
Theo Reuter, khi Ruediger Kuehr bắt đầu hỏi các chính quyền địa phương ở quê nhà Đức rằng họ sẽ làm gì khi hàng trăm nghìn máy tính bảng điện tử được phân phát cho học sinh trong đại dịch hết vòng đời sử dụng, ông chỉ nhận được những ánh mắt ngơ ngác. Kỹ sư điện tử này, người đứng đầu một chiến dịch của Liên Hợp Quốc nhằm giải quyết vấn đề rác thải điện tử, cho biết không ai nghĩ đến việc thu gom, sửa chữa hay xử lý chúng.
Nguy cơ là những máy tính bảng đó, cùng với hàng triệu thiết bị được phân phát trong các trường học trên khắp Hoa Kỳ và Châu Âu, cuối cùng sẽ trở thành một phần của đống rác thải điện tử ngày càng lớn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng lại chứa đựng giá trị nội tại cao.
Rác thải điện tử chủ yếu bao gồm kim loại và nhựa, đang được tạo ra nhanh gấp năm lần so với khả năng tái chế hiện có. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc về giám sát rác thải điện tử toàn cầu, lượng rác thải này dự kiến sẽ tăng 30% lên 82 tỷ tấn vào năm 2030.
Hàng tỷ USD giá trị tài nguyên quý giá, bao gồm các khoáng chất thiết yếu cho quá trình chuyển đổi năng lượng, đang bị lãng phí. Năm 2022, khoảng 12 triệu tấn kim loại đã bị mất đi. Những phát hiện này không tính đến pin từ hàng triệu xe điện đang được sản xuất hiện nay, nhưng có xem xét rác thải từ các tấm pin mặt trời. Riêng dòng rác thải này dự kiến sẽ tăng từ 600.000 tấn vào năm 2022 lên 2,4 triệu tấn vào năm 2030.
Việc khai thác các kim loại cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng rất tốn kém, gây ô nhiễm nước và đất. Đây cũng là một trong những lý do được sử dụng để biện minh cho việc khai thác các nguồn tài nguyên chưa được khai thác dưới đáy biển sâu.
Năm 2022, rác thải điện tử toàn cầu chứa khoảng 4 triệu tấn kim loại được phân loại là nguyên liệu thô quan trọng. Phần lớn trong số đó là nhôm. Mặc dù là một trong những vật liệu được tái chế nhiều nhất và có khả năng tái chế cao nhất hiện nay, chỉ có 60% được tái chế vào năm 2022. Cũng bị lãng phí là các vật liệu có giá trị cao, bao gồm các kim loại nhóm bạch kim như palladium, được sử dụng trong chất xúc tác cho pin nhiên liệu hydro hoặc trong bảng mạch in. Báo cáo của LHQ cho biết những kim loại này có tỷ lệ thu hồi tiềm năng cao (trên 95%).
Thực tế, lượng kim loại nhóm bạch kim có sẵn trong rác thải điện tử năm 2022 nhiều hơn so với nhu cầu dự kiến vào năm 2030 cho các công nghệ hydro của Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả các vật liệu đều dễ dàng thu hồi. Lấy ví dụ về neodymium, được sử dụng để làm nam châm cho tua-bin gió. Rác thải điện tử toàn cầu chứa hơn 7.000 tấn vật liệu quan trọng này, có thể đáp ứng gần một nửa nhu cầu dự đoán của IEA cho năng lượng gió vào năm 2030. Nhưng các công nghệ tái chế vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, vì tốn kém nên các nhà tái chế sẽ cần nhắm đến các nguồn tối ưu nhất.
Ngoài ra, theo báo cáo của LHQ, việc quản lý và xử lý rác thải điện tử đúng cách sẽ giúp giảm ô nhiễm carbon toàn cầu. Ông Kees Baldé chuyên gia khoa học cấp cao của Viện Đào tạo và nghiên cứu của nhấn mạnh: “Chúng ta càng tái chế nhiều kim loại thì càng ít phải khai thác”.
Có khoảng 62 triệu tấn rác thải điện tử từ tivi, smartphone cho đến máy tính cá nhân đã bị vứt bỏ trong năm 2023. Trong đó, lượng rác thải điện tử bỏ đi có chứa lượng kim loại trị giá khoảng 91 tỷ USD, trong đó có số vàng trị giá 15 tỷ USD (390.000 tỷ đồng).
Hầu hết rác thải điện tử đều được đưa đến bãi chôn lấp hoặc được xử lý bởi hệ thống tái chế không chính thức. Bà Vanessa Gray, chuyên gia về rác thải điện tử tại Liên minh Viễn thông Quốc tế nhận định rằng, trong bối cảnh khoảng cách giữa rác thải điện tử và tái chế tiếp tục nới rộng, tỷ lệ tái chế thực sự có thể giảm trong vài năm tới. Báo cáo dự đoán tỷ lệ thu gom và tái chế sẽ giảm xuống 20% vào năm 2030.
Nguồn tin: https://genk.vn/phat-hien-mo-vang-390000-ty-dong-ngoai-bai-rac-20250502180345141.chn