Trong vài năm trở lại đây, xe lai sạc ngoài – hay còn gọi là PHEV (Plug-in Hybrid Electric Vehicle) – đã trở thành lựa chọn phổ biến tại nhiều thị trường đang chuyển mình từ xe động cơ đốt trong truyền thống sang xe điện. Với khả năng vận hành linh hoạt trên cả hai nền tảng điện và xăng, PHEV từng được kỳ vọng là “phép lai hoàn hảo”, giúp người dùng tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải, đồng thời xua tan nỗi lo về cự ly di chuyển khi hạ tầng sạc công cộng chưa hoàn thiện.
Tại Trung Quốc – thị trường xe điện lớn nhất thế giới – PHEV không chỉ là giải pháp tạm thời, mà còn là phân khúc chiến lược của nhiều thương hiệu nội địa như BYD, Li Auto, Geely, Chery hay MG. Các hãng này đã đầu tư mạnh vào công nghệ hybrid và đẩy mạnh xuất khẩu sang Đông Nam Á, châu Âu và Mỹ Latinh. Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen ngợi, thực tế cho thấy PHEV vẫn tồn tại không ít điểm yếu kỹ thuật, thách thức vận hành và những hiểu lầm phổ biến từ phía người tiêu dùng.
PHEV – giải pháp tưởng như hoàn hảo
Xét về lý thuyết, xe PHEV mang đến sự linh hoạt mà cả xe xăng lẫn xe điện thuần túy đều không thể có được. Khi pin còn đủ điện, xe có thể vận hành hoàn toàn bằng mô-tơ điện trong quãng đường ngắn (thường 40–80km). Khi pin cạn, động cơ xăng sẽ tự động khởi động để duy trì hoạt động – không tạo ra cảm giác “mắc kẹt” giữa hành trình như các dòng BEV (Battery Electric Vehicle).
Mô hình PHEV cũng có lợi thế lớn tại các đô thị đông đúc, nơi tốc độ trung bình thấp và tần suất dừng đèn đỏ cao. Ở điều kiện này, xe có thể khai thác tối đa mô-tơ điện và hầu như không dùng đến xăng. Chính vì vậy, không khó hiểu khi các bài quảng bá thường nhấn mạnh PHEV tiêu tốn chỉ 1–2 lít/100km, thấp hơn rất nhiều so với các xe xăng cùng phân khúc.
Thêm vào đó, ở Trung Quốc và nhiều quốc gia đang phát triển, xe PHEV còn nhận được các ưu đãi về thuế, biển số hoặc hạn chế lưu thông trong giờ cao điểm. Do đó, PHEV không chỉ được xem là giải pháp công nghệ trung gian, mà còn là lựa chọn mang lại giá trị kinh tế thực tế cho người mua xe lần đầu.
Tuy nhiên, lợi ích lý thuyết chỉ phát huy hiệu quả nếu xe được sử dụng đúng cách. Khi bước vào thực tế vận hành, đặc biệt tại các đô thị thiếu trạm sạc hoặc người dùng không có thói quen sạc thường xuyên, những điểm yếu cố hữu của PHEV bắt đầu lộ diện.
Bài học đi trước từ các mẫu xe PHEV Trung Quốc
BYD – thương hiệu nội địa chiếm thị phần PHEV lớn nhất tại Trung Quốc – đã đầu tư mạnh vào công nghệ hybrid DM-i. Các mẫu như Qin Plus DM-i, Song Plus DM-i hay Tang DM-p nhanh chóng trở thành “hiện tượng” nhờ mức giá cạnh tranh và khả năng vận hành thuần điện trong phạm vi 50–120 km. Tuy nhiên, không phải mọi chuyện đều suôn sẻ.
Tháng 7 năm 2022, BYD đã phải tiến hành triệu hồi hơn 52.000 xe Tang DM sản xuất từ tháng 4/2021 đến tháng 4/2022 sau khi phát hiện nguy cơ nước lọt vào khay pin có thể gây rò điện hoặc cháy nổ. Sự cố khiến giới truyền thông Trung Quốc đặt dấu hỏi về quy trình thiết kế và thử nghiệm khả năng chống nước của các mẫu PHEV thế hệ đầu.
Người dùng phàn nàn về lỗi trên các mẫu Xingyue L
Không chỉ gặp vấn đề về phần cứng, các dòng BYD DM-i cũng bị người dùng tại Trung Quốc và Thái Lan phản ánh về hiệu suất thực tế khi pin cạn. Nếu không sạc pin thường xuyên, xe sẽ vận hành chủ yếu bằng động cơ xăng 1.5L Atkinson, dẫn đến mức tiêu hao xăng lên đến 5–6L/100km – cao hơn nhiều so với con số 1,2–1,5L được công bố.
BYD đã cố gắng vá lỗi rung giật khi động cơ khởi động bằng cập nhật phần mềm ECU, nhưng điều đó cũng cho thấy sự lệ thuộc nặng vào việc “điện hóa hành trình” trong sử dụng thực tế.
Li Auto – một tên tuổi khác nổi bật với hệ thống EREV (Extended Range Electric Vehicle) – chọn hướng đi khác khi trang bị động cơ xăng như một máy phát điện di động để cấp năng lượng cho mô-tơ chính. Các mẫu SUV cỡ lớn như Li L8, L9 hay Li ONE được trang bị pin lớn (40–45 kWh), cho phép chạy điện hoàn toàn từ 150–180 km.
Tuy nhiên, khi sử dụng ở chế độ tăng phạm vi (range extension), động cơ xăng hoạt động liên tục ở tốc độ cao để sạc pin, tạo ra tiếng ồn lớn và tiêu thụ nhiên liệu khá cao, đặc biệt trên đường cao tốc. Một số chủ xe ghi nhận mức tiêu thụ lên tới 9L/100km nếu không được sạc điện từ trước.
Về mặt kỹ thuật, Li Auto cũng từng vướng vào sự cố liên quan đến hệ thống treo. Cụ thể, tháng 7 năm 2022, một chiếc Li L9 đã bị gãy khớp cầu treo trong quá trình chạy thử, khiến hãng phải mở rộng bảo hành và thay thế các bộ phận liên quan cho toàn bộ lô xe đầu tiên. Trước đó, năm 2021, Li ONE từng bị phản ánh về khớp cầu treo lỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất lái sau một thời gian dài sử dụng.
Người dùng than phiền về lỗi hộp số trên diễn đàn Autohome.
Geely và thương hiệu cao cấp Lynk & Co cũng là những đơn vị đầu tư mạnh tay vào công nghệ hybrid. Các mẫu như Xingyue L Hi·X hay Lynk 01 EM-P sử dụng hộp số hybrid DHT 3 cấp do Geely tự phát triển, với mục tiêu tăng hiệu suất và cảm giác lái thể thao. Tuy nhiên, nhiều chủ xe đã gặp phải hiện tượng xe bị “đột tử” – tức tắt máy giữa đường – do lỗi điều khiển hộp số và khớp ly hợp cơ khí.
Vấn đề được ghi nhận chủ yếu ở các mẫu sản xuất từ cuối 2021 đến giữa 2022. Ngoài ra, việc sang số ở dải tốc độ thấp còn gây cảm giác “giật nhẹ” hoặc không mượt, nhất là trong điều kiện đô thị. Dù đã được khắc phục qua các bản cập nhật, sự cố này cho thấy rủi ro tiềm ẩn khi hãng xe tích hợp quá nhiều tầng truyền động trong một hệ thống lai phức tạp.
Chery, với hệ thống Kunpeng DHT tương tự Geely, cũng gặp phải các phản hồi tương tự. Các dòng Tiggo 8 Pro e+ và Exeed Yaoguang C-DM được trang bị hộp số hybrid 3 cấp kết hợp hai mô-tơ điện. Một số người dùng cho biết trải nghiệm chuyển đổi giữa điện và xăng có độ trễ, đặc biệt khi leo dốc hoặc tăng tốc nhanh. Trên các diễn đàn như Zhihu hay Hupu, nhiều người tỏ ra e ngại về chi phí bảo trì lâu dài do cấu trúc truyền động quá nhiều linh kiện, từ động cơ xăng đến mô-tơ điện, pin, và hộp số đa cấp.
MG – thương hiệu con của tập đoàn SAIC – vốn được biết đến với các mẫu xe có mức giá hợp lý. Mẫu MG HS PHEV (xuất khẩu sang Đông Nam Á và châu Âu) trang bị pin 16,6 kWh, công bố phạm vi chạy điện là 52 km. Tuy nhiên, nhiều bài thử nghiệm thực tế tại Thái Lan và Anh cho thấy xe chỉ đạt khoảng 35–40 km điện.
Thêm vào đó, một số chủ xe báo lỗi đèn Check Engine sau khi sử dụng chế độ điện quá nhiều – nguyên nhân được xác định là do khí thải nguội, khiến bộ xúc tác không đạt nhiệt độ tối ưu và làm sai lệch tín hiệu cảm biến Oxy. Hiện tượng này dù không nghiêm trọng, nhưng ảnh hưởng tới trải nghiệm sử dụng, đặc biệt với nhóm người mua xe lần đầu.
Vì sao người dùng dễ hiểu sai về PHEV
Có một thực tế rằng các hãng xe thường công bố mức tiêu thụ nhiên liệu dựa trên các chu trình kiểm tra lý tưởng, thường là WLTC hoặc NEDC – nơi pin được sạc đầy, tốc độ trung bình thấp và thời gian chạy điện tối đa. Trong điều kiện thực tế, nếu người dùng không cắm sạc thường xuyên hoặc hành trình vượt quá phạm vi chạy điện, xe sẽ vận hành như một chiếc xe xăng thông thường – thậm chí tốn nhiên liệu hơn do phải gánh thêm trọng lượng pin và mô-tơ.
Tại nhiều thị trường đang phát triển như Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia, hạ tầng sạc còn hạn chế, đặc biệt tại chung cư hoặc bãi đỗ công cộng. Điều này khiến nhiều người mua xe PHEV buộc phải sử dụng phần lớn bằng xăng, làm mất đi lợi thế kinh tế ban đầu. Chưa kể, một bộ phận không nhỏ người dùng mua PHEV chỉ vì giá rẻ hơn EV, mà chưa hiểu rõ cách vận hành hoặc bảo trì của hệ thống hybrid, dẫn đến trải nghiệm sử dụng thiếu tối ưu.
Ai nên (và không nên) mua PHEV
Không thể phủ nhận rằng PHEV là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Với những người có thể sạc xe thường xuyên tại nhà, thường di chuyển quãng đường ngắn trong thành phố và hiểu rõ cơ chế vận hành của xe hybrid, PHEV là một lựa chọn hợp lý, đặc biệt khi chưa sẵn sàng chuyển hẳn sang xe điện thuần túy.
Tuy nhiên, với những ai không có điều kiện sạc điện tại nhà, thường xuyên đi xa, hoặc không quan tâm tới việc tối ưu hành trình, thì một chiếc xe hybrid truyền thống hoặc xe xăng tiết kiệm nhiên liệu có thể là giải pháp hợp lý hơn. Người dùng cũng nên lưu ý rằng một hệ thống hybrid càng phức tạp thì càng có nguy cơ phát sinh lỗi kỹ thuật, chi phí sửa chữa và thay thế linh kiện về sau cũng sẽ cao hơn đáng kể.
Trong bối cảnh các hãng xe Trung Quốc đang ồ ạt mở rộng thị phần ra thế giới, việc tìm hiểu kỹ các thế hệ công nghệ PHEV, đọc đánh giá từ người dùng thực tế và kiểm tra chi tiết chế độ hậu mãi là điều cần thiết. PHEV không phải “thần thánh” – đó là một công cụ, và chỉ khi dùng đúng cách, nó mới phát huy được hết giá trị của mình.
Nguồn tin: https://genk.vn/dong-co-phev-khong-phai-than-thanh-nhung-diem-yeu-va-rui-ro-nguoi-dung-can-biet-truoc-khi-mua-xe-20250417211825259.chn