Trong không khí đầy cảm xúc ấy, nhóm chúng tôi – vài người bạn trẻ mê khám phá và yêu những điều cũ kỹ – rủ nhau lang thang khắp phố phường. Không tìm những nơi nổi tiếng quen mặt, mà chọn lối đi riêng qua những góc nhỏ thân thương, nơi Hà Nội hiện ra dịu dàng và trầm lặng, như đang đợi ai đó dừng chân lắng nghe.
Bạn đồng hành trong chuyến “du hành quá khứ” lần này là chiếc Samsung Galaxy A56 5G mà tôi vừa mới tậu. Điều thú vị nhất ở chiếc máy này là tính năng Khoanh tròn để tìm kiếm, khi bạn chỉ cần chụp lại hình ảnh nơi mình tới thăm và AI sẽ tự động trả lời cho bạn mọi thông tin bạn cần.
Chúng tôi bắt đầu hành trình tại con phố Đinh Lễ vốn quá quen thuộc với người dân Hà Nội. Rẽ vào con ngõ nhỏ xíu tối tăm tại số 5 Đinh Lễ, băng qua hành lang, leo lên tầng hai của khu tập thể và một thế giới khác hiện ra: Nhà sách Mão, nhỏ bé nhưng nổi bật giữa những gian tập thể cũ, bao quanh bởi cây cối xanh mát, giống như 1 ốc đảo hiện ra giữa cái nóng ngột ngạt của buổi trưa đầu hè.
Không gian nhà sách cũng chẳng rộng rãi là bao nhưng chỗ nào cũng ngập tràn sách, xếp tràn đến trần nhà, lên cả gác xép cao. Những giá gỗ cũ phủ kín từ truyện thiếu nhi đến văn học cổ điển. Ánh đèn hắt nhẹ bên những chiếc ghế xếp nhỏ, đôi chỗ chỉ là vài chiếc bàn thấp, mùi giấy cũ hòa cùng tiếng lật sách khe khẽ khiến ai bước vào cũng như bị giữ lại bởi một thứ bình yên rất khó gọi tên. Có người đọc lướt, có người ngồi hẳn xuống sàn để lục tìm, có người không mua gì nhưng cứ loanh quanh mãi không muốn rời.
Bạn tôi kể rằng đã từng đến đây nhiều năm trước, hồi còn là sinh viên, và có chụp một bức ảnh kỷ niệm ở đúng góc cầu thang gỗ cũ đó. Lần này quay lại, bạn muốn chụp lại một tấm tương tự rồi chỉnh màu ảnh sao cho giống hệt tấm ảnh cũ năm xưa. Thường thì chuyện này khá mất công, phải tự chọn bộ lọc, cân chỉnh ánh sáng, màu sắc cho phù hợp. Nhưng với Galaxy A56 5G, chỉ cần một thao tác đơn giản: Tạo filter bằng AI từ ảnh gốc. Sau chưa đầy một phút, tấm ảnh mới đã mang màu sắc cũ, như thể thời gian thật sự đã quay ngược lại.
Từ nhà sách Mão, chúng tôi men theo ven hồ Gươm, tiến về phía Gia Ngư rồi tạt qua con ngõ Trung Yên nằm lọt thỏm giữa những hàng quán đông đúc. Lối vào ngõ nhỏ xíu, nối liền từ phố Đinh Liệt sang Hàng Bạc, tưởng như chẳng có gì nổi bật nhưng lại giữ được trọn vẹn vẻ thân quen của Hà Nội xưa. Trải đều 2 bên ngõ là những hàng quán vỉa hè, những nếp nhà cũ kĩ xen lẫn hiện đại, có căn còn treo lồng đèn giấy, có chỗ bày vài chậu cây cảnh trước cửa. Ở đây, ta có thể thấy được nét giản dị của Hà Nội hòa trộn vào nhịp sống hiện đại của những cửa hàng, khách sạn đời mới, chào đón khách du lịch từ khắp mọi nơi.
Góc quen của ngõ là quán bún cá Sâm Cây Si đã mở từ hàng chục năm nay. Không bảng hiệu cầu kỳ, không gian chỉ vừa đủ vài chiếc bàn kê sát tường và trong gian nhà chưa đến 10m2 nhưng lúc nào cũng đông khách. Bát bún nóng hổi, miếng chả cá cuộn thịt vàng giòn trứ danh, nước dùng thanh mà đậm vị, hương thơm lan ra cả một đoạn ngõ, cứ đi qua là tự nhiên muốn ngồi lại gọi đủ 1 combo bún cá – chả thịt – trà đá mới yên tâm mà đứng dậy đi tiếp.
Ngõ Trung Yên không phải điểm đến du lịch, cũng chẳng nằm trong danh sách những nơi phải check-in. Nhưng với người Hà Nội, đây là một trong những nơi có thể ghé đến bất cứ lúc nào để tìm lại nhịp sống ngày xưa, và để nhớ rằng thành phố này vẫn luôn có những góc nhỏ dịu dàng với mình như thế.
Giữa phố phường nhộn nhịp, căn nhà số 87 Mã Mây lặng lẽ lưu giữ hơi thở của Hà Nội xưa. Được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX và bảo tồn gần như nguyên vẹn, nơi đây là một ví dụ điển hình cho kiểu nhà ống truyền thống của người Tràng An: dài, hẹp, sâu, với sân trong đón gió và các gian nối tiếp nhau. Mái ngói mốc rêu, khung gỗ chạm khắc tinh xảo, đồ đạc bài trí đơn sơ nhưng đầy tinh tế. Mỗi góc nhỏ đều phản ánh nếp sống nền nã, chỉn chu của một thời đã qua.
Bước qua cánh cửa gỗ đã sẫm màu theo năm tháng, ta như được trở về một thế giới khác – chậm rãi hơn, nhẹ nhàng hơn. Những ai từng đến đây đều mang theo một chút bồi hồi, bởi Hà Nội trong ngôi nhà ấy không chỉ là hình ảnh mà còn là ký ức sống động, là cảm xúc khó gọi tên mỗi khi lòng chợt nhớ về phố cổ ngày xưa.
Chụp ảnh check in ở đây thích thật, nhưng vì nằm giữa con phố đông đúc nên không thể tránh được những chi tiết thừa không mấy đẹp đẽ. Ví dụ như bức ảnh dưới đây chẳng hạn, bạn tôi lại muốn xóa đi những người xuất hiện trong ảnh, và Galaxy A56 5G đã xử lý “ngon ơ”, tái tạo chi tiết rất thật, nếu không soi kĩ sẽ chẳng nhận ra là ảnh đã qua “chắp vá”.
Rời Nhà Di Sản, chúng tôi thong thả đi bộ tới ngõ Phất Lộc – một lối nhỏ nối từ Hàng Bè, xuyên qua Lương Ngọc Quyến và có hẳn 2 ngã rẽ ra Nguyễn Hữu Huân và Trần Nhật Duật. Ngõ này nổi tiếng không phải vì có công trình gì lớn lao, mà vì nó như một cuộn phim quay chậm về đời sống Hà Nội xưa.
Dù không còn nguyên vẹn như mấy chục năm trước, Phất Lộc vẫn giữ lại được hồn cốt của một Hà Nội thuần túy. Ở đây nổi tiếng với những căn nhà cổ đến cả trăm năm, giữ nguyên nếp sinh hoạt của người Hà Nội xưa. Có những gia đình đã sống trong đó vài thế hệ, có những cụ ông, cụ bà hàng ngày vẫn quét lá ngoài cổng, giặt giũ, nấu nướng trong mảnh sân bé xíu. Giờ đây, Phất Lộc cũng đang “phất lên” với những hàng quán đông đúc, xe cộ gửi kín 1 đoạn ngõ. Đôi khi, con ngõ này còn trở nên “náo loạn” vì quá đông đúc, nhưng mỗi người dân đều sống chan hòa, tình cảm, biết chia ca buôn bán để ai nấy đều có thể kiếm sống.
Có người nói ngõ Phất Lộc là một mạch ngầm nhỏ chảy qua lòng phố cổ, đưa người ta đi từ ký ức sang thực tại mà chẳng cần một lời giới thiệu. Ở đây, Hà Nội hiện ra không tô vẽ, không phô trương, chỉ đơn giản là chính nó – cũ kỹ, chật chội nhưng đầy ắp chữ tình và vô cùng dễ mến.
Điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình của chúng tôi là phố Nguyễn Quang Bích – nơi nhịp sống vẫn chậm rãi như thể chưa bao giờ bị cuốn vào guồng quay đô thị. Không nhiều xe cộ qua lại, không phô trương ồn ào, phố mang trên mình vẻ đẹp tĩnh lặng, điểm xuyết là những nếp nhà cổ, tường phủ rêu xanh, sẫm màu theo năm tháng.
Điều đặc biệt là những ngày này, 1 đoạn phố như bừng tỉnh trong sắc đỏ rực rỡ. Cờ đỏ sao vàng giăng ngang như tấm áo mới khoác lên những ký ức cũ. Không khí đón chào kỷ niệm 50 năm Thống nhất Đất nước tràn ngập nhưng vẫn giữ được nét nhẹ nhàng rất Hà Nội. Chẳng cần đạo cụ cầu kỳ, chỉ một bộ quần áo giản dị, đứng dưới những lá cờ bay trong gió là đủ để tạo nên một bức ảnh mang đậm chất Việt. Cũng vì thế mà Nguyễn Quang Bích đang trở thành một trong những tụ điểm check-in được các bạn trẻ yêu thích nhất mùa lễ này.
Xuyên suốt hành trình khám phá những góc Hà Nội xưa, chúng tôi cũng tranh thủ ghé vào vài quán cà phê đang được nhiều bạn trẻ chú ý đợt này nhờ cách trang trí rực rỡ để chào mừng lễ 30/4. Toka Coffee Stand nằm gọn trong ngõ 3B phố Đặng Thái Thân, nhẹ nhàng với những mảng tường cũ kĩ, giàn hoa leo và dây cờ đỏ giăng ngang. Ro Coffee ở phố Hàng Mã cho cảm giác như xuyên không về những năm “một nghìn chín trăm ngày ấy”, với lớp sơn vàng rực rỡ, những bộ bàn ghế gỗ và những bức tranh, biểu ngữ, đồ trang trí đậm chất kháng chiến. Hầm Trú Ẩn ở Trung Tiền thì tách biệt hẳn với phố thị, không gian biệt thự rộng hàng trăm m2 nhưng vô cùng yên tĩnh để “chill” bên hồ bơi và chụp lại những bức ảnh check-in đẹp tuyệt vời.
Những nơi như thế này thật lý tưởng để chụp ảnh lưu giữ cảm xúc, mà chiếc Galaxy A56 5G tôi mang theo lại “ăn rơ” không tưởng: Từ góc chụp siêu rộng để thu trọn chiều sâu của các con ngõ hẹp đến khả năng zoom 2x vẫn rõ nét nhờ cảm biến 50MP chất lượng cao, còn những chi tiết thừa ở hậu cảnh dễ dàng được làm mờ bằng chế độ chụp Chân dung xóa phông. Đặc biệt là, nhóm bạn tôi còn không giấu được sự thích thú với tính năng “Chân dung đẹp nhất” độc đáo hiếm thấy. Cụ thể là sau khi chụp, máy cho phép chọn lại từng khuôn mặt đẹp nhất trong ảnh để ai cũng rạng rỡ, không còn cảnh một người xinh một người… tắt nụ cười vì chưa kịp làm dáng mà đã lỡ bấm chụp.
Chuyến đi kết thúc khi trời bắt đầu tối. Mỗi người lưu lại cả trăm tấm ảnh, vài đoạn clip, nhưng điều đọng lại nhiều nhất vẫn là cảm giác yêu thêm thành phố này. Hà Nội không chỉ có Hồ Gươm hay phố cổ. Hà Nội còn là từng bậc cầu thang gỗ, từng vết tường tróc sơn, từng tiếng rao quen thuộc vang lên buổi sáng. Và khi ta dành một ngày để đi chậm lại, lặng ngắm, lắng nghe, thì Hà Nội sẽ kể cho ta nghe một câu chuyện rất dài, rất đẹp, và rất đáng yêu.
Nguồn tin: https://genk.vn/tim-ve-ha-noi-qua-ong-kinh-galaxy-a56-5g-nhung-goc-nho-ma-co-the-ban-cung-chua-tung-chu-y-20250424162654907.chn