Chernobyl là một trong những thảm họa đáng sợ nhất trong lịch sử loài người. Nhưng trong phạm vi rộng lớn đầy phóng xạ của khu vực loại trừ Chernobyl, đã có một sự kiện đáng ngạc nhiên xảy ra. Trong ba thập kỷ qua kể từ thảm họa hạt nhân thảm khốc, những cảnh quan bị bỏ hoang đã biến thành nơi ẩn náu đáng chú ý của động vật hoang dã. Khi con người biến mất, thiên nhiên đang hồi phục – bất chấp lượng phóng xạ còn sót lại.
Trên thực tế, như một nghiên cứu mới cho thấy, thiên nhiên đang thể hiện những khả năng thích nghi đáng chú ý, thậm chí có thể giúp ích cho con người.
Thảm họa Chernobyl xảy ra vào ngày 26 tháng 4 năm 1986 tại Liên Xô lúc bấy giờ. Đây được coi là một trong những vụ tai nạn hạt nhân thảm khốc nhất trong lịch sử. Vụ nổ và cháy tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã thải ra một lượng lớn chất phóng xạ vào khí quyển, làm ô nhiễm lan rộng ra nhiều khu vực ở châu Âu. Hậu quả là hàng ngàn người phải sơ tán khỏi nhà của họ ở các khu vực xung quanh, bao gồm cả thành phố Pripyat hiện đã bị bỏ hoang. Nó để lại một di sản đầy ám ảnh về sự di dời và đau khổ của con người.
Nhưng nhiều thập kỷ sau, địa điểm này và khu vực xung quanh đã trở thành tâm điểm của nghiên cứu khoa học và phục hồi sinh thái, mang đến những hiểu biết sâu sắc về khả năng phục hồi của thiên nhiên và những ảnh hưởng lâu dài của ô nhiễm phóng xạ.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng mặc dù có bức xạ nhưng Chernobyl vẫn trở thành điểm nóng về đa dạng sinh học. Từ nấm đến ếch và động vật có vú, sự sống đã tìm ra cách để tiếp tục phục hồi và thích ứng với những thử thách mới.
Tiến sĩ Cara Love, nhà sinh vật học tiến hóa và nhà nghiên cứu chất độc sinh thái tại Đại học Princeton ở Mỹ, đã nghiên cứu về loài sói ở Chernobyl trong một thập kỷ. Cô và các đồng nghiệp của mình đã đến thăm khu vực cấm vào năm 2014 và đeo vòng cổ vô tuyến lên những con sói, theo dõi chuyển động của chúng. Điều này không chỉ giúp các nhà nghiên cứu biết được chuyển động của bầy sói mà bằng cách theo dõi hành trình của chúng cùng với các cảm biến bức xạ, họ còn có thể biết được lượng phóng xạ mà những con sói tiếp xúc.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn lấy mẫu máu để xem loài sói phản ứng thế nào với mức độ phóng xạ.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những con sói tiếp xúc với bức xạ lên tới 11,28 milirem mỗi ngày. Điều đó giống như chụp X-quang ngực mỗi ngày – gấp hơn 6 lần giới hạn an toàn thông thường đối với con người. Nhưng điều hấp dẫn hơn là cách loài sói phản ứng với bức xạ.
Love phát hiện ra rằng hệ thống miễn dịch của loài sói đã thích nghi với sự thay đổi. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số dấu hiệu mà bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng bức xạ cũng biểu hiện – cho thấy hệ thống miễn dịch của sói đang thực hiện các bước để chống lại bức xạ.
Một số phần thông tin di truyền của loài sói dường như có khả năng phục hồi đáng kể trước nguy cơ ung thư gia tăng.
Ở người, các nhà nghiên cứu thường tìm kiếm những đột biến làm tăng nguy cơ ung thư. Ví dụ, một số thay đổi ở gen BRCA1 và BRCA2 có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư cho cả nam và nữ. Mặc dù chỉ có khoảng 1 trong 400 người mắc đột biến này nhưng điều quan trọng là các bác sĩ vẫn phải thường xuyên để mắt đến nó.
Nhưng công việc của Love lại là đang tìm kiếm những đột biến bảo vệ, chống lại bệnh ung thư nhiều hơn – và đây dường như là điều đang xảy ra với những con sói ở Chernobyl.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với bức xạ có thể tăng tốc độ đột biến gen và một số đột biến này làm cho các sinh vật có khả năng chống lại bức xạ tốt hơn. Thông thường, điều này được thể hiện ở thực vật và động vật có cấu trúc sinh học đơn giản và hiếm khi được thực hiện ở động vật có vú.
Những dấu hiệu rất thú vị nhưng rất khó để tiếp tục phát triển nghiên cứu. Đầu tiên là khoảng thời gian diễn ra đại dịch, và sau đó những bất ổn vể chính trị xung quanh khu vực Chernobyl, đã khiến các nhà nghiên cứu gần như không thể tiếp tục công việc và đi đến vùng cấm.
Hy vọng tình trạng này sẽ sớm được cải thiện. Bằng cách làm sáng tỏ các cơ chế di truyền giúp loài sói có khả năng phục hồi ở Chernobyl, các nhà khoa học có thể khám phá ra các chiến lược mới nhằm tăng cường sức đề kháng của con người đối với các bệnh ung thư do bức xạ, cải thiện hiệu quả của liệu pháp xạ trị và thậm chí phát triển các kỹ thuật phòng ngừa ung thư mới.
Nghiên cứu này đã được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Sinh học So sánh và Tích hợp ở Seattle, tuy nhiên, nó vẫn chưa được công bố trên một tạp chí bình duyệt.
Tham khảo: ZME
Nguồn tin: https://genk.vn/nhung-con-soi-dot-bien-o-chernobyl-duong-nhu-da-phat-trien-mot-so-loai-kha-nang-chong-lai-benh-ung-thu-20240216101844744.chn