lạ là chỉ sau vài giờ đầu tiên, tôi bị cuốn vào thế giới đó.
Hideo Kojima có lẽ sẽ không thích, nhưng Death Stranding 2 thật sự đã ít kén người chơi hơn.
Đây dường như là cảm nhận chung của nhiều game thủ: Death Stranding 2 dễ tiếp cận hơn hẳn phần 1, và điều này có thể khiến Hideo Kojima kém vui bởi ông từng tuyên bố muốn Death Stranding 2 gây tranh cãi hơn nữa trong quá trình thử nghiệm game.
Câu chuyện hậu tận thế: Một lần nữa nối lại những đứt gãy
Do chưa hoàn thành phần 1 (và cũng không muốn chơi lại), nên tôi tham khảo các video tóm tắt cốt truyện để hiểu thêm những gì đã xảy ra. Lấy bối cảnh vài năm sau phần đầu tiên, D eath Stranding 2 đưa người chơi trở lại với Sam Porter Bridges, do diễn viên Norman Reedus thủ vai – người vận chuyển huyền thoại từng nối lại nước Mỹ sau biến cố “Death Stranding”.
Game thủ sẽ bị cuốn hút ngay từ khung cảnh đầu tiên.
Sam và bé Lou (BB-28) giờ đang sống tại một nơi ẩn dật ở Mexico, Death Stranding 2 mở đầu bằng một khung cảnh tuyệt đẹp đến choáng ngợp: những dãy núi hoang sơ nơi miền bắc Mexico hiện ra hùng vĩ, tĩnh lặng dưới ánh sáng chạng vạng. Và rồi, Sam xuất hiện cùng bé Lou trong vòng tay. Khi chính thức được điều khiển nhân vật, cảm giác sửng sốt vẫn chưa hề tan biến. Việc một trò chơi có thể hiển thị đồ họa đẹp đến mức ấy, lại hoàn toàn theo thời gian thực, sẽ là ấn tượng hình ảnh kéo dài suốt game. Đây là một trong những game đẹp nhất từng được tạo ra.
Tất nhiên, các game đồ hoạ khủng khác chạy trên PC có GPU cao cấp vẫn hơn một bậc về độ chân thật, nhưng xét về tính nghệ thuật thì Death Stranding 2 quả thật ở một đẳng cấp rất cao, đặc biệt khi xét đến việc game chạy rất ổn định trên cả chiếc PS5 tiêu chuẩn giá 500 USD, studio Kojima Productions quả thật đã tối ưu rất tốt Decima engine.
Chuyến hành trình của Sam luôn gắn liền với những khung cảnh hùng vĩ.
Khi điều khiển Sam đi xuống căn hầm trú ẩn đầu game, có lẽ những ai không thích phần 1 sẽ cảm thấy chút lo lắng. Mọi thứ lúc ấy rất giống với Death Stranding 1 – bước đi chậm rãi, thao tác tỉ mỉ, đôi khi hơi bực mình. Cảm giác đó khiến tôi sợ rằng mình lại đang bước vào một trải nghiệm cũ kỹ, lặp lại. Nhưng thật may, mọi thứ đã nhanh chóng thay đổi. Càng đi sâu vào, Death Stranding 2 dần hé lộ những cơ chế gameplay mới và cách tiếp cận khác biệt.
Combat từng là điểm yếu rõ rệt của Death Stranding phần đầu. Trước tiên là người chơi mất rất nhiều thời gian để có thể trải nghiệm chiến đấu và cũng là thứ khiến nhiều người cảm thấy chán nản. Nhịp độ của phần 2 được cải tiến, ngay từ giờ đầu tiên là bạn đã được trao vũ khí, có thể vào trại địch ngay lập tức nếu muốn.
Người chơi được giao vũ khí ngay trong nhiệm vụ giao hàng đầu tiên.
Sau đó, hệ thống combat của phần 1 cũng bị nhiều người chê là lỏng lẻo, thiếu sức nặng, như thể chỉ được thêm vào để “cho có”. Nhưng phần hai đã cải thiện. Với thiết kế kẻ địch đa dạng hơn, kho vũ khí phong phú và những kỹ năng cận chiến mới được bổ sung, hệ thống chiến đấu dù vẫn chưa thể bằng những game thuần bắn súng góc nhìn thứ ba nhưng giờ “đã tay” hơn rất nhiều.
Các trận boss vẫn mang phong cách “rất Kojima”. Thậm chí có lúc nhân vật nhìn thẳng vào camera và nói thẳng: “Sắp đến cảnh đánh boss rồi đấy”, hoặc “Đoạn cắt cảnh dài đang đến”. Và một chút spoiler nhỏ là trận đấu boss đầu tiên diễn ra rất sớm, chỉ khoảng 2-3 giờ là đến. Điều này giúp đẩy nhịp độ game lên nhanh hơn, combat diễn ra xen kẽ giữa các lần giao hàng.
Con boss đầu tiên của game.
Tuy nhiên, vẫn có một điểm tôi thấy hơi bất tiện: Death Stranding 2 sử dụng khá nhiều hiệu ứng slow motion trong các pha chiến đấu. Dù những pha làm chậm này giúp tôn lên phong cách điện ảnh, đôi lúc chúng lại khiến tiết tấu trận đấu bị ngắt quãng, nhất là trong các phân đoạn cận chiến hoặc khi phải đối mặt với nhiều kẻ địch liên tục. Với những ai thích lối chơi liền mạch và nhịp độ nhanh, chi tiết này có thể trở thành yếu tố gây khó chịu.
Khi “ship hàng” trở thành một nghệ thuật
Dù hệ thống chiến đấu đã được cải thiện, bạn cũng không bị buộc phải tham gia mọi trận chiến khi thấy kẻ địch. Tuy khó có thể tránh hoàn toàn các tình huống xung đột, nhưng phần lớn thời lượng game lại nằm ở khía cạnh khác – thứ khiến Death Stranding 2 khác biệt: di chuyển và khám phá. Có lẽ vì thế mà nhiều người vẫn gọi đây là “walking simulator” – game mô phỏng đi bộ, nơi bạn chỉ việc đi, nghe nhân vật trò chuyện và thưởng thức bữa tiệc hình ảnh, âm nhạc. Nhưng mô tả như vậy với phần 2 là quá đơn giản.
Cũng như phần đầu, người chơi sẽ di chuyển rất nhiều trong game, nhưng hành trình ấy giờ đây thú vị hơn nhiều. Vẫn là thế giới mở vô cùng rộng lớn, vẫn là những kiện hàng nặng nề, cồng kềnh, đôi khi đến mức phi lý, vẫn là một bài toán về lựa chọn lộ trình, quản lý trọng lượng, xử lý sự cố và thích nghi địa hình.
Lần này đa phần thời gian trong game diễn ra tại nước Úc, một vùng đất hoang dã, khắc nghiệt. Nhưng ở Death Stranding 2, giờ đây con đường ‘ship hàng’ đã hấp dẫn hơn.
Mỗi tuyến đường đều có vô vàn biến số: độ dốc, độ trơn, khả năng bị phục kích… Việc lên kế hoạch kỹ lưỡng trước mỗi hành trình là điều cần thiết. Nhưng rồi cũng đến lúc bạn phải vứt bỏ kế hoạch đó vì thiên nhiên không bao giờ theo kịch bản, và xoay xở trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc.
Nơi từng là dòng chảy êm đềm bỗng trở thành con nước dữ trong cơn mưa lớn.
Hệ thống thời tiết thời gian thực trong game làm cho trải nghiệm rất sống động. Đó có thể là những trận bão cát bất ngờ, hay một dòng nước nhỏ bỗng nhiên trở nên dữ dội sau cơn mưa, hay một trận cháy rừng trên đường đi. Game cũng có các sinh vật nguy hiểm sẽ bủa vây Sam. Có những khoảnh khắc khiến người chơi phải toát mồ hôi.
Ví dụ như khi chiếc xe tải bị kẹt giữa một cơn bão lửa, bị BT tấn công và buộc phải bỏ lại toàn bộ kế hoạch. Người chơi có thể sẽ phải đột kích một căn cứ địch để cướp xe khác, sử dụng mọi khả năng từ stealth, vũ khí tình cờ nhặt được đến… may mắn để hoàn thành nhiệm vụ. Chính nhờ những chi tiết này, Death Stranding 2 biến từng bước đi thành một hành trình đáng nhớ, dù đôi khi mục tiêu chỉ là chuyển một món đồ vô danh đến một nơi xa tít tắp.
Những “người bạn đường” mà bạn không muốn đến gần.
Trải nghiệm cá nhân ấy không tách rời khỏi cộng đồng bởi chia sẻ chính là cốt lõi trong thiết kế của game. Hệ thống “Social Strand” độc đáo giúp cho các công trình, cầu đường, trạm sạc do người chơi khác xây dựng có thể xuất hiện trong thế giới của bạn, và ngược lại. Chỉ đơn giản là cái thang do ai đó dựng lên có thể cứu bạn khỏi dòng nước xiết. Một trạm sạc ven đường, một sợi dây thừng móc trên vách đá, hay thậm chí là vài món hàng bị bỏ lại đều có thể trở thành cứu tinh bất ngờ. Đây là kiểu multiplayer gián tiếp nhưng giàu tính tương tác, không cần trò chuyện nhưng vẫn mang lại cảm giác thế giới đang sống, nơi con người giúp nhau vượt qua nghịch cảnh mà đổi lại chỉ cần một cái “like”.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no” – chỉ một chiếc thang của ai đó để lại cũng khiến hành trình đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Dù hệ thống này không mới và đã có từ phần đầu nhưng ở Death Stranding 2 , nó vẫn là một trong những yếu tố được triển khai đầy đủ và hiệu quả nhất. Cảm giác thấy một ai đó từng đi qua nơi mình đang đứng, để lại dấu vết của họ, đó là một dạng kết nối kỳ lạ, đầy cảm xúc.
Một câu chuyện kỳ quặc và cảm động
Và rồi, chúng ta cũng phải nói đến phần cốt truyện, thứ mà nhiều người từng nghĩ sẽ tiếp tục là mớ “lý thuyết” rối rắm của Hideo Kojima. Nhưng thật bất ngờ, ngay từ những giờ đầu tiên, Death Stranding 2 đã tạo ra các sự kiện để người chơi bị cuốn vào. Dù tôi vẫn chưa hoàn thành toàn bộ hành trình, nhưng những gì đã trải nghiệm đủ để thấy rằng đây là một trong những câu chuyện có thể dễ dàng giữ chân mình.
Câu chuyện của phần hai vẫn giữ phong cách “nhảy cóc” đặc trưng: vừa cảm động sâu sắc, vừa bất ngờ… ngớ ngẩn đến kỳ lạ. Có lúc là một phân đoạn chia ly nặng trĩu, ngay sau đó là cảnh nhạc nhảy lòe loẹt như bước ra từ một vở nhạc kịch lạc đề. Có lúc đang yên đang lành, thì một con búp bê lại khiến bạn gần rơi nước mắt.
Death Stranding 2 tiếp tục truyền thống dàn nhân vật hùng hậu. Ngoài Fragile trở lại ngay đầu game, thì có thêm Tomorrow – nhân vật bí ẩn do Elle Fanning thể hiện, và đặc biệt là Doll Man – một búp bê biết nói, cả hai đều đã xuất hiện trong các trailer, và còn nhiều nhân vật khác nữa.
Higgs do Troy Baker thể hiện luôn chiếm ‘spotlight’ mỗi khi xuất hiện.
Nếu phải chọn một nhân vật ấn tượng nhất, đó chắc chắn là Higgs – phản diện chính trở lại trong phần 2, vẫn do Troy Baker lồng tiếng. Nếu phần một Higgs đã là một nhân vật đáng gờm, thì ở phần này, hắn trở thành một biểu tượng khó quên, tàn nhẫn, điên loạn nhưng quyến rũ đến kỳ lạ. Mỗi lần hắn xuất hiện, người chơi gần như bị hút chặt vào màn hình bởi sự diễn xuất đỉnh cao và không khí căng thẳng mà nhân vật này mang lại.
Dĩ nhiên bộ sưu tập âm nhạc tuyệt vời vẫn đóng góp một phần không nhỏ vào trải nghiệm Death Stranding 2 – toàn những bản nhạc rất hợp với khung cảnh.
Không còn chuyến giao hàng dang dở
Từng là người bỏ cuộc ngay từ đầu ở phần một vì sự lê thê rối rắm và bước vào Death Stranding 2: On the Beach với đầy hoài nghi, nhưng rồi, mọi thứ dần thay đổi. Dù bản chất vẫn là một tựa game độc nhất vô nhị, không dễ chiều lòng số đông, phần hai lại là một trải nghiệm dễ tiếp cận hơn, nhịp độ nhanh hơn và đặc biệt là thế giới sống động hơn bao giờ hết.
Cuộc hành trình của Sam giờ đây đã hấp dẫn hơn rất nhiều.
Với những ai từng bỏ lỡ phần một, đây là cơ hội để quay lại và nhìn nhận bằng đôi mắt mới. Tất nhiên, nếu vẫn còn hoài nghi, bạn hoàn toàn có thể chờ những đợt giảm giá. Còn với tôi, lần này chắc chắn sẽ không có chuyến giao hàng nào bị bỏ dở. Tôi sẽ đi hết hành trình cùng anh “Sam shipper”.
Nguồn tin: https://genk.vn/tung-bo-do-phan-1-vi-khong-chiu-noi-gia-lap-di-bo-toi-khong-ngo-lai-bi-cuon-vao-death-stranding-2-den-vay-20250708115445373.chn