Khách mời của số Trên Ghế 61 phát ngày 2/1 là Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô – Đại học Bách Khoa Hà Nội. Dưới đây là phần trao đổi giữa host Đăng Việt và PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc về chủ đề: VinFast – Cánh chim đầu đàn về nội địa hóa ô tô
Ngày 12/12/2024 vừa qua, VinFast đã mời rất nhiều cơ quan truyền thông cũng như chuyên gia tham quan nhà máy trong một sự kiện đặc biệt. Là người tham gia sự kiện đó, cảm xúc của PGS TS là như thế nào?
Tôi đã đến nhà máy VinFast nhiều lần. Mỗi lần đến, cảm xúc lại tăng lên khi tôi nhìn thấy sự trưởng thành và sự hoàn thiện của dây chuyền sản xuất càng ngày càng mạnh mẽ hơn.
Ví dụ xưởng dập, ở những lần trước tôi đến chỉ có một máy, xưởng khuôn đúc chưa thực sự hoàn thiện. Nhưng bây giờ, tôi thấy đây là một tổ hợp sản xuất rất đầy đủ để phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô.
Trong sự kiện đó, VinFast đã công bố tỷ lệ nội định hóa độ ô tô trên 60%. PGS.TS nhận định như thế nào về kết quả này?
Ở đây, chúng ta mới biết được tỷ lệ nội địa hóa các chi tiết trên ô tô. Nhưng thực sự, điểm ấn tượng nhất của nội địa hóa đó là nhà máy sản xuất khuôn. Họ đã chế tạo 7.000 khuôn, bảo dưỡng, sửa chữa để phục vụ cho sản xuất. Đây là khâu khó nhất trong tất cả các nhà máy sản xuất ô tô. Thường khi đã làm chủ được khuôn ấy, các nhà sản xuất sẽ rất linh hoạt trong việc chế tạo ra mẫu mới, làm thử nghiệm và đẩy nhanh quy trình sản xuất. Trước đây, mỗi lần cần chỉnh sửa khuôn, chúng ta phải gửi sang nước ngoài, sửa xong rồi lại gửi về nên rất bị động.
Khi VinFast đã làm chủ việc nội địa hóa nhà máy khuôn, việc tăng tỷ lệ lên 80% là trong tầm tay. Nếu tính kỹ hơn, tôi tính nhà máy VinFast nội địa hóa được nhà máy khuôn thì tỷ lệ sẽ còn cao hơn nữa.
Ngoài việc giúp tối ưu thời gian, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa còn có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình sản xuất, thưa ông?
Tôi mới chỉ nói đến nhà máy khuôn, nhưng chúng ta cần phải nhìn xuyên suốt toàn bộ.
Bây giờ, về động cơ chúng ta cũng đã nội địa hóa hoàn toàn, từ nguyên liệu như cuộn dây đồng đến chế tạo. Đặc biệt, chúng ta có nhà máy sản xuất bộ điều khiển riêng. Với khung vỏ, chúng ta cũng đã dập từ tôn tấm, tôn cuốn ra thành phẩm cuối cùng, và rất nhiều các sản phẩm khác.
Và một điều đặc biệt ở VinFast, việc nội địa hóa này không đơn độc. Khi nhìn sang nhà máy ZF, cũng là nội địa hóa nhưng sử dụng công nghệ của ZF, đơn vị cung cấp phụ tùng cho BMW và nhiều hãng xe nổi tiếng của Đức. ZF là nhà cung cấp nội địa hóa hệ thống khung gầm cho VinFast. Như vậy, những nhà nội địa hóa không chỉ có mình VinFast. VinFast đã dẫn dắt để có nhiều nhà thầu khác, nhiều người khác tham gia vào chuỗi cung ứng này.
Với sản lượng và số lượng mẫu xe như hiện tại, khi đã tự chủ được việc thiết kế xe, VinFast sẽ mở rộng giúp nhiều nhà thầu khác dễ tham gia vào hơn, tính lan tỏa sẽ rất lớn.
VinFast cũng đã công bố kế hoạch tăng tỷ lệ nội định hóa lên tới 84% trong 1-2 năm tới. Vậy theo PGS.TS, VinFast có thể làm được điều này không?
Bây giờ, tỷ lệ nội địa hóa đã hơn 60%. Còn 24% nữa, với sự đầu tư và các phương thức mà VinFast đang làm, họ hoàn toàn có thể làm được.
Thứ nhất, nội lực về đầu tư của VinFast tốt. Họ có nhà máy khuôn mẫu tốt, nhà máy sản xuất động cơ tự động và nhiều nhà máy nhỏ khác nữa.
Thứ hai, ngoài nhà máy sản xuất pin đã có, VinFast cũng đang xây dựng nhà máy lớn hơn ở Hà Tĩnh. Đối với ô tô điện, nội địa hóa được việc sản xuất pin đã chiếm tỷ trọng rất lớn.
Thứ ba,VinFast có chính sách kêu gọi các nhà đầu tư, các nhà sản xuất công nghiệp khác đi cùng với mình. Như vậy, VinFast giống như một con chim đầu đàn kéo tất cả các đơn vị khác trong chuỗi cung ứng đi lên.
Hiện nay, sản lượng xe bán ra của VinFast đã rất lớn. Theo công bố đến hết tháng 11, con số ghi nhận được là hơn 67.000 chiếc bán ra. Hãng cũng có nhiều mẫu xe nên số lượng các sản phẩm, linh kiện nhỏ sẽ rất nhiều. Những con số này đủ lớn để nuôi các nhà cung cấp sẵn sàng đi cùng VinFast.
Vì thế, VinFast sẽ có sự hỗ trợ của nhiều nhà cung cấp trong nước trên con đường đạt đến tỷ lệ nội địa hóa 84%. Tôi cho rằng, việc đạt tỷ lệ 84% trong 1-2 năm tới là có thể thực hiện được.
Vậy, vì sao cho đến nay chỉ có VinFast có thể nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong việc sản xuất ô tô?
Một hãng xe muốn nội địa hóa việc sản xuất sẽ không đơn giản.
Muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa, họ phải đầu tư rất lớn để sản xuất khuôn mẫu. Nếu nhiều mẫu xe, các hãng cần có nhiều bộ khuôn. VinFast hiện nay có hơn 7.000 khuôn mẫu, tiêu tốn một số tiền cực kỳ lớn.
Trong khi đó, các hãng xe truyền thống đã đơn vị riêng làm công đoạn này nên sẽ không cần sản xuất ở Việt Nam. Họ chỉ lựa chọn một số mẫu xe phù hợp với thị trường Việt Nam để lắp ráp. Yếu tố này sẽ giảm tỷ lệ nội địa hóa của các hãng xe đó tại Việt Nam. Mọi nhà kinh doanh đều phải tính toán để tối ưu chi phí.
Với VinFast, hãng xe Việt đang ở thế xây dựng từ đầu, đầu tư một cách bài bản và tập trung. Từ đó, khả năng nội địa hóa của VinFast sẽ tốt lên bởi vì tất cả các nhà cung cấp đề tập trung trong cùng một khu công nghiệp.
Với tâm thế như vậy, VinFast đang khẳng định mình là nhà sản xuất, không phải nhà lắp ráp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Điều này rất chính xác.
VinFast đã làm chủ dây chuyển từ thiết kế đến sản xuất, cung cấp sản phẩm thương mại ra thị trường và dịch vụ rất tốt. Tất cả tạo thành một chuỗi khép kín của ngành công nghiệp ô tô, không chỉ là khâu lắp ráp đơn giản.
Nếu chỉ lắp ráp xe, khâu sản xuất này trong chuỗi sản xuất ô tô chỉ cần một lượng lao động ở mức vừa phải, không cần lao động kỹ thuật cao. Nhưng với định hướng là nhà sản xuất ô tô, VinFast đã nâng cao trình độ người lao động để đáp ứng được yêu cầu công việc.
Ở nhiều nhà máy ô tô trên thế giới, tỷ lệ con người tham gia vào các dây chuyền sản xuất không cao. Vậy ở góc độ của mình, ông đánh giá thế nào về khả năng tự động hóa của nhà máy VinFast?
Khi tham quan nhà máy VinFast, tất cả những dây chuyền sản xuất đều là nhà máy số. Hầu như toàn bộ dây chuyền sản xuất của VinFast đang tự động hóa. Ngay tại xưởng dập, từ đầu dây chuyền đến cuối dây chuyền chỉ có một người vận hành. Hệ thống cuốn mô tơ cũng vậy, 60% là tự động hóa.
Để phân biệt một mẫu ô tô được sản xuất trên dây chuyền tự động hóa nhiều hay ít, chúng ta quan sát những bu-lông trên xe xuất xưởng. Những bu-lông được đánh dấu sơn đã vặn chặt là được thực hiện hoàn toàn thủ công. Ngược lại, tại các nhà máy số, bu-lông được vặn chặt bằng cờ-lê lực tự động hóa nên sẽ không có dấu sơn. Đặc biệt, hệ thống treo của xe sẽ dễ quan sát các chi tiết này.
Thực tế quan sát, chúng ta nhận thấy, số lượng những bu-lông có dấu sơn trên xe VinFast là rất ít.
Với việc VinFast nâng cao tỷ lệ nội địa hóa như vậy, theo ông đất nước được lợi gì, khách hàng được lợi gì, các doanh nghiệp khác được lợi gì?
Đầu tiên, khi phải làm chủ nhà máy số, chất lượng nguồn nhân lực phải nâng cao. Từ trình độ kỹ sư đến những người vận hành đều phải nâng cao tay nghề nhiều lần so với bình thường. Khi không còn làm ở VinFast, những người này chuyển sang các doanh nghiệp khác đều có trình độ cao hơn. Như vậy, đất nước sẽ có một nguồn nhân sự mới trình độ cao, đã quen làm việc trong môi trường 4.0 hiện đại.
Với người tiêu dùng, họ sẽ được sử dụng những sản phẩm chất lượng hơn. Những bu-lông không có dấu sơn đã được mã hóa. Nhờ đó, dù ở đâu, chủ xe đều có thể tra cứu được ai là người đã phụ trách việc vặn bu-lông đó, lực siết là bao nhiêu, thực hiện lúc nào, có đảm bảo yêu cầu hay không… Người tiêu dùng từ đó sẽ được sở hữu một sản phẩm an toàn hơn, bền bỉ hơn.
Với doanh nghiệp, khi sản xuất tự động hóa, họ sẽ có những sản phẩm chất lượng tốt hơn. Đặc biệt, họ có thể nâng cao tốc độ sản xuất, đẩy nhanh thời gian đưa sản phẩm ra đáp ứng nhu cầu thị trường. Sản phẩm mà họ sản xuất sẽ tạo được niềm tin của người dùng. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, lợi nhuận của họ cũng sẽ tốt hơn.
Đối với các đối tác khác, chúng ta nhận thấy các dây chuyền trong nhà máy VinFast có một phần đến từ các nhà thầu Việt Nam. Thông qua việc lắp đặt dây chuyền cho VinFast, doanh nghiệp Việt cũng lớn lên. Bây giờ, Việt Nam đã có những doanh nghiệp đủ khả năng, năng lực để đấu thầu xây dựng các nhà máy ô tô trên thế giới. Đó là một điều rất là tuyệt vời.
Như vậy, ngoài VinFast, các nhà cung cấp Việt Nam khác sẽ cùng nhau tạo nên một chuỗi sản xuất 4.0. Họ cần nỗ lực và vươn mình để làm bàn đạp tiến ra toàn cầu.
Cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đàm Hoàng Phúc vì những chia sẻ này.
Chương trình Trên Ghế được phối hợp thực hiện bởi Đài Truyền Hình TP Hồ Chí Minh & Công ty Cổ Phần VCCorp; đơn vị hợp tác thực hiện AutoPro; đơn vị khai thác thương mại AdWheel; đơn vị đồng hành Giovanni.
Nguồn tin: https://genk.vn/pgsts-dam-hoang-phuc-tham-nha-may-vinfast-phan-biet-xe-san-xuat-nha-may-so-hay-van-bang-tay-nhin-bu-long-la-biet-20250102200720232.chn