Ăn chuối cả tuần để lấy vỏ nghiên cứu
Xuất phát từ hướng nghiên cứu về nhiên liệu sinh khối (biomass), nhóm sinh viên Nguyễn Thăng, Nguyễn Bảo Khánh ( ĐH Bách khoa Hà Nội) và Lê Thị Huyền Trang, Đinh Thị Thu Thảo, Vũ Trần Linh Trang (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) đã ấp ủ thực hiện dự án khởi nghiệp Banatery – chế tạo Pin Lithium từ vỏ chuối.
“Trong bối cảnh xu hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hiện nay, chúng em đã nghiên cứu một số loại nhiên liệu biomass như bã mía, lá keo… Trong đó, vỏ chuối là nguyên liệu phù hợp cho việc chế tạo Pin Lithium để cung ứng cho các nhà máy sản xuất thiết bị lưu trữ năng lượng điện thân thiện với môi trường. Nguồn cung vỏ chuối sẽ đến từ các nhà máy làm về hoa quả sấy, chuối sấy”, Huyền Trang cho biết.
Thời gian đầu thử nghiệm, Bảo Khánh nói vui, cả nhóm ai nấy đều phải nhập vai “thợ buôn chuối” để có được lượng vỏ chuối cần thiết phục vụ quá trình nghiên cứu, đo đạc. Các thành viên trong nhóm đi thu gom bằng cách xin vỏ chuối, mua chuối từ các quầy bán hoa quả hay siêu thị. “Có lúc chúng em phải huy động các bạn sinh viên trong lớp tích cực ăn chuối cả tuần, hay sáng tạo các món ăn từ chuối để lấy vỏ”, Khánh kể.
Dự án khởi nghiệp Banatery – chế tạo Pin Lithium từ vỏ chuối của nhóm sinh viên dưới sự hướng dẫn của các PGS.TS: Lê Thị Thu Hằng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Hoàng Thị Bích Thuỷ (Trường Hóa và Khoa học Sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội). Dự án đã giành giải Nhất cuộc thi Thử thách khởi nghiệp thành phố sáng tạo thông minh (Startupcity) năm 2024, do Thành Đoàn Hà Nội tổ chức.
Huyền Trang còn huy động cả gia đình ở quê đi xin vỏ chuối giúp. “Ai cũng ngơ ngác khi chúng em đi xin, mua vỏ chuối. Thời điểm đó, cả nhóm ban ngày thì cùng nhau đi gom vỏ, chiều đến mới bắt đầu thử nghiệm, cùng nhau canh sấy vỏ cho đúng giờ”, Trang chia sẻ.
Nhóm đã có những đêm thức trắng để nghiên cứu, bàn bạc và phải mất gần 2 năm để hoàn thiện sản phẩm. “Nhớ nhất giai đoạn bị Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trả về hàng trăm mẫu đo đạc Pin Lithium ion 18650 chưa đạt, mọi người chỉ lẳng lặng nhìn nhau. Nhưng rồi cả nhóm thể hiện quyết tâm, hy vọng, tiếp tục làm lại, gửi, làm lại, rồi lại gửi… cuối cùng cũng qua được một chặng”, Nguyễn Thăng nhớ lại.
Sản phẩm thân thiện với môi trường
“Chúng em là những “mảnh ghép” đầy tham vọng, cùng nhau thực hiện, kiên trì trên một hành trình. Đôi khi, dân kinh tế và dân kỹ thuật có tư duy, góc nhìn khác nhau nên nảy sinh tranh luận gay gắt. Nhưng rồi các bạn đều học cách điều tiết cái tôi cá nhân để dung hoà với ý tưởng, mục tiêu chung của tập thể”, nam sinh Nguyễn Thăng chia sẻ.
Chính vì vậy, từ một ý tưởng sơ khai, Nguyễn Thăng đã cùng nhóm biến ý tưởng thành sản phẩm gần với thực tiễn cuộc sống và tạo nên giá trị lớn cho môi trường. Theo nam sinh, Pin Banatery là giải pháp vượt trội thay thế cho pin truyền thống. Cụ thể, than chì trong sản xuất pin truyền thống sẽ được thay bằng than hoạt tính được sản xuất từ vỏ chuối.
“Than hoạt tính này cho thấy đặc điểm điện hóa tổng thể tốt hơn so với những sản phẩm từ than hoạt tính có nguồn gốc từ than khai thác. Hiện dự án tiếp tục nghiên cứu thêm các loại nhiên liệu biomass khác để làm cực anode ứng dụng thêm ở một số lĩnh vực khác”, Thăng nói và cho biết, pin được làm từ vỏ chuối sẽ dễ dàng tái chế và giảm thiểu tác động đến môi trường khi tái chế.
Là cố vấn của dự án, chị Nguyễn Mỹ Anh, công tác tại Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) nhận định, các bạn sinh viên đã nghĩ đến hướng đi mà một số doanh nghiệp hiện tại chưa nghĩ đến.
“Phát triển bền vững nói thì dễ nhưng làm thì khó. Thành viên của dự án đã có sự suy đoán, trăn trở rất nhiều về sản phẩm như xử lý phế phẩm thế nào, làm sao giảm phát thải tác động đến môi trường, Pin Lithium sẽ góp phần vào công cuộc chuyển đổi xanh và xu hướng kinh tế tuần hoàn ra sao… Đó là những bước tiến mà các em hoàn toàn có thể làm được nếu luôn kiên trì, cùng nhau nâng cấp kỹ thuật, công nghệ và tối ưu hiệu quả của sản phẩm này”, chị Mỹ Anh nói.
Nguồn tin: https://genk.vn/sinh-vien-lam-pin-tu-vo-chuoi-20240620183133682.chn