Tháng 11/2023, hàng trăm chuyên gia kỹ thuật từ nhiều công ty nhà nước và tư nhân lớn nhất Trung Quốc, bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), China Telecom, Meituan và Baidu, đã tập trung tại Bắc Kinh. Đây là buổi tập huấn đào tạo chứng nhận nhà phát triển trên Hệ điều hành Harmony (OS) của Huawei.
Gã khổng lồ viễn thông đã âm thầm xây dựng một hệ điều hành độc lập của Trung Quốc, không chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, suốt bốn năm kể từ khi bị đưa vào danh sách cấm vận.
Hệ sinh thái độc lập
Khác với phiên bản HarmonyOS 4 vẫn sử dụng dự án mã nguồn mở Android (AOSP) làm nền tảng, HarmonyOS NEXT được xây dựng hoàn toàn trên lõi Harmony độc quyền do Huawei phát triển.
Điều này có nghĩa là hệ điều hành mới của Huawei sẽ không có thư viện AOSP, không có khả năng tương thích với Android và không chạy trực tiếp các ứng dụng Android (APK) hiện có.
Động thái tham vọng của Huawei mở ra cơ hội đầy triển vọng cho các nhà phát triển, lập trình ở Trung Quốc. Khi các ứng dụng gốc trở thành ngôn ngữ duy nhất của HarmonyOS NEXT, nhu cầu về lập trình viên thành thạo kiến trúc này sẽ tăng cao.
Điều đó thúc đẩy hơn 400 công ty phần mềm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau ở Trung Quốc tham gia và phát triển các ứng dụng HarmonyOS NEXT chuyên dụng.
Đây là một mục tiêu không hề dễ dàng, khi hệ sinh thái ứng dụng mới hoàn toàn chưa thể tạo sức hút trên quy mô lớn, đặc biệt là từ những nhà phát triển chương trình toàn cầu – yếu tố quyết định khả năng phát triển lâu dài của hệ điều hành.
Song, HarmonyOS NEXT là dấu mốc quan trọng trong hành trình hướng tới sự độc lập về phần mềm của Huawei, mở đường cho một giải pháp thay thế tiềm năng trên thị trường di động. Không giống như HarmonyOS tiêu chuẩn, hệ điều hành mới không có các thành phần AOSP nên không thể chạy các ứng dụng Android.
Theo các nhà phát triển, đến cuối năm 2024, Huawei dự định đầu tư khoảng 1 tỷ USD để phát triển khoảng 5.000 ứng dụng cho hệ điều hành mới.
HarmonyOS NEXT là sản phẩm độc quyền của Huawei. Các nhà phát triển sử dụng ngôn ngữ Cangjie và ArkTS thay vì Java và Kotlin để tạo ứng dụng cho HarmonyOS NEXT. Họ cũng có kế hoạch tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống bằng cách sử dụng mô hình Pangu AI.
Tự cường phần cứng
Theo khảo sát của UBS, 11% các công ty Trung Quốc có nhu cầu về sản phẩm mạch tích hợp (IC) cho biết họ đang cân nhắc sử dụng chip nội địa thay cho chip nhập khẩu, trong khi 39% cho biết họ sẵn sàng làm như vậy.
“Trong ba năm tới, tỷ lệ các công ty Trung Quốc sử dụng chip do nội địa sẽ tăng dần lên từ 30 đến 50% và đây là mức tăng khá cao” , Jimmy Yu, nhà phan tích công nghệ Trung Quốc tại UBS nhận định.
Hoạt động sản xuất chất bán dẫn trong nước của Trung Quốc đang dần tăng lên khi thị trường chip của nước này dần phục hồi, sau khi trải qua thời gian dài nhu cầu tiêu dùng trì trệ và đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế khác nhau.
Tháng 8/2023, Huawei bất ngờ tung ra mẫu điện thoại cao cấp Mate 60 với con chip Kirin 9000s được sản xuất bởi SMIC trên tiến trình tiên tiến 7nm. Dựa trên các bài kiểm tra tiến hành trên điện thoại, website chấm điểm hiệu chuẩn AnTuTu xác định CPU gồm 12 lõi và tốc độ xung nhịp tối đa 2.62GHz.
Theo nhà phân tích Ming Chi Kuo, những người được lợi từ sự ra mắt Mate 60 Pro bao gồm SMIC, công ty kiểm tra và đóng gói chip Jiangsu Changjiang Electronics Tech, nhà cung cấp bộ lọc Murata, GlobalFoundries và Win Semi. Trong khi đó, SMIC – nhà thầu chip lớn nhất Trung Quốc – chỉ có thể chế tạo chip 14nm vì Washington hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip hiện đại như máy in thạch bản cực tím EUV.
Nhà phân tích Edison Lee cho rằng tiến bộ của SMIC có thể gây tranh luận về tính hiệu quả của các đòn trừng phạt tại Mỹ. Một số giả thuyết được đưa ra là SMIC sử dụng thiết bị quang khắc tia cực tím sâu (DUV) để sản xuất chip 7nm, hoặc chip Kirin 9000s đến từ kho chip bí mật do Huawei phát triển.
“Rõ ràng là ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò vô cùng chiến lược với mọi quốc gia trên thế giới. Xét đến căng thẳng địa chính trị, mỗi nước đều cố gắng hết sức để ổn định và cải thiện hoạt động của chính họ” , Ajit Manocha – CEO tập đoàn công nghiệp SEMI – trả lời trên Bloomberg TV.
Vượt iOS, thách thức Android
Zhu Yonggang, chủ tịch Dịch vụ đám mây kinh doanh tiêu dùng của Huawei, cho biết, hơn 200 đối tác trong ngành đã bắt đầu phát triển các ứng dụng HarmonyOS gốc và công ty đặt mục tiêu có được 5.000 đối tác tham gia vào cuối năm 2024.
Meituan, gã khổng lồ dịch vụ giao hàng, đã hoàn thành phiên bản đầu tiên của ứng dụng HarmonyOS với nhóm đối tác phát triển đầu tiên, trong khi các công ty internet khác, chẳng hạn như nền tảng truyền thông xã hội về phong cách sống Xiaohongshu và dịch vụ bản đồ trực tuyến Amap, cũng đã đạt được tiến triển.
Hãng nghiên cứu TechInsights dự báo, HarmonyOS sẽ vượt qua iOS về thị phần để trở thành hệ điều hành di động phổ biến ở Trung Quốc vào năm 2024 và thách thức sự thống trị của hệ điều hành Android tại đại lục.
Tháng trước, “gã khổng lồ” công nghệ tài chính Ant Group cho biết đang xây dựng phiên bản ứng dụng thanh toán Alipay mới dựa trên HarmonyOS, sau khi Alibaba bắt đầu phát triển phiên bản DingTalk – công cụ hỗ trợ làm việc – cho nền tảng. Một số hãng Internet lớn như JD.com, NetEase cũng tuyển dụng lập trình viên để viết ứng dụng gốc cho hệ điều hành của Huawei.
McDonald’s Trung Quốc – mạng lưới hơn 5.500 nhà hàng và hơn 200.000 nhân viên phục vụ hơn 1 tỷ khách hàng mỗi năm – trở thành một trong những công ty thực phẩm đa quốc gia đầu tiên tại đại lục sử dụng HarmonyOS Next.
Theo chia sẻ hồi tháng 8/2023 của CEO bộ phận tiêu dùng Huawei Richard Yu Chengdong, hơn 700 triệu thiết bị đã chạy HarmonyOS với hơn 2,2 triệu nhà phát triển bên thứ ba đang viết ứng dụng cho nền tảng.
Nguồn tin: https://genk.vn/trung-quoc-tien-gan-den-tu-cuong-cong-nghe-voi-he-dieu-hanh-harmonyos-next-20240124174934829.chn