Huawei Technologies đang phát động một cuộc “tấn công” toàn diện vào thị trường xe điện, hình thành mối quan hệ hợp tác với các nhà sản xuất ô tô nhỏ để mở rộng mạng lưới khách hàng sử dụng công nghệ lái xe tự động của họ.
Nỗ lực của họ đang được đền đáp. Mẫu plug-in hybrid Aito M7 do liên doanh Huawei và nhà sản xuất cỡ trung là Seres Group cho ra mắt đã nhận được 100.000 đơn đặt hàng trong 2 tháng rưỡi sau khi ra mắt vào tháng 9.
“Công nghệ tự lái là yếu tố quyết định”, một người đàn ông 30 tuổi mua chiếc Aito M7 hồi tháng 10 cho biết. Anh đã cân nhắc giữa Audi và Li Auto trước khi chọn mua chiếc Aito M7.
Mẫu M7 bản nâng cấp là một chiếc plug-in hybrid, có giá khởi điểm khoảng 35.000 USD, thấp hơn đôi chút so với mẫu Model Y chủ lực của Tesla. Công nghệ lái xe tự động chính là điểm nhấn của nó. Hệ thống này hỗ trợ các chức năng lái, tăng tốc và phanh với các tính năng tương tự hệ thống hỗ trợ người lái Autopilot của Tesla. Tính năng này hiện chỉ giới hạn ở các thành phố lớn những sẽ có mặt trên khắp Trung Quốc vào cuối tháng 12.
Tận dụng công nghệ tự lái của mình, Huawei cũng đã ra mắt một thương hiệu chung với Chery Automobile mang tên Luxeed. Hãng này đã phát hành chiếc sedan điện đầu tiên mang tên S7 vào tháng 11. Huawei cũng đang cung cấp hệ thống và linh kiện cho thương hiệu xe điện Avatr của Changan Automobile.
Huawei cũng tiến thêm một bước để tăng tốc hợp tác với các nhà sản xuất ô tô khi quyết định chuyển mảng hoạt động kinh doanh ô tô thông minh thành một công ty mới. Changan đã ký một biên bản ghi nhớ với Huawei với điều khoản mua tới 40% cổ phần của công ty mới. Seres và nhà sản xuất ô tô cỡ trung khác là JAC Group cho biết họ đang xem xét đầu tư. “Trong ngắn hạn, doanh số bán các mẫu ô tô có sự tham gia của Huawei có thể đạt khoảng 1 triệu chiếc/năm”, Ping An Securities nhận xét về công ty mới này.
Tại Trung Quốc, BYD nắm chắc vị trí dẫn đầu về phương tiện sử dụng năng lượng mới với doanh số đạt gần 3 triệu chiếc vào năm 2023. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô sử dụng công nghệ của Huawei đang có đà phát triển và có thể trở thành một thế lực vượt qua người xếp thứ 2 là Tesle – thương hiệu kỳ vọng bán 600.000 xe tại Trung Quốc trong năm nay.
Các công ty như Changan hay Seres đặt mục tiêu sử dụng nguồn lực của Huawei để đẩy nhanh quá trình điện khí hóa. Không chỉ giảm chi phí R&D nhờ Huawei, họ còn có thể tận dụng mạng lưới bán hàng và nhận diện thương hiệu của Huawei.
Về phần mình, Huawei cũng gấp rút triển khai hoạt động kinh doanh liên quan đến ô tô sau khi mảng kinh doanh điện thoại thông minh của họ chịu đòn nặng từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ áp đặt vào năm 2019.
Công ty đã đầu tư tổng cộng 3 tỷ USD vào lĩnh vực này với hy vọng biến nó thành nguồn thu nhập chính. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh này chưa khởi sắc tính đến hết năm 2022 khi doanh thu chỉ đạt 2 tỷ NDT, chiếm khoảng 0,3% tổng doanh thu của Huawei.
Vị thế có phần “bếp bênh” của Huawei cũng là một rào cản khác. Nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng thị phần tại châu Á, châu Âu nhưng việc hợp tác chặt chẽ với Huawei có thể là một gánh nặng.
Tại một sự kiện hồi tháng 4, Giám đốc sản xuất ô tô thông minh của Huawei là Richard Yu đã thừa nhận chính các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến các công ty Mỹ, châu Âu, Nhật Bản gặp khó trong việc chọn Huawei làm nhà cung cấp chính. “Đối tác của chúng tôi hiện chỉ giới hạn ở các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc”, ông thẳng thắn nói.
Nguồn: Nikkei
Nguồn tin: https://genk.vn/phep-mau-tu-huawei-dang-giup-cac-hang-xe-vo-danh-chien-ngang-tay-tesla-byd-20231224072750193.chn