Khi số lượng người sử dụng xe máy điện tại đô thị tăng mạnh, bài toán đặt ra không chỉ là giá thành hay tiện ích mà còn là khả năng tiếp cận nguồn sạc, đặc biệt trong môi trường sống đông đúc như các khu chung cư. Trung Quốc đã chủ động ứng phó bằng cách phát triển đồng thời hai hướng: mở rộng mạng lưới trạm sạc công cộng và thúc đẩy mô hình đổi pin.
Đổi pin: giải pháp rút ngắn thời gian, giảm gánh nặng chi phí
Cùng với sạc điện, mô hình đổi pin đang được đẩy mạnh vì khả năng tiết kiệm thời gian đáng kể. Chỉ trong vài chục giây đến vài phút, người dùng có thể thay pin cạn bằng pin đầy mà không phải chờ đợi sạc truyền thống từ 3 đến 8 tiếng.
Không ít doanh nghiệp còn áp dụng chính sách bán xe không kèm pin, giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí ban đầu. Người dùng chỉ cần trả phí thuê bao hàng tháng và phí mỗi lần đổi pin, đồng thời không phải lo lắng về độ bền hay tuổi thọ của pin – yếu tố thường khiến nhiều người ngại đầu tư xe điện.
Riêng với xe máy điện, việc thay pin diễn ra dễ dàng và nhanh chóng, không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp như trên ô tô.
Hệ thống sạc phủ kín không gian đô thị
Hệ thống sạc truyền thống với trụ cắm điện vẫn đóng vai trò chủ lực trong mạng lưới hạ tầng phục vụ xe điện. Từ bãi đỗ xe của siêu thị, văn phòng, đến trạm dừng cao tốc và cả các khu vực ngoại ô, người dùng đều có thể dễ dàng tiếp cận điểm sạc gần nhất.
Tuy nhiên, mô hình này cũng phải đối mặt với chi phí đầu tư cao. mỗi trụ sạc có thể tiêu tốn tới hàng trăm triệu đồng, trong khi doanh thu bị giới hạn bởi chính sách bình ổn giá điện. Để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này, chính quyền đưa ra nhiều ưu đãi, trong đó có hợp đồng thuê đất dài hạn nhằm tạo điều kiện cho các mô hình vận hành ổn định.
Sạc tại chung cư: từ quy định thiết kế đến giải pháp “cắm ngoài”
Một trong những thách thức lớn nhất khi phát triển phương tiện điện là làm sao để cung cấp giải pháp sạc an toàn tại các khu dân cư đông đúc. Trung Quốc tiếp cận vấn đề này bằng chiến lược từ gốc: quy định bắt buộc tích hợp hạ tầng sạc ngay từ giai đoạn thiết kế dự án nhà ở mới.
Tại Bắc Kinh, các toà nhà thương mại mới phải đảm bảo ít nhất 40% chỗ đậu xe có thể lắp trạm sạc. Với nhà ở xã hội, tỷ lệ dao động từ 18% đến 30% tùy loại. Không chỉ đặt ra chỉ tiêu, thành phố còn quy định rõ vị trí được phép bố trí trạm sạc: ưu tiên mặt đất, tránh tầng hầm sâu nhằm giảm thiểu rủi ro cháy nổ và đảm bảo khả năng tiếp cận khi có sự cố.
Chung cư cũ: giải bài toán an toàn và không gian
Với hàng triệu toà nhà đã xây dựng từ lâu, vốn không được thiết kế để phục vụ nhu cầu sạc xe điện, Trung Quốc chọn cách linh hoạt hơn: xây dựng các khu sạc công cộng đặt bên ngoài các khu dân cư. Điều này vừa giảm thiểu rủi ro hỏa hoạn bên trong toà nhà, vừa mang lại tiện ích cho cư dân.
Chính quyền địa phương đóng vai trò điều phối giữa doanh nghiệp và ban quản lý dân cư, giúp giải quyết câu hỏi “ai đầu tư, ai vận hành”. Nhiều nơi còn tận dụng không gian hiệu quả bằng cách chuyển đổi chỗ đậu ô tô thành khu đỗ và sạc cho hàng loạt xe máy điện, tăng gấp nhiều lần khả năng phục vụ mà không cần mở rộng diện tích.
Vận hành an toàn: từ ý thức người dân đến quy định cư dân
Ngoài hạ tầng, yếu tố con người cũng được chú trọng. Chính quyền khuyến cáo người dân không sạc xe ngay sau khi sử dụng, nên để pin nguội ít nhất 20 phút. Nơi sạc phải khô ráo, thông thoáng và tuyệt đối không sạc qua đêm nếu không có người trông coi.
Nhiều khu chung cư còn áp dụng quy định nội bộ như ngắt điện sau 23 giờ hoặc chỉ cho phép sạc trong khung giờ cố định nhằm đảm bảo an toàn tối đa.
Nguồn tin: https://genk.vn/dan-dong-xe-may-dien-chay-day-duong-xep-hang-sac-kin-cac-chung-cu-trung-quoc-xu-ly-kieu-gi-20250719120239087.chn