Dịp Tết vừa qua, nhiều người phải đóng đô ở nhà, không đi chơi bời du xuân vì bị mệt mỏi, ho khan, sổ mũi kéo dài. Thời điểm quay lại làm việc, khá đông trường hợp người lao động báo ốm nghỉ. Nguyên nhân không chỉ đến từ việc ăn uống thiếu điều độ, thức khuya hay đi lại nhiều, mà còn do thời tiết giao mùa khiến cơ thể suy yếu, virus và vi khuẩn có cơ hội tấn công. Đây là thời điểm các bệnh hô hấp, cảm cúm, viêm họng bùng phát mạnh mẽ.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm, có diễn biến phức tạp. Đặc biệt, một trong số đó đang phải đặt ECMO (tim phổi nhân tạo).
Mới đầu năm, các thông tin tiêu cực về sức khỏe khiến không ít người lo lắng. Thay vì để bệnh tật làm gián đoạn đời sống, bạn nên chủ động phòng tránh, nâng cao thể trạng. Một trong những biên pháp rẻ tiền nhưng hiệu quả mà nhiều người thường bỏ qua đó chính là sử dụng nước muối.
Nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) là một sản phẩm quá quen thuộc, có mặt ở hầu hết các hiệu thuốc với giá chỉ vài nghìn đồng một chai. Tuy nhiên, không phải ai cũng tận dụng hết lợi ích của nó. Súc miệng và rửa mũi bằng nước muối giúp làm sạch khoang miệng, loại bỏ vi khuẩn, virus bám trên niêm mạc, ngăn ngừa viêm họng và các bệnh về đường hô hấp.
Bạn nên súc họng khoảng 2 lần/ngày, đặc biệt vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ. Với những người nhạy cảm, có thể dùng nước muối ấm để cảm thấy thoải mái hơn.
Khi có dấu hiệu đau họng, khàn tiếng, viêm mũi, kết hợp chữa bệnh theo chỉ định của bác sĩ và dùng nước muối sẽ giúp giảm triệu chứng bệnh và đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Bên cạnh sản phẩm nước muối đóng chai, bạn còn có thể sử dụng loại gói muối tiện lợi, dễ mang theo mình ở bất cứ đâu hay các loại chai dạng xịt.
Nhiều người thường lạm dụng các loại xịt co mạch khi bị ngạt mũi mà không có chỉ định của bác sĩ. Thay vào đó, các loại xịt mũi ưu trương với nồng độ muối cao hay chứa bào tử lợi khuẩn sẽ an toàn, thân thiện hơn với sức khỏe.
Người bị viêm mũi xoang có thể kết hợp thêm việc rửa mũi đều đặn để phòng, chữa bệnh.
Ngoài ra, để tăng cường sức đề kháng, bạn cũng cần lưu ý thêm một số biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả sau.
Giữ ấm cơ thể: Đặc biệt là vùng cổ, ngực, chân và tay khi nhiệt độ thay đổi thất thường.
Uống đủ nước: Duy trì độ ẩm cho niêm mạc mũi và họng, giúp hạn chế nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập.
Bổ sung vitamin và khoáng chất: Ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin C như cam, bưởi, ổi để tăng cường hệ miễn dịch.
Hạn chế tiếp xúc với người có dấu hiệu cảm cúm: Virus rất dễ lây lan qua đường hô hấp, vì vậy nên đeo khẩu trang khi cần thiết.
Luyện tập thể dục nhẹ nhàng: Giúp cơ thể thích nghi tốt hơn với thời tiết và nâng cao sức đề kháng.
Nguồn tin: https://genk.vn/thu-re-nhu-cho-chi-vai-nghin-dong-nhung-lai-cuc-can-thiet-khi-giao-mua-giup-phong-benh-hieu-qua-20250206202826618.chn