Năm 2013, Samsung ra mắt chiếc Galaxy Round với thiết kế màn hình cong lõm vào trong kỳ lạ. Lúc này, đó chỉ là một thử nghiệm của Samsung để tìm hiểu một thị trường mới. Đến năm 2014, họ tiếp tục giới thiệu phiên bản đặc biệt của Galaxy Note là chiếc Note Edge với một cạnh màn hình uốn cong dùng để hiển thị các thông tin. Chiếc máy này đã thu hút nhiều sự chú ý và mở ra một cơ hội phát triển mới cho Samsung.
Mở đầu và kết thúc một thời đại
Màn hình cong trông mới lạ, cao cấp và đẹp mắt, Samsung không chần chừ nữa mà chính thức sử dụng màn hình cong làm thiết kế điểm nhấn bằng việc ra mắt chiếc Galaxy S6 Edge (2015). Ngay sau đó, các công ty như LG, Motorola, OnePlus, Google, Huawei và Xiaomi đã nhanh chóng nhảy vào cuộc đua màn hình cong.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm gắn bó với màn hình cong trên những smartphone cao cấp nhất, Samsung đã bất ngờ loại bỏ màn hình cong trên thế hệ Galaxy S mới. Trước đó, hãng đã dùng màn hình phẳng trên các phiên bản Galaxy S và S+, nhưng vẫn giữ màn hình cong (đã được chỉnh sửa để có độ cong ít hơn) trên S Ultra. Đến dòng Galaxy S24 thì cả ba phiên bản đều đã dùng màn hình phẳng. Đáng chú ý, Samsung thực hiện thay đổi này không phải trong bối cảnh màn hình cong không còn phổ biến, mà các flagship và thậm chí điện thoại tầm trung của một số hãng khác vẫn sử dụng thiết kế này.
Tại sao một số công ty vẫn đầu tư và người dùng vẫn mua các smartphone màn hình cong mới nhất, còn bản thân Samsung lại sẵn sàng để chúng ra đi? Phải chăng màn hình cong đang dần dần chìm vào quên lãng?
Hãy nói về những lý do màn hình cong lại phổ biến trong một thời gian dài như vậy. Màn hình cong cho cảm giác hẹp hơn đáng kể so với điện thoại có màn hình phẳng, điều này giúp việc cầm điện thoại trở nên thoải mái hơn.
Nhưng ngoài việc giúp điện thoại dễ cầm hơn, màn hình cong còn được coi là một đặc điểm thiết kế giúp smartphone trông cao cấp hơn và tạo ra trải nghiệm xem nội dung mới. Trong bối cảnh mọi điện thoại đều có màn hình phẳng thì một chiếc điện thoại màn hình cong chắc chắn sẽ tạo ra cảm giác khác biệt. Ít nhất thì điều đó đã xảy ra trong nhiều năm trước khi những chiếc điện thoại Trung Quốc giá cả phải chăng hơn bắt đầu sử dụng màn hình cong và hiệu ứng cao cấp này bắt đầu mất đi.
Có thể nói smartphone cũng có những xu hướng như thời trang, các xu hướng này đến rồi đi. Có vẻ như các điện thoại hàng đầu cao cấp ở Mỹ, Anh và Châu Âu hiện đang rời xa màn hình cong (Galaxy S24 series, Pixel 8 series). Tuy nhiên, những chiếc điện thoại cao cấp đến từ Trung Quốc vẫn áp dụng thiết kế này (Xiaomi 14 Pro, Oppo Find X7,..)
Dù đi tiên phong trong việc tạo ra màn hình cong cho smartphone và khiến chúng trở nên thú vị, Samsung đã không còn là nhà sản xuất màn hình cong duy nhất nữa, đơn giản vì họ hiện có rất nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường màn hình toàn cầu và với thời gian tồn tại quá lâu, có lẽ Samsung cũng nhận thấy thiết kế này không còn đủ sức mang đến sự cao cấp độc nhất nữa.
Màn hình cong có phải là một cuộc cách mạng thành công?
Với hàng loạt hãng áp dụng thiết kế này trong hàng chục năm, thì rõ ràng màn hình cong là một sự thay đổi thành công và khiến thế giới smartphone trở nên thú vị hơn. Mặc dù vậy, thực tế là Samsung hiện đã sẵn sàng loại bỏ chúng cho thấy màn hình cong không còn là một phần thiết yếu của Galaxy.
Bên cạnh đó, màn hình cong dù đẹp nhưng cũng mang đến không ít rắc rối cho người dùng, ví dụ như dễ hư hỏng khi rơi rớt và rất khó tìm được miếng dán cường lực phù hợp, điều này càng khiến người dùng cảm thấy lo lắng hơn khi mua một điện thoại cao cấp. Và với việc chuyển sang màn hình phẳng (bên cạnh hàng loạt tính năng AI hấp dẫn), Samsung có thể tìm được thêm một tệp khách hàng mới cho dòng Ultra, như một khảo sát trên trang Reddit cho thấy hầu hết người dùng thích màn hình phẳng hơn màn hình cong.
Đến năm 2024, thị trường đã chuyển sang những thay đổi lớn hơn về thiết kế, điều này làm cho một thiết kế “đặc biệt” có tuổi đời 10 năm dần trở nên nhạt nhòa.
Màn hình cong – nền tảng để Samsung có động lực sáng tạo và chuyển mình sang thời đại mới
Và với bản thân Samsung, bên cạnh dòng Galaxy S nay đã “hết cong”, thì họ còn có một dòng sản phẩm khác được cho là tương lai mà công ty đang hướng đến, đó chính là Galaxy Z. Samsung đã nhiều lần khẳng định smartphone màn hình gập sẽ trở thành dòng sản phẩm quan trọng của công ty ở hiện tại và tương lai.
So với màn hình gập của Galaxy Z Fold thì màn hình cong trông thật sự mờ nhạt. Dù Samsung có thêm một vài khả năng đặc biệt cho màn hình cong, chúng vẫn là một thứ mang hướng thời trang hơn là chức năng. Ngược lại, màn hình gập là thiết kế có thể đáp ứng được cả hai: hữu ích và sang trọng cao cấp.
Nhưng cả hai màn hình đều có một điểm chung, đó là cho thấy suy nghĩ sáng tạo của Samsung, trong khi đối thủ đang chấp nhận thành công hiện có, thì Samsung không ngại thử nghiệm và mang đến thiết kế mới cho thị trường smartphone đã quá già cỗi. Màn hình cong đã tạo ra một xu hướng kéo dài hàng chục năm và tuy Samsung rút lui, nhưng có thể những hãng khác vẫn tiếp tục. Sự thành công của màn hình cong có lẽ cũng góp phần giúp Samsung có động lực dám thay đổi một lần nữa và tạo ra thời đại mới, thời đại của màn hình gập.
Nếu không có màn hình cong, thế giới smartphone sẽ vẫn cứ “phẳng lỳ” như vậy trong hàng chục năm, dù không còn được Samsung sử dụng nữa, nhưng chắc chắn những smartphone Galaxy S và Note màn hình cong sẽ không bao giờ bị quên lãng.
Nguồn tin: https://genk.vn/galaxy-s24-ket-thuc-thoi-dai-keo-dai-10-nam-samsung-noi-loi-tam-biet-voi-man-hinh-cong-tung-la-dau-an-cua-minh-20240118194900381.chn